Cụ thể, ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ I cho hay, công tác chuẩn bị cho việc thi công thay cáp dự ứng lực của cầu Tân Đệ đang được tiến hành. Nhà thầu là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco8) đang tiến hành thử vật liệu (cáp quang). Thời gian thử mất khoảng 42 ngày. Dự kiến 15/10 công việc này sẽ hoàn thành. Ngay sau đó nếu kết quả thử vật liệu đạt yêu cầu sẽ thi công ngay và hoàn thành trong năm 2022.
Về kế hoạch thi công, ông Nguyễn Xuân Lâm cho hay, sẽ mất khoảng nửa giờ để nhà thầu hoàn thành việc cắt cáp cũ. Công việc này sẽ không ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện trên Quốc lộ 10.
Thông tin thêm, ông Nguyễn Xuân Lâm cho biết, trong 30 bó cáp dự ứng lực ngoài của cầu Tân Đệ, thời gian qua đã thay thế được 3 bó cáp, hiện còn 27 bó cáp sẽ được thay thế trong đợt này để đảm bảo tuổi thọ và khả năng khai thác của cầu. Cáp thay thế tại cầu Tân Đệ được nhập khẩu từ Pháp và sẽ có lớp bảo quản để tránh ảnh hưởng của các yếu tố môi trường đến tuổi thọ của cáp.
Theo Cục Quản lý đường bộ I, tổng dự toán trước đầu thầu của dự án thay thế cáp dự ứng lực cầu Tân Đệ đợt này là 21 tỷ đồng, sau đầu thầu đã giảm chỉ còn 18,8 tỷ đồng.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã có quyết định chấp thuận chủ trương sửa chữa và phê duyệt bổ sung kế hoạch bảo trì hệ thống quốc lộ năm 2021 đối với công trình “Sửa chữa cầu Tân Đệ Km99+200 Quốc lộ 10” do Cục Quản lý đường bộ I (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) làm chủ đầu tư.
Dự án này có mục tiêu thay thế và căng lại các bó cáp dự ứng lực ngoài các nhịp N6 - N10 bằng tao cáp 7 sợi có đường kính danh định 15,2mm được mạ kẽm từng sợi đơn + bọc vỏ HDPE từng tao cáp + lớp mỡ hoặc sáp (mỡ đặc) bảo vệ chèn giữa tao cáp và lớp vỏ bọc HDPE từng tao cáp + vỏ HDPE bọc toàn bộ bó cáp + lớp HDPE điền đầy.
Dự kiến, tổng số bó cáp cần xử lý là 27 bó/30 bó cáp dự ứng lực. Kinh phí thực hiện từ nguồn sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ (Ngân sách Nhà nước). Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 đến 2022.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, cầu Tân Đệ vượt sông Hồng thuộc địa phận tỉnh Thái Bình, nằm trên Quốc lộ 10, là tuyến đường huyết mạch nối liền các tỉnh duyên hải Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, có lưu lượng giao thông trên tuyến rất lớn. Đây là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng.
Cầu gồm 19 nhịp bê tông cốt thép dự ứng lực với sơ đồ nhịp (39+4x40)+(70+3x120+77.8)+(8x40+39)m, chiều dài cầu cầu là 1080,8m. Kết cấu nhịp dẫn có mặt cắt ngang cầu gồm 7 dầm bê tông cốt thép dự ứng lực lắp ghép dạng Super T, chiều cao dầm chủ là 1,75m. Kết cấu nhịp chính của cầu dầm bê tông cốt thép dự ứng lực liên tục với bố trí nhịp 70m+3x120m+77,8m, mặt cắt ngang tiết diện hình hộp, chiều cao hộp thay đổi từ 3,0m đến 6,5m, nhịp chính là hệ dầm dự ứng lực bên trong kết hợp với dự ứng lực ngoài.
Toàn cầu có 30 bó cáp dự ứng lực ngoài (nhịp N8 có 6 bó, nhịp N7 có 8 bó, nhịp N9 có 8 bó, nhịp N6 có 4 bó, nhịp N10 có 4 bó). Số lượng tao cáp trong mỗi bó cáp bố trí trên các nhịp có khác nhau (nhịp N7 và nhịp N9 mỗi bó cáp có 18 tao cáp, các nhịp khác mỗi bó cáp có 19 tao). Tao cáp loại 7 sợi đường kính tao cáp 15.2mm theo tiêu chuẩn ASTM A416 độ trùng thấp cấp 270, loại cáp này không có lớp bảo vệ cho từng tao cáp, cáp chỉ được bảo vệ bằng vữa xi măng bơm trong lòng ống nhựa bảo vệ cáp.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cầu Tân Đệ được hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2002, sau nhiều năm khai thác, công trình xuống cấp và xuất hiện sự cố đứt cáp dự ứng lực ngoài và xuất hiện một số hư hỏng khác như khe co giãn, mặt cầu, nứt dầm… Đặc biệt là các bó cáp dự ứng lực ngoài tại các nhịp N6-N11 có dấu hiệu bị han gỉ, hư hỏng, nguy cơ bị đứt, ảnh hưởng đến an toàn công trình.