Hà Nội là địa bàn trọng điểm và phức tạp về tình trạng khai thác, tập kết, trung chuyển cát, sỏi…, cũng là nơi có nhu cầu sử dụng cát, sỏi cao nhất cả nước.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng, thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các biện pháp theo đúng quy định để sớm đưa các mỏ đã đủ điều kiện vào hoạt động, đảm bảo nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, việc cấp phép phải được thực hiện nghiêm, đúng các quy định mới nhất về quản lý hoạt động khai thác cát. Các nhà đầu tư phải khai thác đúng phạm vi, giấy phép được cấp, xác định rõ ranh giới…, ngăn chặn các phương tiện khai thác trộm, gây khó khăn cho việc kiểm tra, xử lý, thất thoát ngân sách.
Thành phố cũng đề nghị Công an thành phố Hà Nội chủ trì phối hợp với các đơn vị, sở, ngành có liên quan mở đợt cao điểm tổng kiểm tra, xử lý các điểm khai thác cát trên địa bàn, các điểm tập kết vật liệu xây dựng; lập 2 tổ kiểm tra, giám sát việc chấp hành của các đơn vị khai thác cát.
Cũng theo lãnh đạo thành phố Hà Nội, hiện UBND thành phố đã phê duyệt 5 điểm mỏ cát (6 mỏ cát) có kết quả thăm dò, đánh giá trữ lượng và chất lượng khoáng sản. Theo kế hoạch, trong quý III/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản giai đoạn 1 năm 2019 đối với 6 mỏ cát trên.
Lãnh đạo thành phố nhấn mạnh, việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản lần này sẽ làm căn cứ pháp lý cho việc lập thủ tục cấp giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản và thủ tục về đất đai theo quy định của pháp luật, trên nguyên tắc đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng, bình đẳng giữa các nhà đầu tư; quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn; phát huy tiềm năng, thu hút đầu tư khai thác có hiệu quả nguồn khoáng sản. Đồng thời, việc đấu giá này cũng nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, góp phần hạn chế tối đa hoạt động khai thác cát lòng sông trái phép, gây lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường, cũng như gây mất an ninh trật tự xã hội trên địa bàn.
5 điểm mỏ cát được đưa ra đấu giá có tổng diện tích đất 3 triệu m2, trữ lượng cấp 12,3 triệu m3 với tổng số tiền dự kiến thu được từ đấu giá gần 51,6 tỷ đồng. Trong đó, riêng trên địa bàn huyện Ba Vì có 4 điểm mỏ cát với 5 mỏ cát. Đó là Cổ Đô 1 và Cổ Đô 2 (thuộc xã Cổ Đô và Phú Cường) có diện tích gần 1,6 triệu m2, coste khai thác hay còn gọi độ sâu đáy mỏ khi kết thúc khai thác là + 4m, trữ lượng cấp gần 7,8 triệu m3, dự kiến thu gần 24,5 tỷ đồng.
Mỏ Thanh Chiểu (xã Phú Cường), diện tích 334.800 m2, coste khai thác +1m, trữ lượng cấp gần 2,5 triệu m3, dự kiến thu 7,846 tỷ đồng. Mỏ Châu Sơn (xã Châu Sơn) 169.300 m2, coste khai thác +1m, trữ lượng cấp 703.536 m3, dự kiến thu 2,2 tỷ đồng. Mỏ Tây Đằng - Minh Châu (thị trấn Tây Đằng và xã Minh Châu) có diện tích 815.306 m2, coste khai thác +4m, trữ lượng cấp gần 4,9 triệu m3, dự kiến thu 15,4 tỷ đồng. Mỏ Thượng Cát (xã Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm), diện tích 157.300 m2, coste khai thác +1m, trữ lượng cấp 508.603 m3, dự kiến thu 1,6 tỷ đồng.
Theo quy định, thời gian khai thác trong năm của các mỏ cát này chỉ được khai thác vào mùa cạn từ ngày 16/10 đến 14/6 năm sau (không khai thác vào mùa lũ từ ngày 15/6 đến 15/10 hàng năm). Thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho đơn vị trúng đấu giá theo quy định của pháp luật.
Hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội chỉ có 10 mỏ cát còn hiệu lực giấy phép. Trong đó, 4 mỏ đủ điều kiện đang khai thác theo giấy phép, một đơn vị Sở Tài nguyên và Môi trường đình chỉ hoạt động do vi phạm pháp luật về khoáng sản, năm đơn vị chưa hoạt động do chưa hoàn thiện thủ tục theo quy định và chưa có đường vận chuyển bằng đường bộ.