Gỡ khó để sản phẩm cơ khí nội trụ vững trên “sân nhà”

Mặc dù các biện pháp tăng cường sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư nguyên liệu trong nước sản xuất được trong công tác đấu thầu đã được triển khai quyết liệt trong một năm qua nhưng tỷ trọng sử dụng thực tế tại các dự án đầu tư mới chỉ đạt con số khiêm tốn 18,6%.

Cơ chế “trói” doanh nghiệp

Tại hội nghị "sơ kết 1 năm thực hiện các biện pháp tăng cường sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được trong công tác đấu thầu” ngày 28/9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang thừa nhận: Mặc dù tỷ lệ nhập siêu thiết bị, máy móc 9 tháng năm 2011 đã giảm so với năm 2010 nhưng kết quả đạt được chưa tương xứng với mục tiêu đề ra.

Lý giải về nguyên nhân khiến sản phẩm cơ khí Việt chưa tìm được chỗ đứng ngay chính trên sân nhà, đại diện Bộ Công Thương cho biết: Cho đến nay, Việt Nam hầu như chưa có hàng rào kỹ thuật, nhất là các tiêu chuẩn liên quan đến bảo vệ sức khỏe người sử dụng, tiêu chuẩn tiêu hao năng lượng… áp dụng với các hàng hóa, trong đó có sản phẩm cơ khí. Trong khi đó, Luật Đấu thầu hiện hành còn nhiều điểm hạn chế nên chưa tạo được “sân chơi” cho các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp nước ngoài.

Chỉ ra những khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam trong đấu thầu, Phó Giám đốc Công ty TNHH hệ thống kỹ thuật ứng dụng ATS, ông Trần Anh Thái cho biết: Lãi suất vay của các công ty tư nhân như ATS đều ở mức 22-25%/năm, thậm chí lên tới 28%/năm. Trong khi đó, các nhà thầu nước ngoài trong khu vực và trên thế giới thường được vay vốn với lãi suất cực thấp 1-2%/năm, thậm chí còn được Chính phủ cho vay không lãi suất trong 10 năm để mở rộng thị trường.

Thêm vào đó, do chưa có các bộ tiêu chí cụ thể quy định cho hàng sản xuất trong nước, nhiều nhà thầu ngoại đã “lách luật” nhập khẩu gần như toàn bộ thiết bị, vật tư để lắp ráp tại Việt Nam nhằm hưởng ưu đãi thuế của hàng nội địa cũng tạo ra những cạnh tranh không bình đẳng với các doanh nghiệp cơ khí nội.

“Cởi trói” cho doanh nghiệp

Tại hội nghị, Hiệp hội các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ 6 giải pháp nhằm giúp ngành cơ khí Việt Nam thoát khỏi tình trạng “èo uột” hiện nay; trong đó có cơ chế chính sách áp dụng cho các nhà máy nhiệt điện. Theo đó, Chính phủ cần chỉ đạo các chủ đầu tư tách các hạng mục công việc thành các gói thầu độc lập, giao thiết kế chế tạo trong nước với 10 hạng mục như: Hệ thống cung cấp than, thu hồi tro bay, hệ thống làm mát tuần hoàn, trạm phân phối và máy biến áp chính, kết cấu thép đi kèm với gói thiết bị.

Theo tính toán của Hiệp hội, nếu Việt Nam đầu tư khoảng 90 tỷ USD cho các nhà máy điện từ nay đến 2030 thì với giải pháp này, sản xuất trong nước có thể “ẵm gọn” 27 tỷ USD (khoảng 30% giá trị), góp phần giảm nhập siêu khoảng 1,4 tỷ USD/năm và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động Việt Nam.

Đại diện Tổng cục Năng lượng đề xuất: Luật Đấu thầu nên sửa đổi theo hướng dựa trên tiêu chí giá cho cả đời dự án thay vì chỉ dựa vào tiêu chí giá bỏ thầu ban đầu. Đặc biệt, cơ chế EPC chỉ nên áp dụng cho các dự án lần đầu có ở Việt Nam, các dự án tiếp theo không nên áp dụng cơ chế EPC vì rủi ro cơ chế EPC khiến giá thầu bị cộng thêm khoảng 20%.

Nguyễn Kim Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN