Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ, trong 2 quý vừa qua, nhóm ngành nông lâm thủy sản phát triển ổn định và khá toàn diện. Tổng diện tích gieo trồng đạt 71.800 ha, diện tích cây lương thực có hạt đạt 48.400 ha với sản lượng 278.500 tấn, đạt 65,4% kế hoạch năm.
Tuy nhiên, do dịch bệnh nên hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu chè gặp nhiều khó khăn. Giá chè xuất khẩu giảm 10% trong khi vật tư phục vụ sản xuất lại tăng từ 10 - 15% và giá lao động, vận chuyển tăng gấp 7 - 10 lần.
Cùng đó, việc xuất khẩu cho 8 vùng trồng chuối tại các địa phương trong tỉnh cũng gặp khó khăn do thiếu lao động và chi phí vận chuyển xuất khẩu cao dẫn đến đơn hàng xuất khẩu giảm. Điều này đồng nghĩa với việc tiêu tốn thêm vào chi phí lưu kho, điện duy trì bảo quản...
Ông Trần Tú Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho hay, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các đơn vị liên quan kết nối tiêu thụ nông sản an toàn trên địa bàn và vùng lân cận; chủ động xúc tiến tiêu thụ bằng nhiều hình thức phong phú.
Anh Hoàng Thạch Chất, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Lâm Thao, huyện Lâm Thao chia sẻ, mặc dù dịch bệnh phức tạp nhưng lượng hàng tiêu thụ của hợp tác xã vẫn ổn định. Hơn 50 thành viên của hợp tác xã vẫn duy trì sản xuất trên 10 ha rau, củ, quả. Trung bình mỗi ngày, hợp tác xã có 2 xe vận chuyển từ 3 - 4 tấn rau, củ, quả cho siêu thị Vinmart+ Việt Trì…
Tỉnh Phú Thọ có 4 trung tâm thương mại, 14 siêu thị và trên 100 cửa hàng Vinmart+, cửa hàng tiện ích quy mô từ 100 - 500 m2 đang hoạt động ổn định; cùng đó là 20.000 trang trại và hộ gia đình sản xuất kinh doanh sản phẩm nông sản. Hiện đã có gần 60 sản phẩm nông sản, thực phẩm được phân phối vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Phú Thọ đang gặp một số khó khăn trong tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch bệnh như về tín dụng, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã nông nghiệp; áp lực chi phí sản xuất, thuế, phí; hệ thống logistic, kho lạnh phục vụ bảo quản nông sản còn hạn chế; thiếu hụt nguồn cung về nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vì hạn chế vận chuyển...
Về xuất khẩu, trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt trên 3.000 triệu USD, tăng 73,2% so với cùng kỳ và đạt 69,1% so với kế hoạch năm. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: vải bạt, túi PP, quần áo các loại, linh kiện điện tử, chè, gạch men… với thị trường chủ yếu là Hàn Quốc, Mỹ, Canada, Ấn Độ…
Tuy nhiên, xuất khẩu của Phú Thọ hiện phải đối mặt với một số rào cản như: cước phí vận chuyển tăng; nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên phụ liệu bị gián đoạn; nhu cầu thị trường chưa phục hồi; nguyên vật liệu nhập khẩu tăn. Một số mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của địa phương như chè xanh, chè đen hầu hết là xuất khẩu ủy thác, duy chỉ có Công ty Chè Phú Bền, Công ty Chè Phú Đa và Công ty TNHH Chè SSOE Phú Thọ là xuất khẩu trực tiếp.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu, tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như: hỗ trợ xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm; hỗ trợ gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất; khai thác tốt thị trường nội địa và mở rộng thị trường xuất khẩu...
Ông Trần Đại Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan tỉnh Phú Thọ cho biết, việc thông quan cho doanh nghiệp được ưu tiên. Chi cục đã phân công cán bộ trực làm việc cả ngày nghỉ để giải quyết hồ sơ, tránh tồn đọng tờ khai thông quan; hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký thủ tục xuất khẩu ngoài giờ hành chính, bảo đảm tiến độ đơn hàng với đối tác và không thu thêm bất cứ chi phí phát sinh.
Theo ông Đặng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ, với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 4.500 triệu USD, Sở đã tham mưu các chính sách đầu tư thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước đưa vào sản xuất nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, tuyên truyền và tận dụng hiệu quả các cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; cập nhật chính sách mới về xuất khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế. Từ đó, giúp doanh nghiệp định hướng sản xuất kinh doanh, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa.
Các doanh nghiệp cũng nỗ lực tìm kiếm bạn hàng, mở rộng liên doanh, kiên kết; tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm; mở rộng đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng tích cực tăng dần tỷ trọng nhóm hàng chế biến, chế tạo và nhóm hàng có hàm lượng công nghệ, chất xám cao…
Từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều cơ hội xuất khẩu đang mở ra cho doanh nghiệp. Cùng với trợ lực từ chính sách, doanh nghiệp cải tiến mẫu mã, tăng chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường; tận dụng cơ hội do hội nhập mang lại để góp phần thúc đẩy xuất khẩu; chủ động biến thách thức thành thời cơ trong hoạt động xuất khẩu trên địa bàn.