Từ ngày 19/5, lãi suất cho vay tín dụng xuất khẩu, tín dụng đầu tư của Nhà nước tiếp tục giảm từ 0,3% - 1,05% theo Thông tư số 76/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính. Đây được xem là động thái tích cực để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) vay dễ dàng hơn.Lãi suất trung và dài hạn vẫn caoTheo ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Công ty Giấy Sài Gòn, từ đầu năm đến nay lãi suất huy động liên tục giảm trong khi lãi vay giảm khá chậm hoặc gần như giẫm chân tại chỗ. Hiện nay lãi suất cho vay trung, dài hạn 10,5 -11%/năm trong khi vay ngắn hạn dao động 8 - 8,5%/năm. Với lãi suất này, DN đang phải “gánh” một lãi suất khá nặng. Ông Vị kiến nghị, lãi suất vay nên giảm xuống ngắn hạn 7%/năm và dài hạn 9%/năm, có như thế DN mới có thể vay để mở rộng sản xuất.
Thông tư 76 giúp DN “mặn mà” hơn khi tiếp cận vốn vay. |
Đồng tình quan điểm trên, TS. Trần Du Lịch cũng cho rằng, lãi suất trung, dài hạn 11%/năm là quá cao. Ngay tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 cũng nhận xét lãi suất có dấu hiệu tăng dù hoạt động sản xuất kinh doanh của DN tiếp tục được cải thiện. Thực tế thống kê từ báo cáo tài chính của các ngân hang (NH) trong quý I/2015 cho thấy, doanh thu của hầu hết NH đều tăng, trong khi đó chi phí trả lãi giảm mạnh. Điều này cho thấy, chênh lệch lãi suất cho vay và huy động trong quý I lớn hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Trí Kiên, Giám đốc Công ty May túi xách Minh Tiến chia sẻ: “Vay trung, dài hạn vừa khó vay vừa lãi suất cao nên các khoản vay của công ty đa số là ngắn hạn (dưới 1 năm). Hiện tại, công ty tôi chưa dám tính đến việc mở rộng sản xuất”. Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó TGĐ Sài Gòn Food, cũng rất lo lắng khi giá điện tăng 7,5%. Bởi Sài Gòn Food mới mua 10.000m2 đất, lên kế hoạch xây dựng xưởng, mua máy móc thiết bị mở rộng sản xuất, nhưng với lãi suất vay trung, dài hạn còn cao, ở mức 10 - 12%/năm thì cơ hội đầu tư, kinh doanh cũng như tính cạnh tranh đều bị ảnh hưởng. Cũng với tâm lý này, ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Pomina thừa nhận, Pomina chưa có kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh một phần do lãi suất trung, dài hạn còn cao. “Hiện tại, cạnh tranh đã mang tính quốc tế; trong khi lãi suất (là khoản chi phí vốn, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành) của nước ta lại cao gấp 2 - 3 lần so với các nước khác, là một cản trở rất lớn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, dẫn đến không đủ sức cạnh tranh với các đối tác nước ngoài”, ông Thái nói.
Đưa chính sách vào cuộc sống Nhiều NH cho biết rất muốn giảm thêm lãi suất cho DN để giảm gánh nặng lãi suất. Tuy nhiên, hiện mặt bằng chung của lãi suất cho vay cả ngắn hạn và trung, dài hạn khoảng 8%/năm, so với lãi suất huy động 5-6%/năm nên sẽ rất khó giảm thêm. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, cho hay, các yếu tố như giá xăng dầu tăng liên tục, tỷ giá điều chỉnh 2 lần từ đầu năm, CPI có chiều hướng tăng... sẽ tiếp tục gây khó khăn trong việc hạ lãi suất trung, dài hạn. Hơn nữa, nhu cầu vay vốn trung, dài hạn của DN cao nhưng đa số nguồn vốn huy động của NH lại là ngắn hạn nên rất khó trong việc giảm thêm lãi suất.
Trước những khó khăn chung, Chính phủ đã có những động thái tích cực trong việc hỗ trợ lãi suất nhằm giúp DN vay vốn. Theo đó, Thông tư số 76/2015/TT-BTC đã ra đời nhằm thay thế cho Thông tư số 189/2014/TT-BTC ngày 11/12/2014 và có hiệu lực từ ngày 19/5/2015. Cụ thể, Thông tư 76 quy định, lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước bằng đồng Việt Nam giảm từ 9,6%/năm xuống mức 8,55%/năm. Lãi suất cho vay tín dụng xuất khẩu của Nhà nước bằng đồng Việt Nam giảm từ 7,2%/năm xuống mức 6,9%/năm. Mức chênh lệch lãi suất được tính hỗ trợ sau đầu tư đối với dự án vay vốn bằng đồng Việt Nam giữ nguyên ở mức 2,4%/năm.
Có thể thấy, trong 3 năm qua mức lãi suất đầu tư tín dụng và xuất khẩu đã liên tục được điều chỉnh giảm so với mức 12% vào năm 2012. Đây là tín hiệu tốt cho các nhà đầu tư bởi các DN thường phải dùng đòn bẩy tài chính để vượt qua các khó khăn, phát triển, đẩy mạnh sản xuất.
Không chỉ các DN lớn mà hầu hết các DN vừa và nhỏ (DNVVN) cũng hy vọng rất nhiều ở những chính sách về vay vốn tín dụng. Nhất là trong thực trạng các ngành bán lẻ của Việt Nam đang có sự phát triển mạnh. Tuy nhiên, nhiều DN lo ngại độ trễ của Thông tư khi đi vào thực tế vì quy định trên mới chỉ thể hiện trên giấy tờ, còn đi xuống sâu sát tình hình DN, nhất là những DNVVN thì còn rất xa.