Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang dần được khống chế tại Việt Nam nhưng vẫn còn nhiều diễn biến nóng ở các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) thì nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự trông đợi thời cơ mới giúp thúc đẩy và cải thiện tình hình xuất khẩu khi toàn cầu lui dịch.
Hiệp định EVFTA là một trong những điểm sáng đáng được kỳ vọng nhất ở thời điểm này, giúp Việt Nam đa dạng hóa các đối tác thương mại, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường trọng điểm ở cả lĩnh vực xuất khẩu và nhập khẩu; đồng thời, tranh thủ thời cơ để giữ vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đã có khoảng 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19. Những doanh nghiệp nào có quy mô càng lớn thì tỷ lệ chịu tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 càng cao; trong đó, một số ngành công nghiệp chủ lực vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, doanh thu trong quý I và nửa đầu quý II sụt giảm gần 70% so với cùng kỳ năm 2019.
Mặc dù, tình hình khó khăn là vậy nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn kiên cường chống chọi. Sau quyết định cơ bản dỡ bỏ các biện pháp giãn cách, mở cửa lại thị trường trong nước, tình hình các doanh nghiệp và nền kinh tế đã có những chuyển biến rất nhanh và theo chiều hướng tích cực.
Tính tới đầu tháng 5/2020, đã có hơn 55% trong tổng số doanh nghiệp tham gia khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý III, 22% số doanh nghiệp có ý định mở rộng sản xuất kinh doanh và chỉ 21% số doanh nghiệp cho biết sẽ thu hẹp hoặc tạm dừng hoạt động.
"Điều đó, chứng tỏ sức sống mãnh liệt và ý chí kiên cường cùng khả năng chống chịu của doanh nghiệp Việt Nam thực đáng tự hào, nhất là trong điều kiện khó khăn và khủng hoảng như hiện nay", Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc bày tỏ.
Mặc dù, tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới chưa cho thấy những tín hiệu phục hồi, song theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà EVFTA là một điển hình sẽ là thời cơ vàng để Việt Nam tận dụng mọi lợi thế có sẵn nhằm tạo đà vượt lên trên các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới, nâng cao vị thế quốc gia trên bản đồ thương mại toàn cầu.
Đây cũng là cơ hội để Việt Nam bứt ra khỏi những lợi thế về chi phí lao động giá rẻ, nguồn lực nông nghiệp dồi dào để chuyển sang một thời kỳ mới của việc chuyển giao công nghệ; phát huy kỹ năng, tri thức của lực lượng lao động trẻ, tiến tới một nền kinh tế năng động, sáng tạo và phát triển bền vững trong tương lai tới.
Với nhiều sản phẩm ưu việt và được giảm thuế theo lộ trình từ thị trường các nước thuộc Liên minh châu Âu, các doanh nghiệp Việt có thể sử dụng trong các quy trình sản xuất một cách chủ động, từ đó giúp cải thiện năng suất lao động, gia tăng lợi nhuận của mặt hàng xuất khẩu.
Khi tính cạnh tranh tăng lên, Việt Nam sẽ có thêm cơ hội để thúc đẩy thương mại, thông qua việc hài hòa hóa các điều kiện pháp lý, quy tắc xuất xứ, các quy định về quản lý và hành chính hải quan, cũng như công nhận các tiêu chuẩn và quy định phù hợp của nhau... thì nền kinh tế nói chung và người tiêu dùng Việt Nam nói riêng sẽ được hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA; đặc biệt là khu vực sản xuất dệt may, giày dép, nông sản hay nhiều ngành hàng bán lẻ khác.
Một trong những ngành sản xuất kỳ vọng vào sự thúc đẩy của Hiệp định EVFTA chính là các doanh nghiệp xuất khẩu tôm. Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sao Ta Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trước những áp lực của dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu, các hộ gia đình có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tiết giảm chi phí bằng cách tiêu thụ các mặt hàng tôm cỡ nhỏ, như vậy nhu cầu tôm giá trị cao sẽ giảm mạnh và tổng cầu tiêu thụ cũng vì thế giảm theo.
Hiện nay, các công ty kinh doanh tôm hàng đầu Việt Nam đang quan ngại về tình hình thiếu nguyên liệu sản xuất do người dân trì hoãn việc thả nuôi con giống theo hướng dẫn của các địa phương và cơ quan khuyến nông do lo ngại dịch COVID-19.
Đón bắt cơ hội từ Hiệp định EVFTA và thực trạng nguồn cung tôm trên thế giới đang thiếu hụt, doanh nghiệp Sao Ta đang nỗ lực tăng diện tích nuôi để chủ động nguồn nguyên liệu, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, gia tăng thêm giá trị lợi nhuận và kỳ vọng đạt các chỉ tiêu về doanh thu tiêu thụ khoảng 176 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Nguyễn Trọng Tú, đại diện Công ty cổ phần Trang thiết bị y tế Minh Trọng Medical cho hay, nhu cầu xuất khẩu khẩu trang đang tăng mạnh; đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh còn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới. Để nắm bắt xu hướng và thời cơ này,doanh nghiệp đã chủ động đầu tư thêm máy móc, thiết bị để tăng công suất, tăng năng lực sản xuất khẩu trang với sản lượng từ 9-10 triệu sản phẩm mỗi ngày. Cái khó và vướng mắc hiện nay là theo quy định của Chính phủ, các chuyến bay thương mại tới châu Âu chưa được chính thức khởi động trở lại nên doanh nghiệp phải tìm kiếm phương thức vận chuyển khác, không chỉ gây tốn chi phí mà còn mất nhiều thời gian và công sức chờ đợi.
Ngành dệt may được xem là có nhiều lợi thế khi Hiệp định EVFTA phát huy hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn, nhưng để vận dụng được, các doanh nghiệp phải hiểu biết, nắm chắc và nghiêm túc tuân thủ các quy định về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng và mẫu mã sản phẩm.
Chính vì xác định rõ những mục tiêu ấy, nên trong thời gian khó khăn dịch bệnh như vừa qua, doanh nghiệp vẫn nỗ lực hết sức để duy trì sản xuất, chính sách trả lương để "giữ chân" người lao động. Ông Tú bày tỏ kỳ vọng, với những quyết tâm ấy và tâm thế chủ động sẽ đem lại thành quả đáng kể, không chỉ bù đắp cho những thiệt hại, tổn thất của dịch bệnh vừa qua mà còn mở ra cơ hội lớn, tạo đà cho doanh nghiệp bứt phá trong tương lai.