Hàng nghìn container hàng hóa mắc kẹt ở cửa khẩu với Trung Quốc

Để phòng chống dịch COVID-19, Trung Quốc đã ngưng thông quan một số cửa khẩu biên giới với Việt Nam, hàng nghìn container hàng hóa mắc kẹt, nằm chờ ở cửa khẩu. 

Chú thích ảnh
Ngày 17/2, Trung Quốc thông báo ngừng hoạt động nhập khẩu hàng hoá tại cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai). Ảnh: TTXVN.

Trung Quốc ngừng thông quan, xe ùn ứ ở cửa khẩu

Từ cuối năm 2021 đến nay, tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc liên tục diễn ra. Thậm chí, ngày 17/2/2022, phía Hà Khẩu (Trung Quốc) đã tạm ngừng hoạt động nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Kim Thành - Lào Cai (Việt Nam).

Tại cửa khẩu Kim Thành có khoảng 350 xe container chở hàng nằm chờ xuất khẩu. Phía Trung Quốc chưa thông báo thời gian cụ thể sẽ tiếp nhận trở lại hàng hoá Việt Nam.

Trước đó, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn có công văn gửi Sở Công Thương 62 tỉnh, thành phố về việc tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở mặt hàng hoa quả tươi xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ của tỉnh Lạng Sơn từ ngày 16/2.

Tuy nhiên, đến ngày 16/2, khoảng 2.000 container hàng hoá đang nằm chờ ở cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, trong đó 82% là nông sản, hoa quả tươi, còn năng lực thông quan hiện vẫn rất hạn chế, khoảng 100 - 120 xe một ngày tại 3 cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị và Chi Ma. 

Ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, nguyên nhân của việc ùn tắc từ trước Tết đến nay là do sự khác nhau giữa các biên pháp chống dịch. Phía Trung Quốc vẫn theo đuổi chế độ “Zero COVID-19” nên sẽ kiểm soát hàng hóa chặt chẽ.

Ví dụ, khi tìm thấy virus trên bao bì sản phẩm 3 lần, Trung Quốc sẽ ngừng nhập khẩu mặt hàng đó. Điều đó đã xảy ra với thanh long. Trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam tăng lên, Trung Quốc đề nghị tạm dừng sử dụng đội lái xe chuyên trách trong vùng đệm. Do vậy, số lượng lái xe chuyên trách giảm xuống dẫn tới xe thông quan chậm.

Bên cạnh vấn đề kiểm soát dịch bệnh COVID-19, những hạn chế trong hạ tầng cửa khẩu cũng là một trong những yếu tố gây nên tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu.

Ông Trần Thanh Hải cho biết, trên toàn tuyến biên giới giáp ranh với Trung Quốc hiện có 76 cửa khẩu, trong đó có 7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu quốc gia, còn lại là cửa khẩu phụ, lối mở. Hình thức xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế và quốc gia là xuất khẩu chính ngạch, còn xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở là xuất khẩu tiểu ngạch.

“Khi hàng nông sản Việt Nam vào các vụ chín rộ, lượng xe dồn lên cửa khẩu nhiều, trong khi đó các cửa khẩu đều nằm ở miền núi nên khả năng thông quan rất hạn chế, trung bình 1 ngày nếu trong điều kiện bình thường thì 1 cửa khẩu có thể thông quan được 300 - 350 xe. Vào những thời điểm nông sản chín rộ, 1 ngày lượng xe lên cửa khẩu là 800 - 1000 xe. Do vậy đã gây ra tình trạng ùn tắc như thời gian qua”, ông Trần Thanh Hải cho hay.

Sớm chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương khuyến cáo, các doanh nghiệp và người dân cần có phương án xuất, nhập khẩu hàng hóa phù hợp, tránh tình trạng ùn tắc, tồn đọng hàng hoá có thể xảy ra khi Trung Quốc dừng thông quan tại các cửa khẩu.

Các chuyên gia khuyến cáo, để giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa ở cửa khẩu như thời gian qua, cần sớm chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các bộ, ngành khác nhiều lần cảnh báo, hướng dẫn cho các địa phương, thương lái, doanh nghiệp sớm chuyển mạnh sang hình thức xuất khẩu chính ngạch, tiến tới xoá bỏ hình thức xuất khẩu tiểu ngạch. Vì hình thức xuất khẩu tiểu ngạch có rất nhiều rủi ro, quan hệ thương mại không có tính bền vững lâu dài. 

Theo ông Trần Thanh Hải, để giải quyết vấn đề này, vai trò của địa phương hết sức quan trọng vì địa phương là người sâu sát với nông dân, với các thương nhân ở trên địa bàn, khu vực. Các địa phương như Bắc Giang, Hải Dương, Sơn La thời gian qua là bài học tốt trong việc tham gia trực tiếp hỗ trợ người nông dân như: Tạo điều kiện cho thương nhân nước ngoài đến xem hàng, mua hàng, thực hiện các khâu đóng gói, lựa chọn trước ở trong lãnh thổ Việt Nam. Sau đó, khi đưa hàng lên biên giới thông quan. Hoặc hướng dẫn cho nông dân, thương lái đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí về đóng gói, bao bì, nhãn mác, quy định về mã vạch, truy xuất nguồn gốc để khi lên cửa khẩu không rơi vào tình trạng bị từ chối thông quan.

“Một khi chính quyền địa phương vào cuộc thì thấy rằng sự hỗ trợ của các bộ, ngành sẽ thuận lợi hơn. Nếu không có sự tham gia, vai trò dẫn dắt của địa phương thì sự tham gia của các bộ, ngành cũng kém hiệu quả. Các bộ, ngành không thể hỗ trợ được tất cả các nơi nếu vai trò của chính quyền địa phương chưa được phát huy”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo đại diện Bộ Công Thương, việc mở rộng đầu tư hạ tầng cửa khẩu, hạ tầng thương mại, hạ tầng logistics cũng là vấn đề mang tính căn cơ, dài hạn; cần có những trung tâm logistics, kho lạnh, kho mát để bảo quản được các sản phẩm nông sản với thời gian lâu hơn. 

Ngoài ra, cần tăng cường chế biến sau thu hoạch đem lại những sản phẩm có giá trị cao hơn, không bị phụ thuộc vào yếu tố thời vụ. Như vậy vừa có thể nâng cao giá trị của sản phẩm nông sản, vừa giảm bớt sức ép dồn lên các cửa khẩu như thời gian vừa qua.

Thu Trang/Báo Tin tức
Từ 21/2, Lạng Sơn sẽ triển khai nền tảng cửa khẩu số
Từ 21/2, Lạng Sơn sẽ triển khai nền tảng cửa khẩu số

Sáng 18/2, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu chủ trì cuộc họp với các sở, ban, ngành và các lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn về việc triển khai nền tảng cửa khẩu số trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN