Trong 35 dự án FDI được cấp phép trong năm 2018 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì có tới hơn 21 dự án là của doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc.
Đầu tháng 2/2018, tại Khu công nghiệp Chuyên sâu Phú Mỹ 3, Công ty cổ phần Zinc Oxide Việt Nam tổ chức lễ khởi công dự án Nhà máy xử lý bụi lò thép Zinc Oxide. Sử dụng công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, Nhà máy xử lý bụi lò thép Zinc Oxide - dự án hợp tác giữa Công ty Korea Zinc (Hàn Quốc) và Công ty ZincOx (Anh), có năng lực tái chế bụi lò thép để sản xuất oxit kẽm có thể thay thế kẽm cô đặc.
Ngoài ra, nhà máy còn sản xuất oxit kẽm có độ tinh khiết cao được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất lốp xe hơi, gốm sứ tại thị trường nội địa và quốc tế. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 120 triệu USD, công suất thiết kế 100.000 tấn bụi lò thép/năm, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 5/2019. Nhà máy xử lý bụi lò thép Zinc Oxide đi vào hoạt động sẽ giúp địa phương giải quyết được bài toán xử lý bụi lò thép phát sinh tồn tại nhiều năm nay mà chưa có giải pháp xử lý.
Cuối tháng 8/2018, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) về triển khai dự án Nhà máy sản xuất polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Dự án Nhà máy sản xuất polypropylene và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng được đầu tư tại Khu công nghiệp Cái Mép, thị xã Phú Mỹ, có diện tích khoảng 60 ha với tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD. Mục tiêu của dự án là sản xuất Polypropylene, Ethylene, Propylene... từ nguyên liệu đầu vào là khí hóa lỏng và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng với sức chứa 240 ngàn tấn.
Dự án sẽ được thi công trong khoảng thời gian 2 năm và dự kiến hoàn thành, đưa vào hoạt động vào cuối năm 2020. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ tạo ra việc làm cho khoảng 2.000 lao động trong quá trình xây dựng. Sau khi hoàn thành đưa vào khai thác, dự án sẽ tạo ra sức lan tỏa lớn cho sự phát triển ngành công nghiệp hóa dầu, các ngành công nghiệp hạ nguồn như ô tô, y tế, các loại sản phẩm nhựa và các ngành dịch vụ khác của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đóng góp ngân sách hàng năm khoảng 80 triệu USD; thu hút, đào tạo, sử dụng hơn 600 lao động có kỹ thuật cao.
Ngoài ra, hơn 50% sản phẩm của dự án sẽ được xuất khẩu và hoạt động xuất nhập khẩu của kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á góp phần tạo chân hàng, nâng cao năng lực hoạt động cho cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.
Ông Choi Young Gyo, Chủ tịch Tập đoàn Hyosung Chemical cho biết, Tập đoàn đã đầu tư tại Việt Nam được 10 năm, riêng dự án hạt nhựa PP Tập đoàn đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Đến nay dự án đã được triển khai là nhờ sự hỗ trợ giúp đỡ của chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tập đoàn cam kết sẽ cho ra sản phẩm trong thời gian sớm nhất.
Việc thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư đủ tiêu chuẩn như Hàn Quốc là một trong những mục tiêu của Nghị quyết số 06/NQ-TU của Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu về nâng cao hiệu quả, chất lượng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Theo đó, tỉnh kiên trì mục tiêu đầu tư có chọn lọc, với các dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, có sức lan tỏa.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, toàn tỉnh hiện có 58 dự án đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư khoảng gần 5 tỷ USD. Trong số các dự án của Hàn Quốc có tới 70% vốn đăng ký vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây cũng là lĩnh vực được ưu tiên nhất trong chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài tỉnh.
Các dự án có quy mô đầu tư lớn có thể kể đến như: Nhà máy sản xuất thép Posco với tổng vốn đầu tư 1,12 tỷ USD; dự án Posco SS-Vina với mục tiêu sản xuất thép, gia công thép có tổng vốn đầu tư 704 triệu USD; cảng Posco SS-Vina với tổng vốn đầu tư khoảng 37 triệu USD; Trung tâm Thương mại Lotte Việt Nam vốn đầu tư 34 triệu USD; Tập đoàn Lock and Lock. Ngoài ra, các dự án về may mặc, túi xách, linh kiện ô tô... đóng tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã góp phần không nhỏ trong việc tạo công ăn việc làm cho lao động và phát triển kinh tế xã hội cho các địa phương.
Theo ông Kim Heung Soo, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc, Bà Rịa - Vũng Tàu được đánh giá là hội tụ đầy đủ các yếu tố để thu hút đầu tư về công nghiệp nhẹ, công nghiệp nặng và có nguồn lao động dồi dào, cơ sở hạ tầng tốt. Đây là một yếu tố khá hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh – Bí thư tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, nhà đầu tư Hàn Quốc được tỉnh đánh giá cao về công nghệ, quản trị và về bảo vệ môi trường. Hiện, nhà đầu tư Hàn Quốc đang đứng số 1 về thu hút đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Do đó, trong tương lai tỉnh sẽ tiếp tục thu hút có chọn lọc những ngành nghề từ Hàn Quốc, đặc biệt là về công nghiệp phụ trợ, về công nghiệp có hàm lượng chất xám cao, ít thâm dụng lao động và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn Bà Rịa - Vũng Tàu để đầu tư là tín hiệu tốt trong thu hút đầu tư của tỉnh. Điều này chứng tỏ môi trường đầu tư tại tỉnh năng động và thuận lợi. Hàn Quốc được xác định là một trong những nhà đầu tư chiến lược của Bà Rịa - Vũng Tàu. Chính vì thế, thời gian gần đây trong các đợt xúc tiến, hội nghị, hội thảo Bà Rịa - Vũng Tàu đã giới thiệu những thế mạnh và định hướng thu hút đầu tư của tỉnh đến cộng đồng các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Qua các hội thảo, tỉnh đã đề nghị nhận được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc trong việc kết nối và xúc tiến đầu tư trong thời gian tới, đặc biệt là 5 trụ cột kinh tế: công nghiệp, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, lãnh đạo hai bên đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu các dự án dọc tuyến ven biển Vũng Tàu - Long Hải - Xuyên Mộc trên địa bàn tỉnh. Do đó, để giữ chân các nhà đầu tư Hàn Quốc, thời gian tới, các sở, ngành cần tạo điều kiện tối đa, giải quyết kịp thời mọi khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư khi thực hiện các dự án.
Để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Hàn Quốc nói riêng, theo chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, các sở, ngành cần giảm bớt những thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, rút ngắn thủ tục hải quan, thủ tục thuế quan và tích cực chống gian lận thương mại.