Cụ thể, tại huyện Đức Trọng có tới 8 công trình hồ, huyện Lâm Hà 4 hồ, huyện Bảo Lâm 3 hồ, huyện Di Linh và thành phố Bảo Lộc (cùng có 2 hồ).
Các hành vi lấn chiếm phổ biến là xây dựng công trình nhà cửa, quán cà phê; sản xuất nông nghiệp trong hành lang bảo vệ hồ; xâm phạm công trình mặt đập chứa nước, kênh dẫn nước với mức độ vi phạm từ vài chục đến hàng nghìn mét vuông. Điển hình như các vụ việc lấn chiếm ở hồ thủy lợi P’ró (huyện Đơn Dương), hồ Nam Phương 1 (thành phố Bảo Lộc), hồ chứa nước Ka La (Di Linh)… Hầu hết các hành vi vi phạm được cơ quan chức năng địa phương phát hiện nhưng chưa được xử lý dứt điểm, gây ảnh hưởng đến nhiệm vụ chứa nước, dẫn nước tưới tiêu, đặc biệt trong cao điểm mùa khô hạn như hiện nay.
Trước diễn biến ngày càng phức tạp và để xảy ra lấn chiếm trong thời gian dài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đề nghị các địa phương, đơn vị khẩn trương tổ chức xử lý các vi phạm, đồng thời chủ động triển khai cắm mốc hành lang bảo vệ công trình thủy lợi đối với những khu vực chưa thực hiện.
Ngày 8/3, TTXVN cũng thông tin, trong mùa khô năm 2023, tỉnh Lâm Đồng cần hơn 172 tỷ đồng để thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán cho cây trồng; trong đó cần 51,7 tỷ đồng để nạo vét, khơi thông cửa cống, dòng chảy công trình thủy lợi; 120,8 tỷ đồng là nguồn kinh phí cần hỗ trợ từ trung ương cho địa phương thực hiện phòng, chống, khắc phục hậu quả của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.