Hàng hóa dồi dào, giá ổn định

Chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, sức mua tại các chợ, siêu thị đã bắt đầu tăng dần. Tuy nhiên, điều khiến các bà nội trợ cảm thấy phấn khởi là giá các mặt hàng thiết yếu vẫn ổn định chứ không biến động mạnh như nhiều năm trước.

Người tiêu dùng chọn mua hàng hóa tại siêu thị Big C.


Yên tâm về giá

Khảo sát tại các chợ Nghĩa Tân, Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội), giá các mặt hàng đồ khô vẫn ổn định như 2, 3 tháng trước. Cụ thể, măng khô có giá khoảng 150.000 - 250.000 đồng/kg; mộc nhĩ 150.000 đồng/kg; nấm hương 350.000 đồng/kg; thảo quả 190.000 đồng/kg, miến dong 50.000 - 60.000/kg… Một chủ cửa hàng miến ở chợ Nghĩa Tân cho biết, năm nay, miến Cự Đà được người dân ưa thích nên bán chạy nhất.

Chị Ngô Thị Kim (trú tại Ba Vì, Hà Nội), người có hơn 20 năm bán hàng gạo, măng, nấm hương tại chợ Nghĩa Tân cho biết: “Giá các mặt hàng hiện không tăng. Tuy nhiên, lượng khách vẫn vắng hơn so với năm ngoái. Đồ khô thì tháng trước bán chạy hơn vì người dùng mua để dự trữ, tháng này lại vắng khách”.

Các loại thịt lợn, thịt bò cũng có giá ổn định. Bà Đoàn Thị Loan, tiểu thương tại ki-ốt 11 chợ Nghĩa Tân cho biết: “Lượng khách mua hàng rất ít, năm nay so với năm ngoái thì vắng khách hơn. Đa phần tôi chỉ bán phục vụ bữa ăn hàng ngày, còn khách mua thực phẩm dự trữ ngày Tết thì hầu như chưa có”.

Thậm chí với mặt hàng gà, giá còn giảm nhẹ so với năm ngoái. Chị Phùng Thị Nương, bán gà tại chợ Nghĩa Tân cho biết: “Năm ngoái, gà mái tơ có giá khoảng 120.000 - 130.000 đồng/kg, gà trống 150.000 đồng/kg. Năm nay, gà trống thiến 120.000 đồng/kg, gà mái tơ 100.000 đồng/kg. Tuy nhiên đã sát đến ngày Tết Ông Táo nên giá có thể sẽ tăng lên”.

Theo các tiểu thương, nguồn hàng dồi dào nên giá cả khó tăng. Tại chợ đầu mối Dịch Vọng (Hà Nội), giá bán buôn gà vườn là 64.000 đồng/kg, gà công nghiệp là 47.000 đồng/kg. Đại diện ban quản lý chợ Mơ cho biết, mặt bằng giá tại chợ vẫn ổn định, sức mua bình thường chứ chưa đông. “Các tiểu thương muốn thu hút khách do chợ mới khai trương nên sẽ không có chuyện tăng giá”, vị đại diện này cho hay.

Tại các siêu thị lớn như Big C, Hapro, Intimex… lượng khách mua sắm có đông hơn, tuy nhiên chỉ tập trung vào một vài mặt hàng. Khảo sát tại siêu thị Metro và Fivimart chiều 8/2 (tức 20 tháng Chạp), các mặt hàng được khách tìm mua chủ yếu là bánh kẹo, gồm cả loại bán theo kg hay đóng hộp. Trong khi đó, các mặt hàng đắt tiền như giỏ quà Tết có giá 2,6 - 5,4 triệu đồng vắng khách. “Hàng bình dân bán chạy trong ngày hôm nay. Còn giỏ quà, bia rượu vẫn chưa được mua nhiều”, một nhân viên của siêu thị Metro nói.

Tại siêu thị Big C, khách hàng cũng mua sắm chủ yếu là hàng khô và giỏ quà tặng. Giám đốc quan hệ công chúng siêu thị Big C, ông Hồ Quốc Nguyên cho biết, thời điểm này, lượng khách đến với siêu thị đã tăng gấp đôi so với ngày thường. Tuy nhiên, đối với hàng thực phẩm tươi sống thì tuần cuối cùng giáp Tết mức tiêu thụ mới tăng đột biến.

Nhằm đảm bảo đủ nguồn cung cho cao điểm trước Tết, Big C đã huy động nguồn hàng tăng 15% so với trong năm. Còn tại hệ thống siêu thị Hapro, tổng lượng dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi ước khoảng 1.207 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết Giáp Ngọ (trong đó bao gồm dự trữ cả 10 nhóm hàng thiết yếu).

Sức mua khó tăng mạnh

Báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh tháng 1/2015 của Bộ Công Thương cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 giảm 0,2% so với tháng 12/2014 và chỉ tăng 0,94% so với cùng kì năm 2014. Điều đó cho thấy, sức mua chưa tăng mạnh.

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, khoảng 2 - 3 năm lại đây, vào dịp Tết, lực cầu đều yếu. Có những doanh nghiệp bán với giá bằng hoặc thấp hơn năm ngoái để kích cầu. “Tất nhiên, so với tháng 11, tháng 12 năm 2014 thì thời điểm này sức mua đã tăng lên nhưng theo tôi, năm nay bán được bằng Tết năm ngoái là may”, ông Phú nhận định.

Theo ông Phú, muốn sức mua tăng thì thưởng Tết phải cao. Tuy nhiên, hiện còn rất nhiều đơn vị nợ lương chứ chưa nói đến tiền thưởng Tết. Nhiều nơi mức thưởng quá thấp, có đơn vị đưa ra mức thưởng chưa đủ một bát phở. Có những đơn vị còn đổi hàng, đổi quần áo thay cho tiền thưởng Tết.

Thực tế hiện nay, mức lương công chức chỉ đáp ứng được khoảng 55 - 60% nhu cầu cuộc sống. Bộ phận người nghèo chiếm đa số trong xã hội sẽ không có nhiều tiền để mua sắm. Tất nhiên, khoảng 15% người giàu trong xã hội vẫn mua sắm bình thường, thậm chí sức mua của nhóm người này còn cao hơn năm ngoái nhưng chỉ chiếm số ít. Sức mua của nhóm người nghèo yếu vẫn tác động chính đến sức mua bình quân của toàn xã hội.

Trong phiên họp Chính phủ thường kì mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, nhiều cửa hàng, siêu thị lớn sẽ bán hàng đến hết 30 Tết, chỉ nghỉ một ngày và mùng 2 Tết mở hàng năm mới. Như vậy người dân sẽ không phải lo lắng, mua hàng dự trữ, tích cóp. Điều này tác động trực tiếp đến tâm lý mua sắm của người dân, khiến sức mua toàn xã hội dịp Tết này khó có nhiều đột biến.


Hoàng Dương - Thu Hồng - Ngọc Thi

Giá hàng hóa dịp Tết sẽ ổn định
Giá hàng hóa dịp Tết sẽ ổn định

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã trả lời báo Tin Tức về những giải pháp của Bộ Tài chính nhằm bình ổn giá trong dịp Tết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN