Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Hòa, số diện tích mía cháy là hơn 115 ha của 110 hộ trồng mía bị ảnh hưởng. Diện tích mía cháy nằm ở vùng sườn dốc, không có nước tưới thuộc địa bàn các xã Sơn Hà, Suối Bạc, Sơn Phước, Sơn Nguyên, Ea Chà Rang, thị trấn Củng Sơn…. Cây mía đang trong giai đoạn sinh trưởng từ 4 đến 5 tháng tuổi và hầu hết bị cháy trụi nên người dân hầu như mất trắng tiền đầu tư.
Nguyên nhân mía cháy được xác định là nắng nóng kéo dài xảy ra diện rộng trên địa bàn huyện Sơn Hòa trong hơn một tháng qua. Ngoài ra có thể do sự bất cẩn của người dân khi vứt tàn thuốc lá ở những đám mía gần bờ đường hoặc do đốt rẫy vào thời điểm có gió.
Ông Đào Duy Linh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Hòa cho biết, nếu thời tiết tiếp tục nắng kéo dài thì số diện tích bị cháy có thể tăng lên. Bây giờ chỉ có thể trông chờ ở trời mưa vì có nhiều diện tích không có nước tưới. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thống kê toàn bộ số diện tích này để vận động bà con chuyển đổi cây trồng. Với tình trạng mía không có tưới và giá cả bấp bênh như hiện nay thì người dân chỉ có thua lỗ.
Sơn Hòa là huyện có diện tích mía nguyên liệu lớn nhất tỉnh Phú Yên với trên 15.300 ha; trong đó quy hoạch cho nhà máy đường KCP (100% vốn nước ngoài) là 13.400 ha. Thực tế, việc chuyển đổi cây trồng ở những diện tích mía không có nước tưới; năng suất kém đang được các địa phương thực hiện bước đầu đem lại hiệu quả nhưng chưa được nhân rộng.
Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sơn Hòa cho biết, để ứng phó với biến đổi khí hậu, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo cho các cơ quan chuyên môn trong thời gian tới tìm cách giảm diện tích mía năng suất kém để chuyển sang cây trồng khác. Còn vùng nguyên liệu vẫn sẽ đảm bảo giữ vững cho các nhà máy đường hoạt động.