Giúp doanh nghiệp phát triển thương hiệu

Câu chuyện về khống chế trần chi phí quảng cáo không quá 15% tổng chi phí của doanh nghiệp nóng trở lại khi vài ngày nữa, Quốc hội sẽ bỏ phiếu thông qua việc tiếp tục duy trì mức trần này hay dỡ bỏ hoàn toàn. Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng việc dỡ bỏ trần chi phí quảng cáo là cần thiết để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và phù hợp thông lệ quốc quốc tế.

“Bó chân bó tay”

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, trần chi phí quảng cáo đang “bó chân bó tay”, làm ảnh hưởng đến việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp. Hiện nay, các doanh nghiệp nước ngoài có chiến lược quảng bá rất tốt, bằng cả ngân sách công ty ở Việt Nam và ngân sách của tập đoàn ở nước ngoài nên thương hiệu của họ được nhận biết rộng rãi. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước không làm như vậy được vì bị khống chế chi phí quảng cáo không vượt 15% tổng chi phí được khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp (tại Trung Quốc tính 15% trên tổng doanh thu).


Doanh nghiệp gặp khó với mức khống chế trần quảng cáo.Ảnh: Thu Hồng


Do vậy, “việc gỡ trần 15% là một cơ hội cho doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn cạnh tranh sắp tới khi khu vực thuế quan ASEAN, ASEAN+1 bằng 0. Nếu chúng ta không xây dựng được thương hiệu thì rất khó cạnh tranh”, bà Loan nói.

Đại diện cho phía doanh nghiệp, ông Trần Trung Hưng, Giám đốc Công ty Két bạc, chia sẻ: Nếu áp dụng trần chi phí 15% thì bắt buộc doanh nghiệp phải lách luật. Chính vì vậy, doanh nghiệp có thể lấy chi phí khác để bù đắp vào chi phí quảng cáo, mà đây lại là hoạt động thường xuyên lâu dài, đầu tư cho quảng cáo là đầu tư cho thương hiệu. Do đó, chiến lược quảng cáo không phải đơn giản là 10 hay 15% nên Nhà nước cần xóa bỏ việc này.

Ông Phạm Thành Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam khẳng định, đối với những doanh nghiệp mới tham gia thị trường, chi phí quảng cáo rất cần để xây dựng thương hiệu. Mức trần khống chế vô hình chung lại làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Đào Việt Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Điện Hồng Thành lại cho rằng: “Nhà nước nên quy định quy mô doanh nghiệp ở cỡ nào thì dỡ bỏ chi phí bao nhiêu bởi vì, việc dỡ bỏ toàn bộ thì doanh nghiệp lớn sẽ “nuốt” doanh nghiệp nhỏ. Theo tôi, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khả năng cạnh tranh thấp thì Nhà nước nên dỡ bỏ hoàn toàn mức trần này nhưng doanh nghiệp lớn thì vẫn nên giữ định mức”. Theo ông Đào Việt Hồng, nếu nới trần chi phí quảng cáo lên 50% thì với doanh nghiệp nhỏ, bằng đó chi phí cũng chưa đủ để thương hiệu của doanh nghiệp nhỏ và vừa có sức lan tỏa. Tuy nhiên, doanh nghiệp lớn như Coca Cola hay doanh nghiệp ô tô ngoại chỉ cần chi 5 - 10% cho quảng cáo, họ đã chiếm thế thắng so với doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang là đối tượng được ưu tiên phát triển nên cần cân nhắc trước khi quyết định.

Trao quyền cho doanh nghiệp

Nêu rõ quan điểm của mình, ông Lê Vinh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp trẻ, cho biết: Theo khảo sát của Bộ Tài chính tại 50 nước trên thế giới, Việt Nam là một trong ít quốc gia có quy định về mức khống chế đối với quảng cáo và khuyến mãi. Thực tế, trên thế giới các doanh nghiệp càng lớn và có nhiều kinh nghiệm kinh doanh càng chi phí nhiều cho quảng cáo. Do vậy, nếu bỏ giới hạn mức chi phí hợp lý thì vừa khuyến khích khả năng sáng tạo, kinh doanh và thu lợi nhuận của doanh nghiệp, Nhà nước cũng không thất thu bởi khoản chi của doanh nghiệp này đồng thời là khoản thu của doanh nghiệp khác. Nay Bộ Tài chính đã trình Chính phủ đề xuất Quốc hội dỡ bỏ trần chi phí quảng cáo, khuyến mại như mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp trong kiến nghị trước đây nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng sức mua và phát triển thị trường.

Dẫn chứng thực tế sự cần thiết dỡ bỏ trần chi phí quảng cáo, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trả lời câu hỏi nâng trần chi phí quảng cáo tác động thế nào đến doanh nghiệp, có hơn 5% doanh nghiệp được hỏi cho rằng việc này hỗ trợ doanh nghiệp rất tích cực; 19,4% cho rằng tích cực; 60% cho rằng bình thường và 16% cho rằng không hỗ trợ gì. Kết quả này cho thấy việc nâng chi phí quảng cáo từ 10 - 15% mới đây không tạo ra sự thay đổi nào cho doanh nghiệp. Vì vậy, theo đại diện VCCI, không nên nới trần nữa mà nên bỏ hẳn.

“Doanh nghiệp có điều kiện xây dựng thương hiệu. Người làm thuế cũng dễ bóc tách các khoản chi phí, từ đó làm giảm chi phí quản lý hành chính, không còn dư địa để cơ quan thuế và doanh nghiệp thỏa thuận nhau về chi phí nữa”, bà Hằng phân tích.

BKT

Nên sớm dỡ bỏ trần chi phí quảng cáo
Nên sớm dỡ bỏ trần chi phí quảng cáo

Các hiệp hội ngành hàng và các chuyên gia đều cho rằng việc khống chế mức chi phí dành cho quảng cáo, khuyến mãi là “trói chân” doanh nghiệp (DN), không có lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời, kiến nghị sớm dỡ bỏ mức trần này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN