Giảm thiểu tác động tiêu cực cho người dân trong mùa hạn, mặn

Mùa khô năm 2019 – 2020 theo dự báo, độ mặn cao hơn và khả năng kéo dài hơn, lượng nước ngọt dự trữ trong dân sẽ cạn kiệt, tình trạng thiếu nước sinh hoạt được dự đoán sẽ xảy ra.

Vì vậy, tỉnh Bến Tre đã chủ động triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến sinh hoạt, đảm bảo cung cấp nguồn nước đáp ứng nhu cầu cơ bản cho người dân.

Chú thích ảnh
Trữ nước trong ao trải bạt là biện pháp được nhiều nhà vườn Chợ Lách áp dụng ứng phó hạn mặn.

Lấy nước ở nơi có độ mặn thấp

Từ khi độ mặn xâm nhập một số sông chính của tỉnh Bến Tre, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh phải thực hiện phương án đưa nguồn nước từ nơi có độ mặn thấp <3‰ tới nơi có độ mặn cao/rất cao từ 8-10 ‰ nhằm giảm thiểu tác động của hạn mặn đến sinh hoạt của  người dân. 

Tháng 11/2019, tại huyện Mỏ Cày Nam, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường vận hành hai nhà máy nước Thành Thới A và nhà máy nước Ngãi Đăng lấy nước từ sông Cổ Chiên nơi độ mặn thấp <3‰ để cấp cho nhà máy nước An Định, nhà máy nước Tân Trung. Đồng thời, nhà máy nước An Định và Tân Trung cũng vận hành hệ thống lọc mặn RO 24/24 để cấp nước sinh hoạt cho người dân có nhu cầu. 

Gia đình bà Nguyễn Thị Lệ, ấp Phú Đông 2, xã An Định sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh từ khoảng 10 năm nay. Nhưng mỗi khi đến mùa khô, nguồn nước máy bị nhiễm mặn nên gia đình bà phải dùng nước mưa để sinh hoạt và phải đổi nước từ các ghe, xà lan, xử lý dùng trong chăn nuôi. Mỗi tháng, gia đình bà tốn khoảng 500.000 đồng để đổi nước ngọt. Năm nay, nhờ nhà máy nước An Định đấu nối được với nhà máy nước Thành Thới A nên dù đang thời điểm nước mặn, gia đình bà vẫn có nước ngọt để dùng với giá chỉ 8.000 đồng/m3.

Trong khi đó, gia đình bà Trịnh Thị Hường, ấp Phú Đông 2 chưa đăng ký sử dụng nước máy nên bà Hường mua nước ngọt đã qua xử lý RO từ nhà máy An Định với giá 80.000 đồng/m3 (đã tính chi phí vận chuyển) để phục vụ sản xuất tàu hũ. Bà Hường cho biết, làm đậu hũ mà nước bị nhiễm mặn là xem như hỏng. Trước đây, khi mùa mặn đến, gia đình bà phải mua nước ngọt từ các xà lan để về xử lý hoặc mua từ nhà máy sản xuất nước đá với giá cao. Giờ ở đây có nguồn nước ngọt đảm bảo nên ai cũng vui mừng. Bà Hường sẽ đăng ký sử dụng nước máy vì biết được nguồn nước ở nhà máy không bị nhiễm mặn và giá ổn định.

Nhà máy nước An Định mỗi ngày cung cấp từ 20 – 30m3 nước đã qua xử lý bằng hệ thống RO và 1.200m3 – 1.300m3 nước ngọt được lấy từ nguồn nước sông Cổ Chiên, với mức giá không đổi 8.000 đồng/m3. 

Ông Nguyễn Văn Nhân, Trưởng khu vực cấp nước huyện Mỏ Cày Nam cho biết, trước đây, nhà máy nước An Định lấy nước trực tiếp từ sông Cái Quao (xã An Định) để xử lý nhưng năm nay, nước ở đây có độ mặn cao, có lúc lên đến 4,5‰, nguồn nước này không thể dùng trong sinh hoạt. Do đó, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đưa nước từ nhà máy nước Thành Thới A sang nhà máy nước An Định cung cấp cho người dân. Ngoài ra, nhà máy cũng vận hành hệ thống lọc nước RO để cung cấp nước cho người dân 3 ngày/tuần.

Đảm bảo nước sinh hoạt 

Chú thích ảnh
Mô hình túi trữ nước ngọt lần đầu tiên được huyện Chợ Lách triển khai cho người dân sử dụng. 

Để ứng phó với đợt xâm nhập mặn mùa khô 2019 – 2020, ông Võ Đình Trác, Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bến Tre cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, Trung tâm đã thực hiện mở rộng 65km đường ống góp phần giúp 7.200 hộ được trữ nguồn nước ngọt sử dụng trước khi mùa hạn, mặn xảy ra. Trung tâm đã lên phương án cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thời điểm mặn xâm nhập sâu, độ mặn cao. Theo đó, Trung tâm sẽ vận hành các hệ thống lọc mặn RO 24/24 để cấp nước sinh hoạt cho người dân, bệnh viện, trạm y tế, trường học trong trường hợp bức thiết mặn kéo dài, độ mặn tăng cao. 

Trung tâm cũng xét đến trường hợp khẩn cấp, sẽ phối hợp cùng địa phương có phương án huy động xe bồn, phương tiện của các doanh nghiệp, người dân: ghe, xe các loại, để chuyển nước ngọt từ hệ RO/từ nơi có nước ngọt đến vùng thiếu nước.

Ngoài ra, Trung tâm cũng chuẩn bị đưa vào vận hành hai công trình nâng công suất nhà máy nước Phú Đức từ 3.840m3/ng/đêm và nhà máy nước An Phú Trung từ 5.040m3/ng/đêm, dự kiến hoàn thành vận hành ổn định vào đầu tháng 1/2020.

Hầu hết các công trình xử lý nước ở Bến Tre đều dùng nước mặt từ hệ thống sông, rạch tự nhiên trong tỉnh nên đều bị ảnh hưởng bởi nước mặn. Độ mặn trên các sông đều vượt các chuẩn quy định trong cung cấp và sử dụng nước sạch. Trước dự đoán tình hình hạn mặn phủ diện rộng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre chỉ đạo các cơ quan, đơn vị cấp nước chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch, phương án đảm bảo cấp nước phục vụ sinh hoạt của người dân trong mùa hạn mặn. Trong đó, tăng cường công tác kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng hệ thống cấp nước; nạo vét các ao chứa nước thô của các nhà máy; đẩy nhanh tiến độ thi công mở rộng hệ thống cấp nước, lắp đặt đồng hồ nước để phục vụ người dân trong đợt hạn mặn;…

Theo ông Bùi Văn Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, khi hạn mặn diễn ra gay gắt kéo dài, các nhà máy nước có hệ thống lọc mặn RO sẵn sàng vận hành với tổng công suất 1.000m3/ngày/đêm, đảm bảo khoảng 51.000 người được cung cấp nước ngọt; tất cả điểm trường chính tập trung khu vực trung tâm xã, trạm y tế trong phạm vi phục vụ của 12 hệ thống RO đảm bảo có đủ nước dùng cho nhu cầu ăn uống.

Riêng nhà máy nước Sơn Đông do Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre quản lý, trường hợp mặn xâm nhập sâu tới thành phố Bến Tre thì trạm bơm nước ngọt thô Cái Cỏ, xã Quới Thành, huyện Châu Thành (nơi nước mặn chưa xâm nhập tới) sẽ vận hành cấp nước về nhà máy nước Sơn Đông để xử lý. Đồng thời, cấp vào mạng của nhà máy nước Tân Thành Bình phục vụ nhu cầu nước ngọt cho khoảng 3.000 người dân địa bàn xã Tân Thành Bình, xã Thanh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc).

Ngoài ra, nhà máy nước Kênh Lấp, công suất 12.000m3/ngày/đêm bơm nước ngọt thô từ hồ chứa nước ngọt Ba Tri để xử lý đồng thời bổ cấp vào mạng của nhà máy nước Tân Mỹ, phục vụ cho khoảng 12.000 người dân địa bàn thị trấn Ba Tri và 6 xã lân cận. Vận hành trạm bơm nước từ hồ nước ngọt Ba Lai cho nhà máy nước Châu Bình xử lý, cung cấp nước ngọt cho 14.000 người ở các xã Châu Bình, Châu Hòa, Phong Nẫm, Phong Mỹ (huyện Giồng Trôm).

Tỉnh Bến Tre hiện có 68 công trình cấp nước tập trung, nguồn nước cung cấp cho các công trình xử lý hầu hết đều dùng nước mặt từ hệ thống sông rạch tự nhiên trong tỉnh. Tổng công suất của 68 công trình xấp xỉ 204.000m3/ngày/đêm, cấp nước sạch cho khoảng 226.000 hộ dân (813.000 người). Đa số hộ dân tiếp cận nước sạch chủ yếu sống tập trung tại các khu đô thị, thị trấn, thị tứ, trung tâm xã, dọc theo các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ và huyện lộ.

Ngoài 28 nhà máy nước công ty, doanh nghiệp tư nhân đầu tư, khai thác và 5 nhà máy nước do Công ty cổ phần cấp thoát nước Bến Tre quản lý, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý vận hành 35 nhà máy nước. Tổng công suất khoảng của 35 nhà máy nước 52.000 m3/ngày/đêm, cấp nước sạch cho khoảng 76.000 hộ dân trên đại bàn 84 xã và 2 thị trấn. Trong đó, có 12 công trình đã trang bị hệ thống lọc mặn RO được tài trợ từ nhiều nguồn.

Bài và ảnh: Trần Thị Thu Hiền (TTXVN)
Nước sinh hoạt của Hải Phòng đã hết nhiễm mặn
Nước sinh hoạt của Hải Phòng đã hết nhiễm mặn

Chiều 22/11, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Phòng Cao Văn Quý cho biết, chất lượng nước tại nhà máy nước Cầu Nguyệt và Nhà máy nước Hưng Đạo đã về mức bình thường, sớm hơn dự kiến khoảng 10 ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN