Diễn đàn “Thúc đẩy năng lượng xanh trong khu công nghiệp: Giải pháp cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức.
Ngày 15/5, tại Diễn đàn “Thúc đẩy năng lượng xanh trong khu công nghiệp: Giải pháp cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh: "Việt Nam tái khẳng định cam kết phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng và thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Tham vọng này không chỉ thể hiện ở những tuyên bố chính trị, mà đã được cụ thể hóa bằng hàng loạt chính sách và hành lang pháp lý được xây dựng trong thời gian qua. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã tích cực triển khai các chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng; đã hoàn thiện các quy hoạch tổng thể về năng lượng, đồng thời xây dựng chiến lược phát triển ngành năng lượng tái tạo phục vụ cho mục tiêu dài hạn. Một trong những điểm nhấn là việc điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, nâng tổng công suất nguồn điện lên khoảng 183–236 GW vào năm 2030, con số được xem là cần thiết để đáp ứng nhu cầu điện dự kiến tăng gấp 1,5 lần trong giai đoạn phát triển nóng của nền kinh tế..."
Các chính sách pháp lý của Việt Nam cũng mang tính đột phá như: Chính phủ đã ban hành các nghị định quan trọng như Nghị định số 57/2025 về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng lớn, Nghị định số 58/2025 quy định chi tiết Luật Điện lực về phát triển điện năng lượng mới... Đây là bước tiến cần thiết nhằm tạo nền tảng pháp lý vững chắc, giúp doanh nghiệp yên tâm triển khai các dự án năng lượng sạch, nhất là trong khu công nghiệp, nơi tập trung đông đảo nhà máy sản xuất, tiêu thụ lượng điện khổng lồ và có tiềm năng lớn để xanh hóa.
Tuy nhiên, theo ông ông Hoàng Quang Phòng, thực tế triển khai các vấn đề trên tại cơ sở vẫn còn nhiều vướng mắc. Hiện nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp vẫn gặp khó khăn khi muốn đầu tư, lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà; nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu hướng dẫn cụ thể, chưa có quy định rõ ràng từ các bộ, ngành về việc triển khai loại hình năng lượng này trong khu công nghiệp. Điều này khiến doanh nghiệp loay hoay không biết phải làm theo quy trình nào, tuân thủ văn bản nào, trong khi nhu cầu cắt giảm chi phí điện, tăng tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo là rất rõ ràng và cấp thiết.
"Bài toán càng trở nên cấp bách khi thị trường quốc tế, đặc biệt là Mỹ và châu Âu, liên tục nâng cao các tiêu chuẩn xanh đối với hàng hóa nhập khẩu như kể từ ngày 1/1/2026, Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới (CBAM) sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm có lượng phát thải cao như thép, nhôm, xi măng… sang EU sẽ phải mua “chứng chỉ CBAM” tương ứng với lượng khí thải của sản phẩm. Đứng trước những rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe, việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng xanh không còn là lựa chọn, mà đã trở thành điều kiện bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn tiếp tục hiện diện ở các thị trường lớn. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn về chuỗi cung ứng bền vững, minh bạch hóa quy trình sản xuất và chứng minh trách nhiệm môi trường trở thành yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hội nhập sâu rộng", ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.
Việc hỗ trợ doanh nghiệp triển khai năng lượng xanh không chỉ giúp cải thiện hiệu quả kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh xuất khẩu, mà còn là chìa khóa để Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững. Trong bối cảnh tăng trưởng GDP mục tiêu năm 2025 đặt ra ở mức trên 8%, và kỳ vọng tăng trưởng hai con số từ 2026, nhu cầu năng lượng sẽ tiếp tục tăng cao. Nếu không có chiến lược chuyển đổi phù hợp, chi phí điện sẽ trở thành gánh nặng lớn, kéo lùi năng lực sản xuất của khu vực công nghiệp.