Hồ tiêu tại Bình Phước chết chưa rõ nguyên nhân

Theo ghi nhận của Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước, trong vòng một tuần qua, trên địa bàn tỉnh đã có 218 ha tiêu bị chết nhanh tập trung ở huyện Hớn Quản 125 ha, Bù Gia Mập 38 và nhiều huyện khác như Lộc Ninh, Bù Đốp…

Mỗi héc ta tiêu bình quân khoảng 2.000 trụ tiêu. Tuy nhiên, đến ngày 23/11, cơ quan chuyên môn chưa tìm ra nguyên nhân dẫn tới tình trạng hồ tiêu chết ồ ạt khiến nhà nông trong tỉnh lo lắng.

Trong khi đó, theo người dân trồng tiêu, gần đây, do sử dụng phân bón Ong Biển để bón cho cây hồ tiêu, sau một thời gian, các vườn hồ tiêu bắt đầu vàng lá, sau đó rụng trái rồi chết rất nhanh. Nhiều người dân bày tỏ nghi ngại, hồ tiêu chết là do phân bón. 

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Bình Phước, Phó Chi cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Đình Hà cho biết, đến thời điểm này, việc tiêu chết hàng loạt xảy ra tại các huyện đang tiếp tục được làm rõ nguyên nhân. Ngoài diện tích hồ tiêu chết lên đến hàng trăm héc ta, những diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh còn đáng lo ngại hơn. Bởi qua ghi nhận tình trạng sâu bệnh gây hại cho cây hồ tiêu đã lên đến trên 1.200 ha; trong đó, do rệp sáp 118 ha, bệnh chết chậm gây hại sâu bệnh 654 ha và diện tích hồ tiêu chết nhanh. 

Nhận định về nguyên nhân hồ tiêu bị chết, Phó Chi cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Đình Hà chỉ ra nguyên nhân có thể do bón phân chưa đúng quy trình; phân bón có chứa hàm lượng chất gây hại cho tiêu và một số nguyên nhân khác. 

Tuy nhiên, theo ông Hà bón phân sai quy trình kỹ thuật là nguyên nhân đang được cơ quan chuyên môn chú ý nhiều nhất. Ông Hà lý giải, việc người dân nghi tiêu chết do phân bón giả là chưa đủ cơ sở, bởi phân giả, kém chất lượng sẽ làm cây tiêu chậm phát triển. Vì thế, có thể đó chưa đúng là nguyên nhân gây chết cho cây. 

Hiện nay, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước đang vào cuộc điều tra nguyên nhân dẫn tới tình trạng diện tích hồ tiêu chết nhanh và lan rộng trên địa bàn tỉnh Bình Phước. 

Bình Phước là tỉnh “thủ phủ” hồ tiêu lớn nhất vùng Đông Nam bộ và cả nước với diện tích trên 15.000 ha. Gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới về sản xuất hồ tiêu sạch được đối tác nước ngoài ký kết bao tiêu sản phẩm và được kỳ vọng sẽ tập hợp nhà nông tham gia vào hợp tác xã, tạo thành phong trào sản xuất lớn. Đây là đề án kinh tế đang được tỉnh Bình Phước đặc biệt quan tâm, nhằm tiến tới đưa nền nông nghiệp tỉnh này sản xuất theo mô hình lớn, hội nhập quốc tế và gia tăng giá trị sản phẩm, phục vụ xuất khẩu.

Dương Chí Tưởng (TTXVN)
Trồng hồ tiêu ghép khiến nhiều nông dân thất thu
Trồng hồ tiêu ghép khiến nhiều nông dân thất thu

Cách đây vài năm, các hộ trồng hồ tiêu ở Bà Rịa-Vũng Tàu đã tìm và mua giống hồ tiêu ghép với gốc tiêu dại, về trồng trên vùng đất mà trước đó đã trồng các giống hồ tiêu khác nhưng bị bệnh chết nhanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN