Hỗ trợ tín dụng để giúp ngư dân bám biển

Bên lề kỳ họp Quốc hội khóa 7, đại biểu Trần Hoàng Ngân (ảnh), đoàn TP Hồ Chí Minh đã trao đổi về các giải pháp giúp ngư dân bám biển.

 

Theo ông, cần có chính sách gì để giúp ngư dân bám biển?


Hiện nay, ngư dân trên các vùng biển của nước ta rất quyết tâm vươn khơi, bám biển để khẳng định chủ quyền biển đảo của đất nước. Nhưng, khó khăn đối với ngư dân là muốn ra biển thì cần có đội tàu lớn. Theo tôi, do nguồn lực của ngư dân có hạn nên Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ ngư dân. Ví dụ như, có thể huy động nguồn vốn đầu tư công để đầu tư cho đội tàu này thì mới mang lại thành công. Có thể giao cho UBND các địa phương quản lý nguồn vốn này nhưng cần có cơ chế quản lý hiệu quả.

 

Người dân thu mua cá ở cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Trịnh Duy Hưng-TTXVN


Tôi ủng hộ Quốc hội kỳ này có Nghị quyết đầu tư cho ngư dân để vừa đảm bảo cho phát triển kinh tế vừa đảm bảo lực lượng bám biển cho an ninh quốc phòng. Khi vấn đề chủ quyền biển đảo của đất nước đang đặt ra bức thiết như hiện nay thì càng cần phải quan tâm nhiều hơn đến các chính sách hỗ trợ ngư dân.


Vậy theo ông, Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra một gói hỗ trợ riêng đối với ngư dân hay không?


Ngân hàng Nhà nước nên đưa ra gói hỗ trợ cho ngư dân. Với gói hỗ trợ này, lãi suất cho vay phải thấp hơn nữa và thời gian cho vay phải dài hơn. Tuy nhiên, ngành ngân hàng cũng cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn là hiện nay, số lượng ngư dân có điều kiện tiếp cận nguồn vốn này rất hạn chế vì điều kiện cho vay là phải có tài sản thế chấp. Đầu tư tín dụng cho ngư dân nói chung và cho lĩnh vực nông nghiệp nói riêng có nhiều rủi ro nên nguồn tín dụng rất hạn chế. Nếu có thêm nguồn vốn đầu tư công hỗ trợ để đầu tư đóng tàu thuyền cho ngư dân thì mới có thể tăng được vốn đầu tư. Hiện nay, đầu tư công của nước ta vẫn chưa quan tâm nhiều đến việc hỗ trợ ngư dân, phát triển kinh tế biển. Ngư dân vẫn chưa hưởng lợi từ đầu tư công nên đây là thời điểm quan trọng để tăng đầu tư cho ngư dân.

 

Theo ông, khi đầu tư cho ngư dân, chúng ta đầu tư cụ thể lĩnh vực nào?


Theo tôi, chúng ta đầu tư vào đóng tàu cho ngư dân. Khi đội tàu của ngư dân được tăng cường thì hiệu quả đánh bắt sẽ tốt hơn, đời sống ngư dân sẽ được cải thiện và ngư dân sẽ yên tâm vươn khơi, bám biển và biên giới hải đảo của Tổ quốc được củng cố. Tuy nhiên, cần tổ chức quản lý các đội tàu cho hiệu quả, trước mắt, cần bố trí nguồn tiền đầu tư cho đội tàu. Bên cạnh đó là phải chú trọng nâng cao hiệu quả dịch vụ hậu cần cảng cá.

 

Ông có những kiến nghị giải pháp nào đối với tình hình trên biển hiện nay không, thưa ông?


Lịch sử đã chứng minh có thời điểm đất nước ở thế ngàn cân treo sợi tóc nhưng chúng ta vẫn vượt qua. Hiện nay, chúng ta có thế và lực mạnh hơn nhiều nên chúng ta có thể vượt qua được các thách thức đang đặt ra. Tuy nhiên, giải pháp quan trọng nhất là người dân phải có sự đồng thuận và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Giải pháp thứ hai ưu tiên đấu tranh bằng con đường chính trị, ngoại giao, truyền thông và vận động tổ chức quốc tế ủng hộ chúng ta. Giải pháp thứ ba là phải tăng cường lực lượng chức năng trên biển như cảnh sát biển, kiểm ngư để không chỉ ngăn chặn và yêu cầu Trung Quốc ra khỏi vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của chúng ta mà còn ngăn chặn tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép vùng biển của nước ta.


Xin cảm ơn ông!


Xuân Cường (ghi)

 Hỗ trợ ngư dân đóng mới 27 tàu công suất lớn
Hỗ trợ ngư dân đóng mới 27 tàu công suất lớn

UBND tỉnh Bình Định và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tổ chức ký kết hợp tác hỗ trợ đóng mới 27 tàu đánh bắt hải sản công suất lớn cho tỉnh Bình Định trong giai đoạn (2014-2017), với tổng số vốn 150 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN