Hà Nội ngày đầu giãn cách toàn xã hội: Hàng hoá chợ dân sinh dồi dào, cơ bản không tăng giá

Sáng 24/7, ghi nhận tại một số chợ dân sinh trên địa bàn TP Hà Nội trong ngày đầu giãn cách toàn xã hội, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua tích trữ, hàng hóa dồi dào.

Chú thích ảnh
Tại chợ Yên Duyên, phường Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội), ngay cổng chợ có biển thông báo và cán bộ đứng hướng dẫn sát khuẩn tay cho người vào chợ.

Khoảng 6 giờ 30 phút sáng 24/7, phóng viên báo Tin tức có mặt tại chợ Yên Duyên, phường Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội). Hôm nay là ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó các chợ dân sinh vẫn được mở cửa hoạt động với điều kiện bảo đảm tuân thủ các quy định phòng dịch COVID-19.

Theo quan sát của phóng viên báo Tin tức, chợ Yên Duyên khá đông khách đi chợ. Các tiểu thương cho biết,  một số gia đình cần mua sắm thực phẩm cho một vài ngày giãn cách, cộng với hôm nay là  ngày cuối tuần và ngày rằm, nên lượng người mua hàng khá đông. Tuy nhiên, lượng người mua như thế này  không có gì đột biến so với thời điểm trước giãn cách. Hàng hóa tại chợ dồi dào, phong phú, không có hiện tượng người dân mua về tích trữ.

Chú thích ảnh
Hàng hóa dồi dào, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua tích trữ.
Chú thích ảnh
Thịt lợn cơ bản vẫn giữ giá như mọi ngày.

Anh Nguyễn Tiến, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ này cho biết: Giá thịt lợn vẫn giữ nguyên, không tăng so với thời điểm trước. Cụ thể, thịt ba chỉ có giá 140.000 đồng/kg, sườn 140.000 đồng/kg, thịt thăn 145.000 đồng/kg…

“Bình thường đến ngày rằm và cuối tuần thì đắt khách, hàng hết sớm. Hôm nay cũng vậy, đến 7 giờ tôi đã bán hết thịt ba chỉ và  tiêu thụ được 2/3 số lượng hàng”, anh Tiến cho hay.

Chú thích ảnh
Trái cây và hoa tươi đắt hàng vì là ngày rằm.
Chú thích ảnh
Chuối xanh có giá 40.000 đồng/nải.

Một số mặt hàng khác như thịt gia cầm, thủy cầm giá không biến động nhiều. Thịt gà ta có giá 90.000 đồng/kg gà nguyên con, gà thịt sẵn 120.000 đồng/kg, vịt 60.000 đồng/kg.

Đến khoảng 7 giờ thì các hàng thịt bò cơ bản đã “cháy” hàng. Theo các tiểu thương tại chợ, giá thịt bò có nhích nhẹ, thăn bò có giá 260.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với tuần trước, diềm bò 180.000 đồng/kg.

Tôm tươi cũng khá đắt hàng và giá có tăng so với thời điểm trước. Theo chị Thu Huyền, tiểu thương tại chợ cho biết, tôm cỡ vừa bán ra là 260.000 đồng/kg, giá nhập vào là 240.000 đồng/kg, bằng với giá bán của ngày 23/7. Các loại tôm nhỏ hơn 160.000 đồng/kg. 

Các loại rau cơ bản giữ giá, rau muống 10.000 đồng/mớ, mồng tơi, rau dền 7.000 đồng/mớ…

Chú thích ảnh
Rau củ không tăng giá đột biến, rau muống có giá 10.000 đồng/mớ, rau dền 7.000 đồng/mớ.
Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng đi kiểm tra công tác phòng dịch và tuyên truyền người dân về các biện pháp phòng dịch tại chợ.

Tương tự, tại chợ Châu Long, Ba Đình (Hà Nội), không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ. Các mặt hàng giá tương đối ổn định, thịt lợn, rau củ quả giữ giá. Riêng mặt hàng thịt bò và tôm có tăng giá nhẹ, khoảng 5.000 đồng - 20.000 đồng/kg. 

Chú thích ảnh
Các quán bán đồ ăn tại chợ như bún riêu, bún bò... đều chuyển sang bán mang về.

Tại chợ Mai Động (Hoàng Mai, Hà Nội), chủ yếu chỉ còn các hàng thịt, rau củ quả hoạt động, còn những hàng hóa không thiết yếu khác đã đóng quầy. Ghi nhận tại chợ này vào thời điểm 8 giờ sáng khá vắng vẻ, hàng hóa dồi dào, giá cả cơ bản không thay đổi so với thời điểm trước.

Chú thích ảnh
Chợ Mai Động khá vắng vẻ, hàng hóa dồi dào.

Còn tại chợ Phú Đô (Nam Từ Liêm, Hà Nội), các mặt hàng đa dạng, khá đông người mua không đông. Giá thịt lợn ba chỉ, sườn tại chợ là 140.000 đồng/kg. Các mặt hàng rau không tăng giá. Theo các tiểu thương tại chợ, lượng người mua hàng sáng 24/7 không tăng so với những ngày rằm, cuối tuần trước. Giá cả tương đối ổn định và không có hiện tượng người dân mua nhiều về tích trữ.

Chị Quỳnh Như (Long Biên) cho biết, sáng sớm chị cũng đi chợ nhưng chủ yếu mua hoa quả thắp hương vì nhà vẫn có đồ ăn.

Tại chợ Diêm Gỗ (Đức Giang, Long Biên), lượng người mua hàng không quá đông và theo phản ánh của các tiểu thương thì giá cơ bản không thay đổi so với mọi ngày.

Điều dễ nhận thấy trong ngày đầu Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội lần này, là hầu như không có cảnh đổ xô mua hàng, đẩy giá lên cao. Trước đó, ngay trong tối 23/7,  Sở Công Thương TP Hà Nội đã có chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chuẩn bị lượng hàng hoá phục vụ nhu cầu của người dân trong những ngày giãn cách xã hội, bảo đảm không để xảy ra tình trạng khan hiếm các hàng hoá thiết yếu. Thêm vào đó, người dân Thủ đô đã có kinh nghiệm qua những lần giãn cách xã hội trước đó nên thực sự yên tâm tuân thủ quy định cách ly, không tụ tập đông người, không đổ xô ra chợ, siêu thị để tích trữ hàng hoá.

Chú thích ảnh
Bài, ảnh: Thu Trang/Báo Tin tức
Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ nào của Hà Nội được phép hoạt động trong 15 ngày giãn cách toàn xã hội?
Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ nào của Hà Nội được phép hoạt động trong 15 ngày giãn cách toàn xã hội?

Tối 23/7/2021, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ra Chỉ thị 17CT-UBND về việc Thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn Thành phố để phòng chống dịch COVID-19. Theo nội dung chỉ thị, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ sau sẽ được phép hoạt động trong 15 ngày giãn cách toàn xã hội, kể từ 6 giờ ngày 24/7/2021:

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN