Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, việc các địa phương đề xuất các dự án cụ thể để Bộ cùng tham gia góp ý là trách nhiệm chung của Bộ. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng có đề xuất cụ thể như thành phố Cần Thơ.
Thứ trưởng đồng ý với báo cáo đề xuất của thành phố Cần Thơ về dự án chống ngập, chống sạt lở, thích ứng biến đổi khí hậu kết hợp chỉnh trang đô thị của thành phố Cần Thơ. Bởi tình hình ngập ở thành phố Cần Thơ hiện nay có 5 nguyên nhân chủ yếu; trong đó, chủ yếu nhất do triều cường và mưa.
Tại thành phố Cần Thơ 21 năm qua, có tới 14 năm thủy triều cao trên 2 m; trong đó, liên tục 9 năm gần đây là 2 m trở lên, riêng năm 2022 là 2,27 m. Đồng thời, xu hướng ngập do thủy triều ngày càng tăng lên do tình hình mưa và sụt lún tăng lên. Ngoài ra, địa hình thành phố Cần Thơ đa số đều nằm ở cao độ dưới 1 m, chiếm trên 60% diện tích, do đó nguy cơ ngập do thủy triều rất cao nếu chúng ta không có giải pháp công trình.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng cho biết: Thành phố Cần Thơ có đầy đủ pháp lý để triển khai các dự án chống ngập, chống sạt lở, các dự án phát triển kinh tế xã hội. Đối với dự án chống ngập, chống sạt lở, thích ứng biến đổi khí hậu kết hợp chỉnh trang đô thị với diện tích 2.700 ha trên địa bàn thành phố Cần Thơ theo đề xuất của thành phố là hoàn toàn đúng, hợp lý, phù hợp với quy hoạch. Nếu dự án được triển khai sẽ giúp bảo vệ an toàn tuyệt đối, chống ngập lụt do mưa, triều cường, sụt lún, đồng thời còn giúp chỉnh trang đô thị cho thành phố, phòng chống sạt lở, góp phần phát triển kinh tế xã hội thành phố.
Tuy nhiên, các giải pháp đưa ra mới chỉ là ý kiến ban đầu, do đó cần phải tiếp tục nghiên cứu chi tiết hóa đồ án để dự án mang tính bền vững cao hơn, thiết thực hơn. Đề nghị thành phố nghiên cứu dự án trên cơ sở lớn hơn, rộng hơn về quy mô để các khu vực còn lại sau này không phải tiếp tục đầu tư để tránh lãng phí.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng đề nghị thành phố Cần Thơ tiếp tục nghiên cứu đề xuất mở rộng các dự án chống ngập, chống sạt lở ở khu vực Trung tâm nhiệt điện Ô Môn và trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các khu công nghiệp trên địa bàn trên cơ sở đầu tư theo các quy hoạch đã được duyệt như các cống ngăn triều trên sông Bình Thủy, sông Trà Nóc…
Riêng đối với sông Ô Môn sẽ tiếp tục nghiên cứu đầu tư trong giai đoạn sau bằng vốn đầu tư công. Ngoài ra, thành phố Cần Thơ cũng cần nghiên cứu đầu tư các hồ chứa nước nhằm vừa tích nước, xử lý các vấn đề về mưa, vừa tạo cảnh quan cho thành phố…
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho biết: Thành phố tiếp thu các ý kiến của lãnh đạo Bộ, đồng thời đề xuất 1 phương án triển khai thực hiện dự án nhưng phân kỳ đầu tư.
Việc nghiên cứu dự án mới chỉ là bước đầu nên Bộ tiếp tục ủng hộ cho thành phố. Nếu dự án tiếp tục mở rộng, ngoài việc chống ngập cần đảm bảo thêm các mục tiêu như chống sạt lở, thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp với chỉnh trang đô thị nhằm thay đổi phương thức sinh sống của người dân, giải quyết công ăn việc làm căn cơ cho người dân đô thị.
Ngoài dự án thành phố Cần Thơ đề xuất, thành phố cũng thống nhất mở rộng phạm vi dự án; trong đó, bổ sung thêm cống Trà Nóc và phạm vi phục vụ của dự án sẽ lớn hơn để hiệu quả kinh tế qua đầu tư sẽ lớn hơn.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ cũng mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục cùng với thành phố Cần Thơ tham gia thực hiện dự án khi dự án được thông qua nhằm giúp cho thành phố Cần Thơ về các lĩnh vực ứng dụng công nghệ mới trong quản lý khai thác vận hành.
Thành phố cũng sẽ tiếp tục rà soát, xem xét trong quy hoạch để tiếp tục đề xuất thêm các dự án khác không chỉ phục vụ cho thành phố Cần Thơ mà còn phục vụ cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Sau khi nghe lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ trình bày về dự án chống ngập, chống sạt lở, thích ứng biến đổi khí hậu kết hợp chỉnh trang đô thị của thành phố, đại diện các cơ quan trực thuộc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những báo cáo rõ hơn về tình hình diễn biến thời tiết, thiên tai, tác động của biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Cần Thơ cũng như cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hầu hết các ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý đều đồng tình ủng hộ dự án do thành phố Cần Thơ đề xuất vì nó vừa phù hợp với quy hoạch, giải quyết được tình trạng chống ngập lụt, sạt lở của thành phố hiện nay, nhưng đề nghị thành phố nghiên cứu, mở rộng quy mô đầu tư dự án.
Theo báo cáo đề xuất của thành phố Cần Thơ, dự án chống ngập, chống sạt lở, thích ứng biến đổi khí hậu kết hợp chỉnh trang đô thị của thành phố Cần Thơ nằm trên địa bàn các quận như Ninh Kiều và Bình Thủy, thành phố Cần Thơ với tổng mức đầu tư khoảng 4.515,39 tỷ đồng, được thực hiện bằng nguồn vốn Trung ương và dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2024 - 2030.
Mục tiêu của dự án là chống ngập, chống sạt lở, vùng nội ô thành phố, nhằm phát triển đô thị bền vững, tăng cường thích ứng của đô thị, giảm sự tổn thương do ngập lụt, sạt lở tại trung tâm thành phố, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp với chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh, sạch đẹp, phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.