Hoàn thiện hạ tầng cửa khẩu, giao thông
Hiện nay, kết cấu hạ tầng trên EWEC còn thiếu đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông và cửa khẩu, do phần lớn các nước trên hành lang này còn nghèo nên thiếu vốn đầu tư.
Từ đầu năm 2023 đến tháng 5/2023, đã xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài tại Cửa khẩu quốc tế La Lay (Quảng Trị) khi nhu cầu nhập than tăng đột biến; trung bình mỗi ngày có khoảng 300 - 400 phương tiện tải trọng lớn xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu này để chở than về Việt Nam.
Thiếu tá Nguyễn Thanh Minh, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay cho biết, phương tiện xuất nhập cảnh tăng mạnh trong khi cửa khẩu đang thi công dang dở nên chưa có bãi để kiểm hàng, san tải hàng hóa. Khi các phương tiện vận tải hàng hóa về, lực lượng chức năng phải tận dụng các bãi đất trống trong cửa khẩu để san tải hàng hóa. Bên cạnh đó, các điểm đấu nối từ nhà ga cửa khẩu và từ Quốc lộ 15D chưa hoàn thiện, vì vậy phương tiện di chuyển rất khó khăn.
Để giải quyết tồn tại này tại Cửa khẩu quốc tế La Lay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến đã giao các sở, ban, ngành khẩn trương xây dựng, sửa chữa phần đường dẫn hai đầu của làn xuất cảnh; bố trí vốn để đầu tư đoạn tuyến nằm trong phạm vi khu vực cửa khẩu, nâng cấp mở rộng đoạn tuyến tại vị trí cột mốc biên giới để tăng khả năng lưu thông, nâng cấp mở rộng mặt đường Quốc lộ 15D nhằm tăng khả năng lưu thông trên tuyến; nghiên cứu đề xuất của doanh nghiệp về đầu tư vận tải than đá bằng băng tải ở khu vực cửa khẩu.
Về vấn đề thiếu vốn đầu tư, tỉnh Quảng Trị đã mời gọi các doanh nghiệp tham gia xây dựng, hoàn thiện hai tuyến đường trọng điểm kết nối Đông - Tây gồm: Quốc lộ 15D từ cảng biển nước sâu Mỹ Thủy đến Cửa khẩu quốc tế La Lay và cao tốc đường bộ Cam Lộ - Lao Bảo, theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Dự kiến cần trên 3.000 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp 78 km trong tổng số 92 km Quốc lộ 15D. Cao tốc đường bộ Cam Lộ - La Bảo dài 65 km, tổng vốn đầu tư khoảng 7.700 tỷ đồng. Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Trị Trần Hữu Hùng cho biết, cả hai dự án này đều đang nhận được sự quan tâm, nghiên cứu và đề xuất đầu tư của nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ưu tiên bố trí vốn đầu tư khoảng 980 tỷ đồng thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 49 giai đoạn 2021 - 2025. Sau khi hoàn thành nâng cấp, Quốc lộ 49 sẽ trở thành tuyến vận tải liên vận quốc tế, đặc biệt là trung chuyển hàng hóa từ Thái Lan, Lào về các cảng biển Thuận An, Chân Mây và Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Qua đó, góp phần giảm tải cho tuyến EWEC hiện tại từ hai cửa khẩu quốc tế La Lay và Lao Bảo đến các cảng biển Thuận An và Chân Mây.
Hiện nay, cặp cửa khẩu chính Hồng Vân - Cô Tài hoạt động chưa hiệu quả, do đường giao thông phía Lào bị xuống cấp nghiêm trọng và chưa được đầu tư xây dựng. Đặc biệt, điểm đấu nối giao thông tại cặp cửa khẩu này nằm ở vị trí địa hình núi cao hiểm trở, gây nhiều khó khăn cho người và phương tiện qua lại.
Khắc phục bất cập này, đầu tháng 4/2022 tại huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế), Đoàn công tác của Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Văn phòng Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao Lào đã ký kết biên bản thống nhất việc chuyển vị trí đấu nối giao thông cặp cửa khẩu này. Đây là bước đi quan trọng nhằm tạo cơ sở pháp lý trong đầu tư kết nối cơ sở hạ tầng cửa khẩu, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là giúp thông thương hàng hoá từ Lào qua các tỉnh miền Trung Việt Nam.
Từ nay đến năm 2025, tỉnh Quảng Nam tập trung đầu tư nâng cấp, sửa chữa Quốc lộ 14D và 14E kết nối cảng biển Chu Lai với Cửa khẩu quốc tế Nam Giang. Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) đề xuất, đầu tư cảng biển Chu Lai đáp ứng tàu tải trọng 50.000 tấn và tuyến đường từ cảng biển này kết nối với vùng Tây Nguyên, Lào, Campuchia.
Ngoài nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 14D và 14E, THACO mong muốn đầu tư làm tuyến đường mới đi thẳng từ cảng biển Chu Lai đến Cửa khẩu quốc tế Nam Giang. Qua khảo sát THACO nhận thấy, làm tuyến đường mới này sẽ rút ngắn được khoảng 50 - 60 km so với đường hiện hữu.
