Hiện đại hóa hoạt động thống kê theo hướng chuyển đổi số

Để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật về thống kê, Tổng cục Thống đang xây dựng dự thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia.

Việc xây dựng, hoàn thiện các hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, bộ, ngành, tỉnh, huyện, xã và các bộ chỉ tiêu thống kê khác nhằm kịp thời phản ánh tình hình kinh tế - xã hội phục vụ chỉ đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước và đáp ứng quá trình hội nhập thống kê quốc tế... 

Để hiểu rõ hơn về những giải pháp thúc đẩy tư liệu hóa, chuyển đổi số ngành thống kê cũng như cơ sở xây dựng số liệu thống kê, Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương xung quanh nội dung này.

Thưa bà, xin bà cho biết ý nghĩa của việc xây dựng Nghị định quy định chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia?

Để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật về thống kê, Tổng cục Thống kê đã xây dựng dự thảo và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành một loạt các văn bản quan trọng, như: Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 07/11/2022 của Chính phủ về việc ban hành quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...

Hiện, Tổng cục Thống kê đang xây dựng dự thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia.

Các văn bản quy phạm pháp luật giúp hệ thống pháp lý về thống kê ngày càng hoàn thiện, bảo đảm sự độc lập của hệ thống thống kê tập trung; tăng cường vai trò chủ đạo của cơ quan thống kê Trung ương về phương pháp luận, tiêu chuẩn, quy trình thống kê, điều phối hoạt động thống kê, hợp tác chia sẻ dữ liệu hành chính giữa các bộ, ngành, địa phương với cơ quan thống kê; sử dụng các nguồn dữ liệu lớn, dữ liệu mới cho hoạt động thống kê nhà nước. Xây dựng, hoàn thiện các hệ thống chỉ tiêu thống kê: quốc gia, bộ, ngành, tỉnh, huyện, xã và các bộ chỉ tiêu thống kê khác; kịp thời phản ánh tình hình kinh tế - xã hội phục vụ chỉ đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước và đáp ứng quá trình hội nhập thống kê quốc tế...

Vậy, để thúc đẩy tư liệu hóa, chuyển đổi số ngành thống kê, Tổng cục Thống kê đã ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình sản xuất thông tin như thế nào?

Thực hiện các giải pháp hiện đại hóa hoạt động thu thập, xử lý, quản trị dữ liệu và đẩy nhanh tư liệu hóa, chuyển đổi số trong công tác thống kê, những năm qua, ngành thống kê đã thực hiện nhiều hoạt động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Là một trong những cơ quan đi đầu trong chuyển đổi số, Tổng cục Thống kê đã ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào tất cả các công đoạn trong quá trình sản xuất thông tin thống kê. Tổng cục Thống kê đã thay thế phiếu giấy bằng phiếu điện tử, phát triển các phần mềm xử lý kết quả các cuộc điều tra, bước đầu xây dựng cơ sở dữ liệu metadata để sử dụng chung với một số dữ liệu về các bảng danh mục, ngân hàng câu hỏi điều tra, các bảng mã câu trả lời cho câu hỏi đóng đối với một số lĩnh vực thống kê.

Hiện tại, ngành thống kê đã xây dựng được một số cơ sở dữ liệu và kho dữ liệu trên nền tảng MS SQL gồm: cơ sở dữ liệu kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở các năm 1999, 2009; Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp các năm 2007, 2012; Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản các năm 2006, 2011; Điều tra doanh nghiệp các năm từ 2002 đến 2012; xuất nhập khẩu hàng hóa từ năm 1998 đến 2014; khảo sát mức sống; điều tra lao động việc làm; điều tra biến động dân số…

Do tính chất công việc chuyên môn, ngành thống kê sử dụng, lưu giữ văn bản giấy với nhiều tài liệu, số liệu quan trọng. Với quyết tâm chuyển đổi số thành công, Tổng cục Thống kê đặt mục tiêu, hiện đại hóa hoạt động thống kê theo hướng chuyển đổi số bắt đầu bằng số hóa văn bản, tài liệu, dữ liệu hành chính, lưu chuyển trên môi trường số hóa; tự động hóa các quy trình nghiệp vụ của hoạt động thống kê, tiến tới tái cơ cấu quy trình nghiệp vụ dựa trên ứng dụng các công nghệ tiên tiến; khai thác và sử dụng hiệu quả dữ liệu thống kê, nâng cao tính minh bạch và tính giải trình, xóa bỏ khoảng cách dữ liệu, tạo tiền đề cho cách mạng dữ liệu thống kê.

Để dữ liệu thống kê trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, Tổng cục Thống kê xây dựng cơ sở pháp lý như thế nào, thưa bà?

Để có cơ sở pháp lý thực hiện các giải pháp tư liệu hóa, chuyển đổi số trong công tác thống kê trên cả nước, Tổng cục Thống kê đang trình Chính phủ phê duyệt Đề án tư liệu hóa và chuyển đổi số trong hệ thống thống kê quốc gia. Đề án sau khi được phê duyệt, sẽ tạo điều kiện cho cách mạng dữ liệu thống kê và tạo đột phá cho kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, để dữ liệu thống kê trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng trong và ngoài nước và đáp ứng được yêu cầu về số lượng và chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, ngành thống kê xác định một trong những giải pháp trọng tâm trên hành trình chuyển đổi số tiếp theo là thống nhất dữ liệu.

Có nghĩa là cơ sở dữ liệu của ngành thống kê từ Trung ương đến địa phương được xây dựng thành một cơ sở dữ liệu thống nhất, kết nối với các cơ sở dữ liệu thống kê, dữ liệu hành chính của các bộ, ngành và địa phương để tạo thành một cơ sở dữ liệu tập trung và thống nhất. Đây cũng là đòi hỏi tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Một số bộ, ngành và địa phương đang triển khai xây dựng và quản lý dữ liệu tập trung phục vụ công tác quản lý ngành, lĩnh vực, tuy nhiên các dữ liệu hiện đang lưu trữ phân tán, rời rạc, chưa có tính liên kết, xâu chuỗi.

Có thể nói, cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia là dữ liệu đầu vào quan trọng trong việc biên soạn các chỉ tiêu thống kê, cung cấp thông tin thống kê chính thức và đáng tin cậy, là nguồn tài nguyên quý giá, cùng với cơ chế chính sách phù hợp sẽ giúp cho các tổ chức và cá nhân dễ dàng tiếp cận, khai thác và sử dụng thông tin để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng, quản lý và sử dụng cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia một cách có hiệu quả không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành thống kê mà đòi hỏi có sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành.

Học hỏi kinh nghiệm một số nước trên thế giới và từ khuyến nghị của một số tổ chức quốc tế về xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia, Tổng cục Thống kê cũng đang trình Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia, để bảo đảm việc triển khai được đồng bộ, có sự phối hợp, kết nối, chia sẻ giữa các cơ quan, đơn vị.

Từ đó xây dựng, quản lý, sử dụng và cập nhật cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia tập trung, thống nhất, cung cấp thông tin thống kê đầy đủ, chính xác, kịp thời để đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành, hoạch định chính sách, phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin thống kê của người dùng tin trong và ngoài nước.

Xin cảm ơn bà!

Thúy Hiền (TTXVN)
Ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã
Ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã

Ngày 24/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định số 5/2023/QĐ-TTg ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN