Lãi suất cho vay giảm chủ yếu kỳ hạn ngắn
Theo báo cáo phân tích của các công ty tài chính, thanh khoản của các ngân hàng hiện khá dồi dào, do đó lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm, hiện đang ở mức 2,88%/năm với kỳ hạn qua đêm và 3%/năm với kỳ hạn 1 tuần, thu hẹp chênh lệch lãi suất VND-USD về mức 0,5%/năm.
Song song với lãi suất liên ngân hàng giảm, lãi suất cho vay cũng giảm theo, tập trung chủ yếu ở đối tượng doanh nghiệp và lĩnh vực sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Cụ thể, từ ngày 1/8, VietinBank giảm 0,5%/năm sàn lãi suất cho vay VND ngắn hạn đối với các khách hàng có thanh khoản tốt, phục vụ lĩnh vực nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, theo chuỗi liên kết; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trong khi đó, Vietcombank áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn VND, thấp nhất ở mức 5,5%/năm, giảm 1,0%/năm so với mức quy định của NHNN, áp dụng cho tất cả các khoản cho vay hiện hữu và các khoản cho vay mới thuộc các lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp. Chính sách ưu đãi lãi suất nêu trên được áp dụng đến hết ngày 31/12/2019.
Còn VPBank giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Theo đó, đối với các khoản vay ngắn hạn phục vụ nhu cầu bổ sung vốn lưu động, khách hàng là các doanh nghiệp SME sẽ được giảm ngay 1% lãi suất với các khoản vay tín chấp và 0,5% đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm. Theo VPBank, việc giảm lãi suất lần này chủ yếu hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
BIDV giảm trần lãi suất cho vay xuống còn 5,5%/năm đối với ba nhóm đối tượng khách hàng ưu tiên. Bên cạnh đó, BIDV triển khai hai gói tín dụng quy mô lên tới 70.000 tỷ đồng với lãi suất giảm 0,5%/năm so với hiện nay. Trong đó, gói tín dụng dành cho SME với quy mô 60.000 tỷ đồng; gói tín dụng ngắn hạn dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp với quy mô 10.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngân hàng Techcombank, Agribank… cũng giảm lãi suất cho vay nhằm kích cầu các doanh nghiệp vay vốn từ nay đến cuối năm. Theo các chuyên gia, việc giảm lãi vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế là cần thiết, nhất là lĩnh vực xuất khẩu vốn có dấu hiệu giảm tốc trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng lãi suất cho vay giảm không chỉ dừng ở mức ngắn hạn mà cả trung và dài hạn, đồng thời lan tỏa đến nhiều ngân hàng khác.
Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, động thái giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng thật sự là một tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp, giảm áp lực chi phí hiện nay. Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp có tiếp cận được vốn vay hay không vẫn là vấn đề quan trọng. Thực tế, dù lãi suất cao hay thấp, nhưng với các SME đang gặp khó khăn về tài sản thế chấp vẫn không thể tiếp cận được vốn vay. Ngoài ra, rất nhiều doanh nghiệp cần vốn vay trung và dài hạn với chi phí thấp hơn để kích thích đầu tư vào nhà xưởng, công nghệ, thị trường… Do đó, việc giảm lãi suất trên vẫn chưa kích thích nhiều cho doanh nghiệp.
Khó giảm lãi suất trung và dài hạn
Theo nhận định của các ngân hàng, năm 2019, lạm phát được dự báo rất thấp, chỉ khoảng 2,8% nên lãi suất gần như không phụ thuộc vào lạm phát. Tuy nhiên, lãi suất hiện nay đang tăng giảm theo từng lĩnh vực. Chẳng hạn, lãi suất cho vay kinh doanh bất động sản và tiêu dùng sẽ tăng vì những lĩnh vực này có độ rủi ro cao, sử dụng vốn dài hạn… Ngược lại, lãi suất cho vay lĩnh vực xuất khẩu, sản xuất hàng hóa thiết yếu có thể được giữ nguyên hoặc giảm nhẹ.
Ngoài ra, lãi suất huy động cũng có sự điều chỉnh nhẹ, tác động không nhỏ đến lãi suất cho vay. Cụ thể, tuần qua, lãi suất huy động thị trường 1 có điều chỉnh giảm nhẹ ở các kỳ hạn ngắn dưới 3 tháng do ảnh hưởng của diễn biến lãi suất trên thị trường 2, tuy nhiên hầu hết vẫn giữ nguyên ở các kỳ hạn còn lại, thậm chí có ngân hàng điều chỉnh tăng 0,1-0,2%/năm với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, tập trung chủ yếu ở các ngân hàng nhỏ.
Lãi suất huy động cao nhất hiện nay là ngân hàng NCB, ở mức trung và dài hạn 6 - 9 tháng lần lượt là 7,4%/năm – 7,5%/năm, 12 và 24 tháng đều ở mức 8%/năm, 18 tháng ở mức 7,9%/năm.
Với mức lãi suất huy động này, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, lãi suất cho vay sẽ khó giảm ở trung và dài hạn. Bởi hiện nay, việc Fed giảm lãi suất giúp giảm bớt áp lực lên tỉ giá và lãi suất VND, nhưng lãi suất VND còn phụ thuộc vào cung cầu vốn của thị trường, nhất là việc các ngân hàng vẫn đang cần vốn trung và dài hạn. Chính vì vậy, chỉ những ngân hàng nào dư thừa nguồn vốn ngắn hạn mới có cơ hội giảm lãi vay ở kỳ hạn ngắn.
Theo phân tích của ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân Công ty chứng khoán SSI, tính chung 16 ngân hàng thương mại, tỉ trọng thu nhập từ lãi/tổng thu nhập 6 tháng đầu năm 2019 là 75%, cao hơn so với mức 72% của cùng kỳ 2018. Trong đó, tăng trưởng cho vay khách hàng 6 tháng đầu năm 2019 là 10%, trong khi tăng trưởng huy động tiền gửi chỉ là 8,3%. Với con số trên cho thấy, nhu cầu huy động trên thị trường 1 trong 6 tháng cuối năm của các ngân hàng vẫn khá lớn, lãi suất huy động vì thế khó có thể giảm với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên và tiếp tục phân hóa mạnh giữa các ngân hàng.
Chuyên gia kinh tế, Luật sư-Tiến sĩ Bùi Quang Tín cho rằng việc các ngân hàng giảm lãi suất vay các lĩnh vực ưu tiên trong bối cảnh lãi suất huy động liên tục nhích lên sẽ tạo áp lực, ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng. Để duy trì mức lợi nhuận kỳ vọng, các ngân hàng cần đa dạng sản phẩm, tiếp tục quản lý tài chính tốt hơn và tiết giảm chi phí.