Hồ tiêu được mùa, được giá

Khác với “cảnh ngộ” của nhiều loại nông sản khác, cây hồ tiêu đang mang lại giấc mơ triệu phú cho nhiều nông hộ. Những tin vui dồn dập về giá cả, sản lượng đã góp phần xua bớt đi cái nắng oi ả, gay gắt trên khắp các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên…


Lợi đơn lợi kép


Những ngày này, gia đình anh Dũng ở huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) đang “vui như Tết”. Quanh ấm trà, những câu chuyện xoay quanh chủ đề về tiêu từ giá cả, thu hoạch cho đến kế hoạch mở rộng diện tích… luôn rôm rả. “Năm nay, vườn tiêu hơn 2 ha của gia đình tôi cho năng suất cao. Đã vậy, giá bán lại đạt từ 136.000 - 140.000 đồng/kg, tăng khoảng 19.000 đồng/kg so với đầu vụ. Nếu vườn tiêu đạt năng suất trung bình khoảng 7 tấn/ha, người trồng tiêu chúng tôi đã lãi từ 350 - 400 triệu đồng”, anh Dũng cho biết.

 

Thu hoạch tiêu đầu mùa tại xã Bảo Quang, huyện Long Khánh (Đồng Nai). Ảnh: An Hiếu - TTXVN

 


Năm nay, Việt Nam được mùa tiêu với tổng sản lượng dự báo đạt hơn 150.000 tấn, tăng 25% so với năm 2013. Tại nhiều tỉnh như: Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai…, rất nhiều hộ có sản lượng tiêu tăng 30%. Điều đặc biệt hơn, được mùa nhưng giá hồ tiêu không giảm mà còn tăng với mức 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ.


Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, đến nay diện tích trồng hồ tiêu cả nước đã đạt hơn 60.000 ha, tập trung chủ yếu các khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, miền Trung...


Còn về xuất khẩu, chỉ tính 3 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã xuất hơn 49.000 tấn hồ tiêu với tổng giá trị 332 triệu USD, tăng hơn 29% về lượng và gần 32% về giá trị. Giá hồ tiêu xuất khẩu bình quân đạt 6.828 đô la Mỹ/tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2013.


Việt Nam đang chiếm đến hơn 50% khối lượng xuất khẩu hồ tiêu trên thị trường do những nước trồng hồ tiêu số lượng lớn như Brazil, Indonesia… mất mùa. Trong khi đó, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam chỉ chiếm 30% sản lượng chung của thế giới. Bởi vậy, có thể nói đây là cơ hội tốt cho nhà nông tăng lợi nhuận”, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội tiêu Việt Nam phân tích.


Tận dụng thời cơ


Các chuyên gia trong ngành cho rằng, với vị thế chiếm lĩnh thị phần thương mại toàn cầu, ngành hồ tiêu cần tranh thủ cơ hội, đưa ngành phát triển bền vững. Theo đó, nông dân và doanh nghiệp phải kết hợp với nhau chặt chẽ hơn, đặc biệt trong những giao dịch thương mại: cần hạn chế tình trạng tranh mua, tranh bán để tránh bị ép giá.


Tuy nhiên, do thiếu vốn đầu tư nên có đến 70% số hộ trồng tiêu phải chịu gánh nặng áp lực đến hạn trả nợ ngân hàng, trả tiền vật tư mua chịu. “Vì vậy, điều mong mỏi nhất của người trồng tiêu lúc này là mong các tổ chức tín dụng tăng thời gian cho nông dân vay lên hơn 12 tháng, chứ không chỉ từ 3-6 tháng như hiện nay. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có những chính sách hỗ trợ thêm cho nông dân… Hiện người trồng tiêu, doanh nghiệp đã biết cách giữ giá hồ tiêu. Theo đó, khi giá hồ tiêu thế giới có xu hướng giảm, nông dân và doanh nghiệp trong nước tạm ngưng bán ra chờ giá tăng trở lại. Tuy nhiên, số người làm được như vậy vẫn chưa nhiều”, ông Nam nói thêm.


Các nước trên thế giới đang có xu hướng sử dụng các sản phẩm theo công nghệ sạch, hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Khi các sản phẩm đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định, có thể truy xuất nguồn gốc, các doanh nghiệp xuất của Việt Nam có thể tránh được tình trạng ép giá thành sản phẩm. Muốn vậy, theo ông Nam, nhà nông cần đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất chuyên canh theo hướng hữu cơ bền vững, hạn chế canh tác tự phát, không theo quy hoạch sang canh tác bền vững, có sự tham gia của doanh nghiệp.


Lê Nghĩa

Nâng cao chất lượng sản phẩm hồ tiêu Phú Quốc

Phú Quốc đang tập trung đầu tư phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, không những phục vụ thị trường nội địa, khách du lịch mà còn hướng đến xuất khẩu, tăng giá trị kinh tế cho hồ tiêu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN