Hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là giải pháp cung cấp hóa đơn có kết nối với cơ quan thuế, để quản lý được doanh thu thực của người bán. Thực hiện chỉ đạo, ngành thuế đã xây dựng giải pháp và chính thức vận hành hệ thống này từ ngày 15/12/2022. Hệ thống này tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng, cũng như doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh.
Theo đó, người bán có thể xuất hoá đơn điện tử ngay khi bán hàng hóa, dịch vụ, giúp tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đồng thời, việc xuất hóa đơn được thực hiện bất cứ thời gian nào, do hóa đơn in ra từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế là hoá đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định.
“Với việc thực hiện hóa đơn người nộp thuế sẽ chủ động hơn trong việc điều chỉnh sai sót do hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền được gửi vào cuối ngày, không phải gửi từng hóa đơn như loại hóa đơn có mã thông thường” , Thứ trưởng Cao Anh Tuấn chia sẻ.
PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính cũng cho rằng, người dân với tư cách là người mua hàng, khi người bán áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền thì giao dịch mua bán được minh bạch. Người mua hàng nhận hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có căn cứ pháp lý để ràng buộc trách nhiệm của người bán về nguồn gốc và chất lượng hàng hóa, dịch vụ.
Hiện nay, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công an, các bộ, ngành, UBND các tỉnh lựa chọn một số địa phương gồm TP. Hà Nội, thành phố Hải Phòng và Tp. Hồ Chí Minh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ triển khai trong giai đoạn 1 áp dụng 100% các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn hoạt động trong các lĩnh vực trực tiếp liên quan đến giao dịch với người tiêu dùng thì sử dụng hoá đơn điện tử từ máy tính tiền; trọng tâm là nhà hàng, khách sạn, siêu thị, kinh doanh vàng bạc… Trên cơ sở kết quả triển khai giai đoạn 1, sẽ triển khai giai đoạn 2 áp dụng diện rộng trên toàn quốc.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, mặc dù việc áp dụng hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền rất tiện lợi và minh bạch, nhưng đến nay số cơ sở kinh doanh đã đăng ký thành công hoá đơn điện tử kết nối với máy tính tiền với cơ quan thuế mới chỉ đạt 805 cơ sở kinh doanh, đạt khoảng 20% kế hoạch giai đoạn 1 mà ngành thuế đề ra, trong khi đó đến hết tháng 3 năm nay sẽ kết thúc giai đoạn 1.
Lý giải nguyên nhân khiến tỷ lệ cơ sở kinh doanh sử dụng toàn bộ hoá đơn điện tử từ máy tính tiền không cao, Tổng cục Thuế cho biết là do quy định hiện hành vẫn cho phép 1 cơ sở kinh doanh được đồng thời được sử dụng nhiều hình thức hóa đơn điện tử.
Cùng với đó, là do các cơ sở kinh doanh cần có thời gian để nâng cấp, chuyển đổi phần mềm ứng dụng của các máy tính tiền tại từng điểm bán hàng để đồng nhất việc xuất hóa đơn từ máy tính tiền trên toàn hệ thống, đặc biệt là mô hình chuỗi, siêu thị.
Bà Vũ Thị Thu Thủy, chủ cơ sở kinh doanh trên đường Minh Khai (Hà Nội) cũng bày tỏ lo ngại việc áp dụng hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền sẽ làm tăng chi phí của cửa hàng do phải đầu tư thêm máy móc.
Nhưng Tổng cục Thuế cho biết, gọi là hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, nhưng các cơ sở không phải mua mới máy tính, mà vẫn sử dụng máy tính có sẵn đang dùng hiện nay, chỉ cần tích hợp thêm phần mềm hóa đơn theo yêu cầu của cơ quan thuế. Chi phí cho hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền thậm chí còn rẻ hơn so với các loại hoá đơn điện tử khác.
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nhấn mạnh, việc triển khai hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền không tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp, mà ngược lại còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và nhân lực hơn so với các loại hoá đơn điện tử khác, do cuối ngày doanh nghiệp mới cần gửi dữ liệu 1 lần đến cơ quan thuế. Vì vậy, trong thời gian tới ngành thuế sẽ tham mưu đề xuất để áp dụng bắt buộc với giải pháp này.
Để triển khai việc thực hiện hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền theo đúng tiến độ, Bộ Tài chính đã phối hợp cùng các bộ ngành liên quan thực hiện hàng loạt các biện pháp. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa có thư gửi Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị các cơ quan, ban ngành địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế để triển khai thống nhất, hiệu quả việc thực hiện hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Bộ cũng đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục tăng cường phối hợp với cơ quan thuế trong việc kiểm tra kiểm soát thị trường, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực; trong đó, tập trung vào lĩnh vực bán lẻ hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng.
Khi áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trong lĩnh vực bán lẻ, cơ quan thuế sẽ có cơ sở dữ liệu tập trung, chi tiết về các giao dịch hàng hóa, dịch vụ được cung cấp trên thị trường, trên cơ sở đó Bộ Công Thương có thể tra cứu phục vụ quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh, chống gian lận thương mại.
Ông Nguyễn Duy Ngọc Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho rằng, cần phải xây dựng cơ sở pháp lý, các văn bản, thông tư đến nghị định, luật để đảm bảo bắt buộc phải chấp hành theo quy định pháp luật thuế. Việc triển khai hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền hiện nay là động viên khuyến khích, chưa bắt buộc. Do đó, để triển khai hiệu quả cần đảm bảo tính pháp lý chặt chẽ. Đồng thời, cần tính đến vấn đề tiêu chuẩn và lưu hành đối với máy tính thanh toán làm sao bảo mật dữ liệu. Việc xử lý hành chính phải đảm bảo đúng quy định; nghĩa vụ thuế phải đúng, đủ và động viên người dân tham gia.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần tính toán thời điểm kết nối mã số thuế cá nhân với căn cước công dân; sẵn sàng kết nối dữ liệu, trong đó có liên quan đến dữ liệu quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về doanh nghiệp, hộ kinh doanh cùng với dữ liệu thuế, dữ liệu dân cư.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định: Bộ Công an sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để xây dựng lộ trình tuyên truyền, tập trung đấu tranh, phòng ngừa, xử lý trường hợp vi phạm trong thất thu thuế, đặc biệt là công tác triển khai hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đạt kết quả cao nhất, đáp ứng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.