Hệ thống bán lẻ hiện đại “lấn” chợ truyền thống

Hiện nay, thị trường bán lẻ được các chuyên gia đánh giá là mảnh đất màu mỡ của các nhà đầu tư. Theo đó, dự báo từ nay đến năm 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn ở mức 23- 25%/năm và là một trong năm thị trường có khả năng sinh lời cao nhất. Tuy nhiên, thị trường bán lẻ có sự phân hóa rõ nét. Trong khi hệ thống bán lẻ hiện đại (siêu thị) phát triển nhanh thì các chợ truyền thống lại rơi vào cảnh đìu hiu, thưa thớt.

Nở rộ chuỗi bán lẻ hiện đại

Sau 3 năm thị trường bán lẻ Việt Nam được mở cửa cho các nhà phân phối nước ngoài được tham gia, rất nhiều hệ thống, chuỗi bán lẻ nở rộ và phát triển. Cuối năm 2011, thị trường bán lẻ bùng nổ khi nhiều doanh nghiệp dồn dập mở thêm điểm bán lẻ mới tại nhiều tỉnh, thành phố lớn. Thời điểm này, nhà bán lẻ điện tử, điện máy Nguyễn Kim đã tạo ấn tượng mạnh khi đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng mở 5 điểm bán lẻ tại 4 tỉnh, thành phố lớn gồm TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vũng Tàu và Biên Hòa. Đại diện Nguyễn Kim tiết lộ, doanh nghiệp này sẽ mở 12 điểm bán lẻ mới trong năm 2012, để đến năm 2015, nâng tổng số điểm bán lẻ lên 50 điểm.

Hàng thực phẩm tại siêu thị Crescent Mall luôn đông khách vì dễ chọn hàng và không sợ nói thách.


Tương tự, hệ thống siêu thị dệt Vinatex Mart, thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cũng mở liền 5 siêu thị dệt may trong hơn 1 tháng qua tại TP Hồ Chí Minh, Hòa Bình, An Giang, Tây Ninh và Gia Lai với tổng vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Dự kiến năm 2015, Vinatex sẽ phát triển hệ thống lên 200 siêu thị, cửa hàng.
Không chỉ các hệ thống bán lẻ ngành hàng, nhiều hệ thống bán lẻ tổng hợp lớn trong và ngoài nước như Big C, Co.op Mart, Metrol, Crescent Mall và các chuỗi cửa hàng tiện lợi như 24h, Shop and go, trung tâm thương mại Parkson, Vincom… cũng mở rộng các chuỗi bán lẻ.

So với các chợ truyền thống, điểm nổi bật của các chuỗi hệ thống bán lẻ hiện đại là giúp người tiêu dùng hưởng dịch vụ mua sắm thuận tiện hơn, hàng hóa phong phú hơn. Chưa kể, giá thực phẩm ở các hệ thống này cũng rẻ hơn so với chợ truyền thống, đặc biệt vào các dịp lễ, tết. Bên cạnh đó, các chuỗi hệ thống bán lẻ hiện đại cũng đáp ứng nhu cầu giải trí người tiêu dùng. Vì thế, vào những ngày cuối tuần, rất nhiều gia đình và trẻ em lựa chọn để đi chơi và mua sắm.

Tiểu thương bỏ sạp

Sự tiện ích của các chuỗi, hệ thống bán lẻ đã lôi kéo được nhiều người tiêu dùng và đẩy nhiều chợ truyền thống rơi vào cảnh đìu hiu, thưa thớt. Thậm chí, nhiều tiểu thương phải bỏ sạp ra… lòng, lề đường để kinh doanh.

Theo thống kê của Sở Thương mại TP.HCM, chỉ riêng 4 chợ bán sỉ lớn là An Đông, Soái Kình Lâm, Bình Tây, Nhật Tảo, đã có hơn 1.500 tiểu thương ngưng kinh doanh, trong đó gần 70% là ngừng không thời hạn. Các chợ truyền thống lâu đời khác như Bà Chiểu, Phạm Văn Hai, Gò Vấp, Hoàng Hoa Thám, Tân Định… cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Bà Trần Thị Nhiều, Trưởng BQL chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) thừa nhận: “Hơn 50 chủ sạp đã bỏ kinh doanh”. Trong đó, các tiểu thương bán mặt hàng vàng, vải vóc và thực phẩm như thịt heo, cá, rau, hoa quả, bánh kẹo… là bỏ sạp nhiều nhất”.

Theo bà Nhiều, nguyên nhân các tiểu thương bỏ sạp là do khó cạnh tranh với các chuỗi, cửa hàng bán lẻ. Các điểm bán lẻ này quá gần chợ. Chỉ tính xung quanh chợ Bà Chiểu vài km, đã có hơn 3 chuỗi, cửa hàng bán lẻ hiện đại vây quanh như siêu thị Co.op Mart, Vissan, Shop and go… Do đó, ngay cả các sạp bán thịt của hệ thống Vissan trong chợ cũng khó cạnh tranh với cửa hàng bên ngoài. Mặt khác, các điểm trên lại thoáng mát và có chỗ gửi xe. Trong khi đó, tại chợ Bà Chiểu, nhiều người tiêu dùng muốn vào cũng rất ngại vì thiếu bãi gửi xe từ 6 - 7 năm nay. Chính vì vậy, dịp trước và sau Tết Âm lịch, lượng người vào chợ mua sắm rất ít, giảm 30-40% so với thời điểm năm trước.

Theo BQL các chợ, hiện chỉ có sạp quần áo, giày dép và gia vị ở chợ là còn hút khách. Thực tế, vẫn có nhiều người tiêu dùng thích vào chợ truyền thống mua các mặt hàng này vì người bán hàng biết cách tiếp thị, tư vấn khách chọn hàng. Với người mua quần áo, người bán có thể tư vấn cách chọn đồ sao cho đẹp và phù hợp với dáng người. Với sạp gia vị, người bán có thể tư vấn khách mua gia vị gì phù hợp cho từng món ăn.

Theo bà Nhiều, đây chính là thế mạnh mà chợ truyền thống còn giữ được trong khi các chuỗi, siêu thị, cửa hàng bán lẻ không có. Do đó, để níu chân người tiêu dùng, Hội phụ nữ các chợ truyền thống luôn vận động và tuyên truyền các tiểu thương buôn bán hòa nhã, vui vẻ và hướng dẫn tận tình cho khách hàng khi mua sắm.

Bài và ảnh: Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN