Hàng không Việt mở lại đường bay quốc tế: Động lực và cơ hội mới

Chiều 24/2, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định), Cục Hàng không Việt Nam, Tổng cục Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) phối hợp với Hãng hàng không Bamboo Airways tổ chức Tọa đàm: "Hàng không Việt mở lại đường bay quốc tế: Động lực mới, cơ hội mới.

Chú thích ảnh
Máy bay của hãng hàng không Bamboo Airways. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Tại tọa đàm, các cơ quan quản lý nhà nước cùng các chuyên gia hàng không, kinh tế, du lịch và đại diện doanh nghiệp hàng không, lữ hành lớn… đã phân tích những vấn đề, kiến nghị, giải pháp để kích thích hơn nữa đà hồi phục của hoạt động bay thường lệ quốc tế. Đồng thời, thảo luận các vấn đề như đảm bảo các quy định, điều kiện về an toàn phòng, chống dịch trong bối cảnh Việt Nam dỡ bỏ hạn chế, mở lại các đường bay quốc tế từ ngày 15/2 vừa qua.

Ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) cho biết, hàng không và du lịch là 2 ngành bị ảnh hưởng lớn nhất của đại dịch COVID-19. Hoạt động của các doanh nghiệp hàng không đã bị ảnh hưởng trên cả mạng bay nội địa và quốc tế.

Cũng theo ông Bùi Doãn Nề, kết quả sản xuất kinh doanh giảm sút, tình trạng tài chính của các doanh nghiệp trong ngành hàng không gặp khó khăn. Một bộ phận lớn người lao động bị giảm thời gian làm việc, ngừng việc, giảm thu nhập.

"Sau khi cho phép triển khai và khôi phục từng bước đường bay nội địa, ngành hàng không Việt Nam đã có sự khởi sắc trở lại. Đặc biệt, ngành đã phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, đảm bảo hành khách đi lại an toàn trên cả khía cạnh giao thông lẫn y tế. Các hãng hàng không, các sân bay, cảng hàng không, cơ quan điều hành bay và các đơn vị phục vụ mặt đất đã phối hợp với nhau ngày càng chặt chẽ, giúp hành khách đi lại ngày càng thuận lợi hơn", ông Bùi Doãn Nề chia sẻ.

Đánh giá về quyết định của Chính phủ cho phép mở cửa du lịch từ 15/3 tới, ông Bùi Doãn Nề nhấn mạnh, những quyết định này đã tạo điều kiện để ngành hàng không Việt Nam tiến dần tới bình thường hóa hoàn toàn các hoạt động của mình, không bị "chậm chân" trong cuộc cạnh tranh với các hãng hàng không trong khu vực và thế giới có đường bay đi đến Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Nề, việc mở lại đường bay quốc tế cũng đặt ra những thách thức lớn đối với Việt Nam nói chung, với ngành hàng không và du lịch. Đặc biệt là khó khăn do thị trường cần có giải pháp khôi phục và kích cầu trở lại; khó khăn do kiểm soát và đảm bảo an toàn cho hành khách và cộng đồng trong tình hình diễn biến dịch bệnh còn phức tạp.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam nhìn nhận, sau COVID-19 là những cơ hội mới, động lực mới để phát triển bởi Việt Nam ngày càng hấp dẫn trong mắt bạn bè quốc tế, tạo niềm tin cho ngành du lịch. Tiềm lực của doanh nghiệp Việt Nam đang mở rộng cũng là cơ hội đến với chúng ta sau đại dịch. Tuy nhiên, cơ hội để phân chia lại thị trường, thị phần lớn lên như thế nào phụ thuộc vào đổi mới sáng tạo và nắm bắt cơ hội của chính chúng ta.

TS. Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không nhận định, "Chúng ta cố gắng mở càng sớm càng tốt, càng rộng các tốt, điều kiện mở càng thoáng càng tốt. Trước đây, cứ 2 tuần, Việt Nam thu được 1 tỷ USD doanh thu từ khách quốc tế. Trong khi 2 năm qua, Việt Nam bị đình trệ vì đóng cửa, Chính phủ nên mở thoáng cho hàng không đón khách quốc tế".

TS. Lương Hoài Nam cho rằng, điều kiện tiên quyết là phục hồi chính sách visa như trước COVID ngay lập tức và công bố luôn. Chính sách visa vô cùng quan trọng, cần phục hồi ngay 13 nước và mở rộng toàn bộ EU, Australia, New Zealand…, nên mở visa miễn phí cho họ. Với Mỹ, Trung Quốc có nhiều tranh luận nếu không miễn visa được thị trường khổng lồ này thì xem xét visa dài hạn: 5 năm, 10 năm cho một số công dân của các nước khác. Visa là vấn đề sau COVID, mấu chốt cần tập trung xử lý.

Cũng theo chuyên gia Lương Hoài Nam, trước COVID-19, Singapore chi ra 5-6 triệu USD cho quảng bá du lịch, thì Việt Nam cũng cần có chính sách quảng bá tốt để tăng sức cạnh tranh của ngành du lịch. Đặc biệt, dịch COVID-19 làm chúng ta quên vấn đề quá tải hạ tầng hàng không sân bay. Thời gian tới, với sự phục hồi của du lịch thì sự quá tải hạ tầng sân bay sẽ lặp lại. Do đó, cần đẩy mạnh tiến độ xây dựng hạ tầng sân bay. Nếu ta quên vấn đề này sẽ là rào cản cho sự phát triển hàng không Việt Nam.

Khi được đặt câu hỏi về những tín hiệu từ nhiều nước cho thấy ngành hàng không quốc tế là nhân tố đi đầu kéo theo sự hồi phục của nền kinh tế thông qua việc thúc đẩy các hoạt động giao thương, đầu tư, du lịch và câu chuyện với Việt Nam đang ra sao?, TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Hội đồng Tư vấn Kinh tế Chính phủ cho rằng, chủ đề này cổ động cho cả nền kinh tế chứ không phải cho ngành hàng không và du lịch. Chính phủ đang muốn thông qua hai lĩnh vực này để đưa ra tuyên bố với thế giới là Việt Nam đã sẵn sàng trên cơ sở các điều kiện đã được chuẩn bị tốt.

"Tại sao phải gửi gắm thông điệp quan trọng như thế vào ngành hàng không và ngành du lịch bởi thế giới chúng ta đang trong bối cảnh toàn cầu hóa, chúng ta không thể sống một mình được, không chỉ xoay quanh quốc gia của mình được. Vì thế, phải mở cửa sớm ngành hàng không và du lịch", TS. Trần Đình Thiên nhìn nhận.

Trước khi nêu về bức tranh toàn cảnh của ngành hàng không Việt Nam kể từ khi thí điểm đón khách du lịch quốc tế trở lại đến nay, ông Bùi Minh Đăng, Phó Trưởng phòng Vận tải Hàng không (Cục Hàng không Việt Nam) đã nhấn mạnh mối quan hệ mật thiết giữa ngành hàng không và du lịch.

 Cụ thể, theo ông Bùi Minh Đăng, ngành hàng không du lịch như một thực thể hữu cơ. Bởi trong lượng khách hàng không vận chuyển thì có tới 70% lượng khách du lịch. Việc hàng không mở đường bay, tăng tần suất sẽ tạo điều kiện lớn cho du lịch phát triển. Du lịch phát triển lại mang nguồn khách rất lớn, hỗ trợ cho ngành hàng không.

"Từ 15/2/2022, Việt Nam mở cửa toàn bộ đường bay quốc tế, không hạn chế tần suất. Tuy nhiên trước đó, từ quý IV/2021, Cục hàng không Việt Nam đã phối hợp với Tổng cục Du lịch Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện thí điểm mở cửa du lịch cho giai đoạn cuối 2021 và đầu 2022. Việc mở cửa từng bước, có lộ trình", ông Bùi Minh Đăng cho hay.

Dưới góc độ hãng hàng không, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways chia sẻ, trong quá trình 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Bamboo Airways bị ảnh hưởng nhưng "trong nguy có cơ",  chúng tôi có điều kiện củng cố hệ thống, nguồn lực tiếp viên, kỹ thuật, phi công để sẵn sàng khi có lệnh mở cửa của Chính phủ.

Quang Toàn (TTXVN)
Đường bay quốc tế của Việt Nam không bị ảnh hưởng trước căng thẳng Nga-Ukraine
Đường bay quốc tế của Việt Nam không bị ảnh hưởng trước căng thẳng Nga-Ukraine

Hàng không Việt Nam đã triển khai phương án tránh từ trước nên các đường bay quốc tế mà các hãng hàng không Việt Nam đang khai thác không bị ảnh hưởng trước diễn biến căng thẳng quan hệ Nga-Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN