Ngoài ra, các ngành chức năng có thể kiểm soát được quy trình rau an toàn từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm...
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, toàn thành phố đã chuyển đổi được hơn 40.227 ha đất lúa sang các mô hình sản xuất nông nghiệp mới; trong đó, có 101 vùng sản xuất rau an toàn tập trung, thực hiện 37 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng với diện tích 2.080 ha. Điển hình như vùng rau an toàn ở các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh, Thường Tín, Thanh Trì, Thạch Thất...
Bà Nguyễn Thị Hằng, ở xã Văn Đức huyện Gia Lâm cho biết, gia đình bà có 2 sào trồng rau cải bắp, xà lách, súp lơ. Những năm qua, được Hợp tác Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức hướng dẫn quy trình sản xuất theo hướng an toàn và bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch nên rất yên tâm.
Với hơn 250 ha diện tích đất nông nghiệp, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức đã bắt tay cùng người nông dân phát triển vùng canh tác, liên kết với doanh nghiệp phân phối, bán lẻ tạo ra thị trường tiêu thụ ổn định cho rau an toàn. Cụ thể, hàng năm hợp tác xã đã ký hợp đồng tiêu thụ rau an toàn cho hệ thống siêu thị Aeon, MM Mega, BigC, các công ty kinh doanh thực phẩm đưa vào bếp ăn…
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức cho biết, tận dụng lợi thế đất bãi ven sông Hồng để phát triển mô hình canh tác rau an toàn, hợp tác xã đặc biệt chú trọng đến chất lượng. Do đó, hợp tác xã phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, UBND huyện Gia Lâm tổ chức nhiều lớp tập huấn quy trình sản xuất rau an toàn cho thành viên. Bên cạnh đó, hợp tác xã cũng vận động, tuyên truyền, giám sát, chỉ đạo, hướng dẫn, người nông dân trên địa bàn xã tham gia chuỗi liên kết, qua đó thấy được quyền lợi và trách nhiệm để thực hiện tốt quy trình sản xuất rau an toàn cung ứng cho thị trường…
Tuy nhiên, để hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết, ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức đề nghị thành phố Hà Nội chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường quản lý chặt chẽ với sản phẩm rau bán trên thị trường, tạo sự cạnh tranh lành mạnh. Đồng thời, có chính sách giao đất, cho thuê theo giá quy định của Nhà nước không phải đấu thầu để hợp tác xã đầu tư xây trụ sở, khu sơ chế, nhà lạnh bảo quản, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất…
Ông Phạm Văn Phúc, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Minh ở huyện Thường Tín cũng bày tỏ mong muốn nhà nước có chính sách hỗ trợ về đất đai, tiếp cận nguồn vốn vay… để hợp tác xã phát triển.
Hiện tại, hợp tác xã có 220ha trồng rau; trong đó, có hơn 90ha được công nhận là vùng sản xuất rau an toàn. Để thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hợp tác xã thường xuyên tập huấn và nâng cao ý thức về trồng rau an toàn cho người dân. Bên cạnh đó, hợp tác xã đã thành lập 33 tổ giám sát, mỗi tổ có từ 30 đến 35 người, chịu trách nhiệm giám sát quá trình sản xuất của bà con. Đồng thời, hợp tác xã đã liên kết với một số công ty để bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân nên đầu ra luôn ổn định- ông Phạm Văn Phúc thông tin.
Theo ông Từ Đức Mạnh, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín, hiện nay trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh rau, lúa, thủy sản, cây ăn quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, giúp nhiều hộ thoát nghèo. Điển hình là vùng lúa hàng hóa tập trung tại xã Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên; vùng sản xuất rau an toàn tại xã Hà Hồi, Tân Minh, Thư Phú; vùng cây ăn quả tại xã Chương Dương, Tự Nhiên; vùng nuôi trồng thủy sản tại xã Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến…
Việc hình thành các vùng rau an toàn tập trung theo quy mô lớn sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã đưa tiến bộ khoa học, công nghệ cao vào sản xuất theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, việc hình thành vùng rau an toàn tập trung cũng giúp cho nhà quản lý kiểm soát được quy trình rau an toàn từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, giúp người nông dân nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững.
Để phát huy hiệu quả của các vùng rau an toàn, ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, Sở tiếp tục phối hợp với địa phương tăng cường hỗ trợ đào tạo nông dân, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thay thế bằng thuốc sinh học để kiểm soát vật tư nông nghiệp trong sản xuất rau an toàn. Các địa phương chủ động hình thành liên kết ổn định giữa doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ rau với hợp tác xã, nông dân vùng sản xuất rau an toàn tập trung; phát triển mạng lưới tiêu thụ qua siêu thị, đại lý, cửa hàng bán lẻ gắn chứng nhận rau an toàn, sử dụng thương hiệu nhà sản xuất.
Bên cạnh đó, các địa phương cần bố trí quỹ đất sạch, tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rau an toàn. Chính quyền địa phương tập trung hỗ trợ cấp giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm rau an toàn ở những địa phương có đủ điều kiện; tập huấn, hướng dẫn nông dân kỹ thuật bảo quản sản phẩm sau thu hoạch theo quy chuẩn kỹ thuật, cung cấp cho thị trường sản phẩm rau bảo đảm chất lượng, có tem nhãn nhận diện sản phẩm để có thể truy xuất nguồn gốc rau trên thị trường.