Một số bộ, ngành cũng đang rà soát hoàn thiện các quy định, chính sách để hạn chế việc sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất các loại túi ni lông khó phân hủy.... Không phải ngẫu nhiên mà việc chống ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành vấn đề cấp bách đối với các cơ quan quản lý, bởi chúng ta đang phải trả giá bằng tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng.
Với quyết tâm chấm dứt thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phát động phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc. Ngay lập tức, lời "hiệu triệu" đã thu hút sự đồng thuận và tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và đang có sức lan tỏa mạnh mẽ trong từng ngõ ngách của đời sống. Tuy nhiên, cuộc chiến chống lại tình trạng "ô nhiễm trắng" không hề đơn giản!
Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu chùm 5 bài viết về chủ đề chống rác thải nhựa nhằm đưa ra những cảnh báo, giải pháp cho vấn nạn có tính toàn cầu này cũng như kinh nghiệm xử lý rác thải nhựa của Nhật Bản, là nước có lượng rác thải nhựa bình quân đầu người lớn thứ 2 thế giới.
Bài 1: Thúc đẩy chuyển dịch sang kinh tế xanh
Việt Nam có 3.000 km đường biển và 112 cửa biển, đây vừa là lợi thế và cũng là đường vận chuyển rác thải nhựa ra biển. Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc công bố, mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương khoảng 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa, chiếm 6% toàn thế giới, đứng sau Trung Quốc, Indonesia và Philippine.
Báo động “ô nhiễm trắng”
Lưng áo đẫm mồ hôi, giữa nắng hè oi bức, anh Nam-công nhân môi trường, oằn lưng đẩy xe chứa túi ni lông lớn nhỏ đựng rác lẫn lộn với đủ thứ chai lọ nhựa. Đây là hình ảnh thu gom rác thường ngày ở Hà Nội - nơi mỗi ngày thải ra môi trường hàng chục tấn rác thải nhựa.
Hiện nay, trên thế giới cứ mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được bán ra và mỗi năm có 5.000 tỷ túi ni lông được tiêu thụ. Riêng Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và ni lông. Thống kê bình quân, mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi ni lông/tháng.
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, túi ni lông hiện nay rất nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa và túi ni lông ở Việt Nam hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Thế giới đã đánh giá tỉ lệ chất thải nhựa phát sinh đối với nước có thu nhập trung bình như Việt Nam chiếm 12% lượng chất thải rắn phát sinh. Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi ni lông không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải nhựa và túi ni lông thải bỏ ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm.
Đây thực sự là những con số đáng báo động về vấn đề ô nhiễm do rác thải nhựa hay còn gọi là “ô nhiễm trắng” mà Việt Nam đang phải đối mặt. Điều đáng lo ngại là phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, các chất thải từ nhựa và ni lông mới phân hủy hết, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, đe dọa các hệ sinh thái và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Theo báo cáo của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, năm 2015, Việt Nam sản xuất và tiêu thụ khoảng 5 triệu tấn nhựa; trong đó, khoảng 80% nguyên liệu nhập khẩu sử dụng từ nhựa phế liệu. Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh từ 3,8 kg/năm/người năm 1990, tăng lên 41 kg/năm/người vào năm 2015.
Mặc dù việc nhập khẩu phế liệu nhựa đã từng bước được "kiểm soát", song lượng phế liệu nhựa nhập khẩu vẫn tăng, năm 2016 là 18,548 tấn, năm 2017 là 90,839 tấn và 9 tháng năm 2018 là 175.000 tấn.
Vấn đề xử lý chất thải nhựa không phải bây giờ mới đặt ra mà từ năm 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ ban hành Quyết định 582/QĐ-TTg phê duyệt đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thượng Hiền, Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thừa nhận việc triển khai đề án này còn nhiều vấn đề, chưa đạt được hiệu quả như mục tiêu đề ra. Cơ chế chính sách về cơ bản đã có tuy nhiên để triển khai vào cuộc sống còn phải tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới.
TS Nguyễn Phương Loan, khoa Môi trường (Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng còn có sự lúng túng trong quản lý xử lý chất thải rắn nói chung và chất thải nhựa nói riêng, cả về chính sách, chế tài, công nghệ, cho đến mô hình cụ thể. Lĩnh vực tái chế chất thải nhựa của Việt Nam hiện tại vẫn chưa phát triển. Hoạt động tái chế chất thải nhựa chưa được tổ chức với quy mô lớn, chủ yếu được thực hiện bởi các doanh nghiệp nhỏ nên hiệu quả thấp, gây ô nhiễm môi trường.
“Tái chế nhựa tạo ra các sản phẩm tiêu dùng một lần rút ngắn tuổi thọ hàng nhựa, đẩy nhanh chúng ra bãi rác, nên không có lợi về môi trường trong khi chúng ta chưa có chế tài riêng kiểm soát việc sản xuất sản phẩm nhựa dùng một lần này”, TS Loan nói.
Trong khi đó, thói quen của người dân dùng túi ni lông, đồ dùng nhựa một lần ngày càng gia tăng. Thêm vào đó, người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác sinh hoạt hàng ngày, việc lẫn các loại chất thải nhựa, đặc biệt là ni lông tương đối phổ biến. Điều này càng khiến việc xử lý rác thải nhựa thêm khó khăn.
Ngoài việc tổn hại về môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, tiêu tốn tiền của để xử lý, rác thải nhựa cũng ảnh hưởng tới phát triển kinh tế. Nếu không giải quyết được vấn đề rác thải nhựa thì dần dần môi trường sống của các loài cá, sinh vật biển sẽ bị ảnh hưởng, các sinh vật biển không phát triển được thì con người cũng không có nguồn lợi để khai thác.