Đại diện Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp Quảng Nam cho biết, tỉnh tập trung điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang theo hướng ưu tiên xây dựng kho bãi, hình thành bến tập trung xuất nhập hàng hóa và dịch vụ liên quan đi kèm, đảm bảo các điều kiện phát triển mới.
Tỉnh cũng tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở, đưa khu kinh tế cửa khẩu này trở thành trung tâm thương mại mang tầm quốc tế, không chỉ phục vụ phát triển kinh tế và xuất nhập khẩu mà nơi này trong tương lai sẽ là điểm du lịch xuyên Á hấp dẫn du khách các nước trên EWEC.
Trong Chương trình thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW Bộ Giao thông Vận tải đã đề ra mục tiêu đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ. Trong số đó từ nay đến năm 2030 kêu gọi đầu tư tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, Đà Nẵng - Thạch Mỹ - Ngọc Hồi - Bờ Y (Cửa khẩu quốc tế Bờ Y- Kon Tum); nâng cấp các tuyến Quốc lộ trọng yếu kết nối Đông - Tây, đặc biệt là kết nối với các cảng biển lớn; nghiên cứu kêu gọi đầu tư tuyến đường sắt kết nối vùng với khu vực Tây Nguyên (Đà Nẵng - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước) và Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - cảng biển Mỹ Thủy.
Sớm thực thi chính sách vượt trội xuyên biên giới
Đánh giá về chính sách của các nước trên EWEC, ông Dương Tiến Lâm, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tại Đà Nẵng cho rằng, thủ tục để xe chở hàng lưu thông trên tuyến EWEC còn nhiều trở ngại. Tại cặp Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Densavan, trước đây đã áp dụng “một cửa” nhưng hiện Hải quan Lào và Việt Nam lại làm riêng biệt. Ngoài ra, một số tỉnh của Lào hiện cấm xe Việt Nam chở container rỗng vào Lào để nhận hàng.
Còn tại Myanmar, thủ tục xuất nhập khẩu còn rất phức tạp và chậm dẫn đến hàng lưu thông bằng đường bộ không hiệu quả. Hàng từ Đà Nẵng vận chuyển đi Yangon (Myanmar) chỉ mất 5 ngày nhưng thời gian chờ thủ tục Hải quan nhập khẩu tại cửa khẩu Maesot (Myanmar) lại mất hơn 10 ngày.
Theo ông Dương Tiến Lâm, Việt Nam cần đàm phán với Lào dỡ bỏ các hạn chế kỹ thuật để tạo điều kiện thông thoáng cho xe và hàng hóa lưu thông. Hải quan hai nước cần phối hợp để làm thủ tục “một cửa”, dừng một lần cho hàng quá cảnh. Các tỉnh, thành của Việt Nam trên các tuyến EWEC gồm: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam cần có thêm các chính sách cụ thể để tăng lượng hàng lưu thông như: Chính sách thu hút nhà đầu tư sản xuất và xuất khẩu, chính sách thu hút công ty, tập đoàn lớn lập trung tâm logistics để phân phối hàng hóa trên hành lang này.
Trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào hiện nay, chỉ duy nhất ở khu vực cặp Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Densavan đã thành lập hai khu kinh tế: Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo (Quảng Trị - Việt Nam) và Khu thương mại biên giới Densavan (Savannakhet - Lào) đối xứng nhau. Đây là điều kiện thuận lợi để hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhet đề xuất Chính phủ hai nước, cho phép thí điểm xây dựng Khu kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan, dự kiến thực thi từ tháng 7/2024.
Theo dự thảo đề án, Khu kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan có quy mô gồm: Về phía Việt Nam là Khu kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo có diện tích trên 15.850ha gồm hai thị trấn Lao Bảo và Khe Sanh và các xã: Tân Thành, Tân Long, Tân Liên, Tân Lập và Tân Hợp, huyện Hướng Hóa; phía Lào là Khu thương mại biên giới Densavan từ Bản Đông đến biên giới Việt Nam (cửa khẩu) gồm 13 bản có chiều dài 19 km.
Khu kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung này, dự kiến vận hành theo mô hình hai nước hai khu đối xứng nhau qua đường biên giới có sự kết nối về hạ tầng (kết nối cứng) và chính sách (kết nối mềm). Mỗi bên tự chịu trách nhiệm xây dựng và quản lý khu hợp tác xuyên biên giới trên phạm vi lãnh thổ mình, tiến hành xây dựng hàng rào cứng cách ly tại các khu phi thuế quan, khu vực kho bãi hàng hóa chờ kiểm hóa, cảng cạn.
Đặc biệt, thay vì dựa vào các chính sách miễn giảm thuế và hỗ trợ đầu tư hạ tầng từ nguồn ngân sách nhà nước như trước đây, lực hấp dẫn của Khu kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan chủ yếu dựa vào các cơ chế “phi thuế quan”, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến, dịch vụ logistics. Cơ cấu nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng chủ yếu từ doanh nghiệp, dự kiến khoảng 70 - 80% theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, tỉnh xác định việc xây dựng thí điểm Đề án Khu kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan là nhiệm vụ chính trị quan trọng, để sớm trình cấp có thẩm quyền của Việt Nam xem xét quyết định và phối hợp với cơ quan chức năng của Lào để thực thi.