Báo cáo của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) ngày 23/2 nhận định, do nguồn cung hàng hóa dồi dào nên dịp Tết đã không xảy ra tình trạng thiếu hàng, “sốt” giá. Riêng vào ngày cận Tết (từ ngày 27 - 30 Tết), sức mua hàng thực phẩm tươi sống tăng mạnh nên giá nhích thêm từ 10 - 15%. Khó kiểm soát giá cả tại chợ dân sinh. Ảnh: Lê Phú |
Nhiều mặt hàng tăng từ 20 - 30% Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), do có sự chuẩn bị trước về nguồn hàng từ các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu và lượng hàng hóa dự trữ của các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường nên nguồn cung hàng hóa khá dồi dào, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân từ lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng may mặc, hoa cây cảnh đến hàng gia dụng, văn hóa phẩm nên không xảy ra tình trạng thiếu hàng, “sốt” giá”.
Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, tại các đô thị, các mặt hàng Tết, nhất là hàng đặc sản vùng miền, hàng nhập khẩu đã được trao đổi mua bán qua nhiều kênh như: Điện thoại, Internet, giao hàng tận nhà khá tiện lợi cho người dân. Tại các trung tâm thương mại, siêu thị, sức mua vẫn có xu hướng tập trung khá lớn do mặt hàng đa dạng, giá cả ổn định.
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết: Tại các chợ, giá một số mặt hàng đầu vị Tết là: Thịt bò, thịt gà, hải sản, rau củ cao cấp và hoa quả đã tăng khá cao từ 20 - 30%, có mặt hàng lên tới 40%. Bà Lê Thị Nhạn, phố Bạch Mai (Hà Nội) cho biết: “Giá thịt lợn từ ngày 23 - 26 Tết tương đối ổn định nhưng từ 27 - 30 Tết nhu cầu cao nên giá tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với 23 Tết; từ ngày 3 - 5 Tết giá ổn định. Giá thịt gà tăng 25% so với ngày thường. Giá thủy sản thời điểm trước Tết tương đối ổn định, từ mồng 3 - 5 Tết giá tăng khoảng 10% do nguồn cung không nhiều mà nhu cầu ăn uống sau Tết của người dân tăng”.
Đặc biệt, giá thịt bò có nhiều biến động hơn các loại thịt khác, từ 23 - 27 Tết, giá bắt đầu tăng dần, đến thời điểm cận Tết giá tăng khoảng 10 - 15% so với ngày thường. Giá bò thăn được bán với mức từ 270.000 - 300.000 đồng/kg, thịt bò mông giá từ 265.000 - 280.000 đồng/kg (tăng 15% so với trước Tết). Ông Phú cho biết: “Có thời điểm ở chợ cóc, giá thịt bò thăn lên tới 400.000 đồng/kg (bình thường là 270.000 đồng); cam canh trước Tết là 70.000 đồng/kg, cận Tết là 90 - 110.000 đồng/kg, chuối xanh 60.000 - 100.000 đồng/nải (ngày thường là 30.000 đồng) là mức giá quá cao”. Theo Hiệp hội siêu thị Hà Nội, giá cả biến động mạnh chủ yếu diễn ra ở chợ “cóc” và chính thị trường tự do đã quyết định giá cả hàng hóa.
Các mặt hàng hoa quả giá tăng mạnh trong những ngày cận Tết (từ 27 Tết), đặc biệt là các loại hoa quả đặc sản phục vụ ăn Tết (cam canh, bưởi diễn, bưởi da xanh) và hoa quả phục vụ việc thờ cúng (chuối, bưởi, thanh long, cau) với mức giá tăng 35 - 40% so với ngày thường. Sau Tết, giá hoa, quả vẫn ở mức cao do nhu cầu đi lễ chùa đầu năm của người dân.
Đối với mặt hàng rau củ quả, do đang vào chính vụ rau vụ đông nên nguồn cung dồi dào, giá rau củ quả giảm mạnh vào thời điểm trước Tết (từ 23 - 30 Tết); giá bán rau, củ tại các điểm bán hàng Bình ổn của siêu thị giảm giá tối thiểu 20%. Tuy nhiên, đến ngày mồng 2 Tết, giá những mặt hàng này có xu hướng tăng nhẹ do lượng hàng về chợ dân sinh chưa nhiều, các siêu thị thời điểm này cũng chưa mở cửa. Từ mùng 2 - 5 Tết, sau thời gian nghỉ, nhiều siêu thị và các hộ kinh doanh cá thể tại các chợ đã bắt đầu mở hàng khai xuân. Do nguồn cung hàng hóa vẫn dồi dào, sức mua không lớn nên giá cả nhìn chung không tăng so với những ngày cận Tết, ngoại trừ cá, rau xanh tăng nhẹ.
Giá dịch vụ trông xe ”trên trời”
Thời tiết nắng ấm trong dịp Tết khiến các khu du lịch, đền chùa đã thu hút lượng khách tới rất đông. Giá của các dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống tăng khoảng 30 - 40% so với ngày thường. Tuy nhiên, dịch vụ trông xe được thu với giá ‘trên trời” khiến nhiều người dân bức xúc.
Vào đêm Giao thừa bắn pháo hoa, dịch vụ trông xe giữ xe máy được dịp tha hồ “chặt chém”. Từ bãi gửi xe được cấp phép của địa phương đến các bãi gửi xe tự phát do người dân dựng lên đều chật kín. Giá gửi một chiếc xe máy thấp nhất cũng là 30.000 đồng/chiếc. Nhiều khu vực có "địa thế đẹp” giá gửi xe máy lên tới 70 - 100.000 đồng/xe. Với xe ô tô, tìm được chỗ nhận trông xe đã là tốt nên mức giá “chát” bao nhiêu cũng phải chấp nhận.
Chị Vũ Thu Hằng nhà ở Đầm Trấu (Hà Nội) cho biết: “Ngày Tết, giá gửi xe tăng là điều dễ hiểu nhưng việc tăng chóng mặt lại có khách hàng đã đưa tiền nhưng không được đưa vé là việc làm không minh bạch. Tôi đi lễ mùng 1 tại chùa Trấn Quốc, người trông xe thu giá ô tô 40.000 đồng/xe, xe máy là 10.000 đồng/xe, thu vượt quá quy định của Nhà nước mà còn không đưa vé. Khi khách hỏi, người trông xe còn thể hiện thái độ không chấp nhận được”. Mùng 4 Tết, anh Nguyễn Quốc Dũng (Tổng công ty HUD) phải gửi xe máy ở vỉa hè của Bưu điện Hà Nội với giá tới 30.000 đồng/chiếc. Tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, tình trạng thu vé xe ở ngoài cổng cao quá mức quy định cũng diễ ra tương tự.
Minh Phương