PGS. TS Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam nhận định rằng, với ngành du lịch cũng vậy, rõ ràng khi rác thải nhựa tràn lan thì khách du lịch họ sẽ không đến nhiều. Rác thải nhựa còn ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế như làm muối, nuôi trồng thủy sản, đánh bắt thủy sản ven biển.
Cộng đồng cùng chung tay
Tại lễ phát động phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh việc thành lập Liên minh các doanh nghiệp Chống rác thải nhựa, các sáng kiến chống rác thải của các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát hoàn thiện quy định, chính sách để hạn chế việc sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần; khuyến khích, hỗ trợ phát triển, sử dụng sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường, phân loại rác tại nguồn; thu hút đầu tư, ứng dụng phát triển công nghệ tiên tiến tái sử dụng, tái chế rác thải, rác thải nhựa. Bộ cần khẩn trương đưa các cơ sở tái chế nhựa phân tán nhỏ lẻ vào khu công nghiệp tập trung để quản lý; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất túi ni lông khó phân hủy; kiên quyết trả lại các lô hàng phế liệu nhựa không cấp giấy phép chính thức.
Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm xã hội, cùng chung tay chống rác thải nhựa, tích cực tham gia phân loại, thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
Tại lễ phát động chống rác thải nhựa trên toàn quốc vào ngày 9/6 vừa qua, Thủ tướng nêu rõ cần phải có quyết tâm thực hiện phương châm: nhà nhà hạn chế rác thải nhựa, người người phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa, xã hội tiến đến nói không với rác thải nhựa. Phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, các chợ, các siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Đáp ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, 9 công ty hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì đã bắt tay nhau thành lập liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam). Các công ty tiên phong sáng lập PRO Vietnam bao gồm: TH Group với thương hiệu TH True milk, Coca-Cola Việt Nam, FrieslandCampina Việt Nam, La Vie, Nestle, Nutifood, Suntory PepsiCo Việt Nam, Tetra Pak và Universal Robina Corporation nhằm hỗ trợ phát triển một hệ sinh thái thu gom, tái chế bao bì trong nước đủ mạnh, giúp tăng tỉ lệ tái chế và giảm thiểu tỉ lệ bao bì thải ra môi trường.
Gần đây, tại Hà Nội, hơn 200 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thực hiện ký cam kết phòng chống rác thải nhựa trong sản xuất, phân phối tiêu dùng.
Để chỉ đạo của Thủ tướng cũng như những nỗ lực này có thể đi vào cuộc sống cần tiếp tục có những hoạt động thường xuyên, liên tục cùng với những chính sách giải pháp cụ thể.
Giải pháp trọng tâm theo ông Nguyễn Thượng Hiền là đi từ cơ chế chính sách, hoàn thiện đồng bộ chính sách như sửa Luật Thuế bảo vệ môi trường để tăng thuế bảo vệ môi trường với việc sử dụng sản phẩm nhựa. Cùng với đó là đẩy mạnh nghiên cứu ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, thay thế cho các vật dụng bằng nhựa thông qua việc hỗ trợ về công nghệ, biện pháp kinh tế để doanh nghiệp chuyển sang sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường cũng như đẩy mạnh về truyền thông để từ ý thức chuyển sang hành động cụ thể.
“Thủ tướng chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng đề án tổng thể về quản lý chất thải nhựa, cuối năm trình Thủ tướng chính phủ ban hành để xử lý căn cơ vấn đề này”, ông Hiền cho biết.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng được Chính phủ giao sửa lại Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg về danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, dự kiến có đặt ra lộ trình loại một số loại phế liệu nhựa có khả năng tái chế thấp ra khỏi danh mục được phép nhập khẩu. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định về quản lý chất thải phế liệu; trong đó có đưa ra những giải pháp cụ thể về nhập khẩu phế liệu nhựa.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất “Chính phủ cũng như các bộ ngành: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Công Thương tạo ra hệ sinh thái, tạo ra môi trường bằng những quy định khung pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp triển khai sáng kiến về nền kinh tế tuần hoàn”.
Kinh tế tuần hoàn là khái niệm còn khá mới nhưng có nền tảng áp dụng công nghệ sẽ giúp thúc đẩy mô hình kinh doanh sáng tạo mới, chuyển dịch sang nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.
Bên cạnh hỗ trợ về vốn, mặt bằng đất đai, cần có sự giải tỏa ngay chính sách về xử lý chất thải, quy định rõ ràng chất thải nào được coi là nguyên vật liệu thứ cấp để có thể được trao đổi, buôn bán. “Khi được hành lang pháp luật bảo vệ, doanh nghiệp sẽ đầu tư vào khoa học công nghệ để biến những chất như nhựa thành những sản phẩm khác có giá trị sử dụng đạt quy chuẩn về môi trường”, ông Vinh tin tưởng nói.
Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) trực thuộc VCCI đang phối hợp chặt chẽ với các hội viên và đối tác lớn trong nước và quốc tế để triển khai thí điểm Dự án không xả thải vào thiên nhiên nhằm giảm thiểu các vấn đề phát sinh từ chất thải nhựa tại Tp. Hồ Chí Minh.
VBCSD/VCCI cũng đang triển khai Dự án Thị trường nguyên vật liệu thứ cấp giúp các nhà sản xuất có thể mua, bán và trao đổi các thiết bị, nguyên vật liệu phù hợp với nhu cầu sử dụng. Mô hình này sẽ giúp tận dụng tối đa các nguồn nguyên liệu là phế thải vẫn còn giá trị sử dụng, giảm thiểu tác động môi trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam bền vững hơn từ đó đưa ra mô hình kinh doanh mới đem lại giá trị về công ăn việc làm, bảo vệ môi trường.
Bài 2: Hệ thống phân phối hướng tới tiêu dùng xanh