Hóa giải thách thức, nâng tầm chuỗi giá trị tôm Việt

Ngày 12/4, trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam 2023 diễn ra tại Cần Thơ, Tổng cục Thủy sản Việt Nam phối hợp cùng Hội Nghề cá Việt Nam tổ chức hội thảo "Định hướng chính sách, nâng tầm chuỗi giá trị tôm Việt". Các ý kiến, đề xuất từ các doanh nghiệp, chuyên gia đã góp phần hóa giải thách thức, giúp tôm Việt vươn tầm cao mới.

Chú thích ảnh
Người dân, doanh nghiệp tham quan các mô hình tại Hội chợ triển lãm quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam 2023. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

Thách thức giá thành sản xuất và con giống

Những năm gần đây, ngành tôm Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc khi luôn nằm trong nhóm 3 quốc gia là Ấn Độ, Ecuador và Việt Nam dẫn đầu về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành tôm Việt vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là yêu cầu sản phẩm không chỉ đạt chất lượng, an toàn mà phải có giá bán cạnh tranh.

Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe nhận định, năm 2023, xuất khẩu tôm sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn, nhất là về giá cả. Trên thị trường thế giới, giá tôm giảm dần từ cuối năm 2022 và dự kiến còn tiếp tục giảm khi nguồn cung toàn cầu tăng lên khoảng 6 triệu tấn. Ở trong nước, giá tôm nguyên liệu lại tăng nên chế biến xuất khẩu khó khăn.

"Cuối tháng 2/2023, giá tôm Ấn Độ loại 40 con/kg, có giá khoảng 110.000 đồng/kg (4,53 USD/kg). Trong khi đó, tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long gần 170.000 đồng/kg, cao hơn 54%", ông Hòe so sánh.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng giá thành nuôi tôm cao vì thức ăn chiếm trên 65% giá thành tôm công nghiệp; phần lớn tôm giống bố mẹ phải nhập khẩu nên con giống giá cao; hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo nên nguồn nước dễ bị ô nhiễm, làm tăng chi phí bảo vệ tôm,...

Theo Tiến sĩ Trần Hữu Lộc, Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh mô hình nuôi tôm ở Việt Nam đầu tư nhiều (thiết kế ao nuôi phức tạp, thức ăn, hóa chất đầu vào, lao động,...) dẫn đến chi phí khấu hao lớn. Ở Ecuador (đối thủ cạnh tranh trong xuất khẩu tôm với Việt Nam), tỷ lệ sử dụng đất trong nuôi tôm chiếm 90%.

Còn ở Việt Nam, những mô hình nuôi tôm siêu thâm canh sử dụng diện tích mặt nước khoảng 20% dư lượng nuôi. Vì thế, mật độ nuôi tôm cao dẫn đến quá trình tự làm sạch của môi trường không diễn ra. Ban đầu nuôi rất tốt nhưng về lâu dài, chất thải từ tôm tích lũy dẫn đến tỷ lệ nuôi không thành công (dịch bệnh, chi phí xử lý nguồn nước,...).

Vấn đề tôm giống cũng được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp nhận định là vấn đề đáng lo ngại hiện nay. Theo ông Trương Đình Hòe, trong thời gian qua, tôm giống kém chất lượng vẫn chưa được kiểm soát, kiểm dịch tốt khi xuất và vận chuyển; việc quản lý sản xuất tôm giống còn lỏng lẻo, không có tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chất lượng; quy hoạch vùng nuôi còn tràn lan. Cùng với đó là việc không đủ lượng tôm giống chất lượng để nuôi, dẫn đến hệ lụy là khi thả nuôi thì tôm bị mắc nhiều bệnh, môi trường nước ô nhiễm.

Chi phí sản xuất cao, chất lượng con giống không đảm bảo là trở ngại, áp lực của ngành tôm Việt với các đối thủ cạnh tranh là Ecuador và Ấn Độ.

Thay đổi tư duy

Trong hơn hai thập kỷ qua, ngành tôm luôn đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam ra thế giới, trung bình góp khoảng 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Tôm Việt Nam được xuất khẩu đến 100 quốc gia, trong đó có 9 thị trường lớn gồm: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc,...

Với những thách thức mà ngành tôm đang phải đối mặt, làm sao có thể nâng cao sức cạnh tranh của ngành tôm Việt trên thị trường? Giá thành tôm nuôi là mối quan tâm lớn của người nuôi, doanh nghiệp và các chuyên gia.

Ở góc độ chuyên gia về tôm, Tiến sĩ Trần Hữu Lộc (Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, người nuôi tôm nên thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp thành kinh tế nông nghiệp. Bởi hiện nay, sản xuất là để cạnh tranh với thị trường quốc tế. Vì vậy, giá thành sản xuất đủ độ cạnh tranh, chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc minh bạch.

Vì thế, Tiến sĩ Lộc đề xuất nuôi tôm phải lựa chọn được mô hình phù hợp với yếu tố kỹ thuật (quản lý sản xuất, vận hành hệ thống nuôi, xử lý chất thải nuôi tôm, xử lý dịch bệnh,...). Bên cạnh đó, người nuôi tôm nên xem xét tối ưu sử dụng: vốn, lao động, diện tích nuôi, nguồn nước, con giống,... Từ đó, sẽ giúp mô hình nuôi tôm tăng về sản lượng, giá thành, giảm yếu tố rủi ro,...

"Chỉ cần ngành tôm thay đổi tư duy để có thể sản xuất tôm giá rẻ hơn, đủ sức cạnh tranh. Khi nuôi tôm với mật độ thưa, yếu tố dịch bệnh cũng giảm, áp lực sử dụng các loại thuốc, hóa chất ít, đảm bảo được mặt chất lượng, an toàn dư lượng kháng sinh để con tôm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu", Tiến sĩ Lộc nhận định.

Quản lý tôm giống đảm bảo chất lượng, an toàn với dịch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định hiệu quả sản xuất của ngành tôm. Đó cũng là giải pháp để giảm giá thành tôm nuôi Việt Nam.

Để có được con tôm giống chất lượng, theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Minh Phú đưa ra giải pháp già hóa tôm bố mẹ theo hướng chống chịu với dịch bệnh và thích ứng môi trường tại Việt Nam; kiểm soát tốt nguồn thức ăn cho tôm bố mẹ; sản xuất tôm giống chất lượng cao, minh bạch; xây dựng các quy trình nuôi tôm tối ưu giá thành thấp cho từng mô hình nuôi (tôm sú rừng, tôm sú quảng canh, tôm sú bán thâm canh, tôm sú - lúa, tôm thẻ chân trắng thâm canh,...).

Song song với đó là, xây dựng các quy trình nuôi tôm tối ưu giá thành thấp bằng cách quy hoạch những vùng nuôi tập trung lớn có kênh cấp - thoát nước riêng và có cơ sở hạ tầng giao thông điện nước hoàn chỉnh; ứng dụng số hóa trong nuôi tôm để quản lý truy xuất và giảm chi phí nhân công,...

"Bên cạnh đó, người nuôi tôm phải làm tốt quan trắc môi trường và phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi. Các doanh nghiệp cần giữ vững thị trường truyền thống và tiếp tục mở rộng thị trường dễ tính" ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản khuyến nghị.

Với những giải pháp mà các chuyên gia, doanh nghiệp đề xuất, kỳ vọng ngành tôm Việt vượt sẽ qua thách thức để năm 2023 đạt mục tiêu diện tích thả nuôi 750.000ha, sản lượng là 1,08 triệu tấn; phấn đấu kim ngạch xuất khẩu trên 4,3 tỷ USD.

Thu Hiền (TTXVN)
Để ĐBSCL bứt phá về khoa học và công nghệ - Bài 2: Ứng dụng khoa học, công nghệ vào nông nghiệp, thủy sản
Để ĐBSCL bứt phá về khoa học và công nghệ - Bài 2: Ứng dụng khoa học, công nghệ vào nông nghiệp, thủy sản

Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, đóng góp trên 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% trái cây của cả nước, 95% lượng gạo và 60% sản lượng cá xuất khẩu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN