Nhiều bất cập nảy sinh
Theo Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNRea), hoạt động đầu tư kinh doanh các dự án nhà ở thương mại có nhiều yếu tố đặc thù, để phát triển ổn định thị trường, hài hòa lợi ích Nhà nước - Chủ đầu tư - Khách hàng cần có cơ chế, chính sách pháp luật phù hợp với thực tiễn phát triển từng giai đoạn.
Hiện nay, các dự án nhà ở thương mại được thực hiện qua nhiều giai đoạn từ chuẩn bị đầu tư, bồi thường, quỹ đất, giải phóng mặt bằng, thẩm định dự án, xin cấp phép xây dựng, thi công xây dựng, thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, nộp tiền sử dụng đất và bán sản phẩm. Quy trình này thường mất khoảng 5 năm, thậm chí 10 năm, nhưng chủ đầu tư không được quyền tự do chuyển nhượng dự án theo nhu cầu kinh doanh. Vì Luật Đất đai và Luật Kinh doanh BĐS quy định chủ đầu tư chỉ được chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án sau khi đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Điều này, đã làm hạn chế quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp và không tạo được nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, do quy định trong Luật Kinh doanh BĐS chỉ được tính các khoản chi phí hợp pháp, hợp lệ, hợp lý được Luật Thuế công nhận, nên giá thành (danh nghĩa) sản phẩm nhà ở thấp hơn nhiều so với chi phí thực tế mà chủ đầu tư bỏ ra, trong đó, có cả các "chi phí không tên" và do không được công nhận là chi phí, nên bị coi là "lợi nhuận" phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trên các chi phí không được tính này. Cuối cùng, tất cả chi phí của chủ đầu tư đều tính vào giá bán, mà người mua nhà phải chịu.
Mặt khác, hoạt động môi giới BĐS đối với các dự án BĐS là cần thiết, kết nối cung cầu, góp phần làm thị trường BĐS minh bạch và chuyên nghiệp. Nhưng hiện nay, phần lớn các nhà môi giới, sàn giao dịch ở nước ta chưa chuyên nghiệp, chưa được đào tạo đầy đủ và thiếu cơ chế quản lý, nên đã xảy ra nhiều bất cập, nhất là tình trạng “cò đất, cò nhà” gây thiệt hại cho người mua, gây ra tăng giảm thất thường thị trường.
Ngoài ra, đáng quan ngại nhất là hiện có quá nhiều văn bản pháp luật liên quan đến điều chỉnh thị trường BĐS, nhưng khi thực thi rườm rà, chồng chéo, làm nản lòng nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù các văn bản dưới Luật Kinh doanh BĐS đã khắc phục dần, vẫn còn một số quy định pháp luật chưa đảm bảo thống nhất, hệ thống, đồng bộ và liên thông…
Những bất cập trên đã và đang khiến cho hàng trăm dự án trong 3-4 năm trở lại đây tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn bị "ách tắc" thủ tục đầu tư xây dựng, dừng triển khai để rà soát, kiểm tra pháp lý, kéo theo nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở bị sụt giảm trên thị trường.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã rà soát các quy định, tổng kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 76 để nhận diện các vướng mắc và tìm giải pháp tháo gỡ. Tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương về tình hình thi hành Nghị định này, Bộ Xây dựng nhận thấy cần thiết phải xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh BĐS thay thế Nghị định số 76, trình Chính phủ ban hành, nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và tháo gỡ những rào cản về môi trường kinh doanh BĐS cho phù hợp với thực tiễn.
Cần sửa đổi, bổ sung
Theo ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), đối với một số quy định trong Luật Kinh doanh BĐS chưa phù hợp với các quy định mới và các luật liên quan mới có hiệu lực cần phải rà soát để bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành.
Đơn cử, cần bỏ quy định “phải có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng” và “căn cứ xác định mức vốn pháp định của doanh nghiệp kinh doanh BĐS” trong điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Kinh doanh BĐS với Luật Đầu tư. Hay cần sửa đổi, bổ sung quy định về thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án BĐS cho phù hợp với Luật Đầu tư 2020 và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; đồng thời, bổ sung quy định việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án BĐS áp dụng trong Luật Kinh doanh BĐS.
Thêm vào đó, Nghị định mới hướng dẫn cần làm rõ hơn quy định về giao dịch BĐS “quy mô nhỏ”, “không thường xuyên” để linh hoạt áp dụng trong thực tế; đồng thời, sửa đổi, bổ sung và gộp quy định về điều kiện chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai và điều kiện chuyển nhượng hợp đồng thuê mua nhà, công trình xây dựng có sẵn trong 1 quy định về điều kiện chuyển nhượng hợp đồng.
Còn theo các chuyên gia BĐS, dự thảo Nghị định mới không sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các quy định, vấn đề thuộc quy định của Luật Kinh doanh BĐS 2014. Các nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế phải đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật hiện hành, đặc biệt là các luật vừa được Quốc hội thông qua như: Luật Đầu tư (sửa đổi) 2020, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) 2020… và phù hợp với các nội dung quy định trong các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn các luật này.