Giảm chi phí sản xuất để tăng lợi nhuận cho nhà nông

Các tỉnh Nam Bộ bắt đầu bước vào sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2021-2022, vụ sản xuất quan trọng và có ý nghĩa đối với việc bố trí mùa vụ sản xuất trong cả năm, cũng như đóng góp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn khó lường.

Chú thích ảnh
Nhân viên một cửa hàng vật tư nông nghiệp ở huyện Thới Lai (Cần Thơ) chuẩn bị giao phân bón cho khách. Ảnh minh họa: Thanh Liêm/TTXVN

Tuy nhiên, vụ này đang đứng trước thách thức lớn khi giá phân bón và vận chuyển hàng hóa tăng đột biến. Việc giảm được giá thành sản xuất qua áp dụng các biện pháp kỹ thuật, giảm chi phí sản xuất ở từng khâu sẽ là yếu tố tạo lợi nhuận cho người trồng lúa.

Các yếu tố ảnh hưởng đến giá thành sản xuất lúa như: chi phí công lao động chiếm tỷ lệ cao nhất từ 28-30%; chi phí phân bón từ 21-24%; chi phí thuốc bảo vệ thực vật từ 15-17%; chi phí thu hoạch, vận chuyển từ 10-12% và giống chiếm từ 9-10% trong tổng chi phí…

Hiện nay, vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long sử dụng lượng giống gieo sạ trung bình khoảng 180-250 kg/ha. Với giá lúa giống cấp nguyên chủng, xác nhận 1 khoảng 20.000 đồng/kg, chi phí giống/ha gieo trồng lúa từ 3,6-5 triệu đồng. Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, việc giảm khối lượng hạt giống lúa gieo sạ còn giúp nông dân giảm chi phí đầu tư phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Nếu giảm lượng giống sử dụng xuống 100-120 kg/ha, cùng với việc áp dụng biện pháp kỹ thuật giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lợi nhuận trồng lúa sẽ cao hơn khoảng 10%.

Bên cạnh đó, việc tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận và nguyên chủng sẽ giúp năng suất và chất lượng lúa gạo hàng hóa tăng, chí phí sản xuất giảm đáng kể, mang lại lợi nhuận cao hơn cho người sản xuất và tăng lợi thế cạnh tranh cho ngành hàng lúa gạo xuất khẩu.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có lượng phân bón sử dụng trung bình là 1.071 kg/ha gieo trồng, cao hơn 42% so với trung bình cả nước. Riêng lượng phân bón vô cơ sử dụng cao hơn 35,3% so với trung bình toàn quốc trong khi lượng phân hữu cơ sử dụng chỉ bằng 27,3% so với trung bình toàn quốc. 

Tương tự, với thuốc bảo vệ thực vật hóa học, lượng sử dụng tại khu vực này đang cao hơn mức trung bình toàn quốc là 71,9%; thậm chí có địa phương sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học gấp gần 3 lần so với trung bình toàn quốc.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đã và đang làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất ngành lúa gạo trong khi chi phí vật tư đầu vào tăng cao, yêu cầu giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm không chỉ giúp người trồng lúa có lãi mà còn có định hướng lâu dài hơn ngành lúa gạo Việt Nam. 

Theo ông Lê Thanh Tùng, việc các chi phí chiếm tỷ trọng cao như trên đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, nhất là khi giá phân bón tăng lên thì giá thành sản xuất sẽ biến động theo.

Mô hình công nghệ sinh thái hay còn được gọi là ruộng lúa bờ hoa là một tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới trên lĩnh vực bảo vệ thực vật được ứng dụng rộng rãi trên nền tảng các biện pháp kỹ thuật như “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng” và gieo sạ theo lịch đồng loạt né rầy... nhằm giảm số lần phun thuốc trừ sâu mà vẫn quản lý tốt dịch hại trên ruộng. Giải pháp này giúp giảm chi phí đầu tư, lợi nhuận cao, nâng chất lượng nông sản và thân thiện với môi trường.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang cho hay, mô hình được ứng dụng trên địa bàn tỉnh từ vụ Hè Thu 2010. Đến nay nông dân đã tham gia ứng dụng trên 3.200 ha.

Mô hình ứng dụng công nghệ sinh thái là trồng hoa trên ruộng thu hút, dẫn dụ thiên địch phòng trừ rầy nâu tự nhiên và sâu cuốn lá. Từ đó giảm chi phí phun xịt thuốc trừ sâu khoảng 1 triệu đồng/ha, đồng thời tạo cảnh quan đẹp cho đồng ruộng và bảo vệ môi trường.

Tính đến nay, Tập đoàn Lộc Trời đã áp dụng tiêu chuẩn canh tác lúa bền vững (tiêu chuẩn SRP) được gần 6 năm. Theo bà Trần Nguyễn Hạ Trang, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Lộc Trời, ngay từ đầu vụ chương trình chủ động thực hiện với mục tiêu giảm chi phí sản xuất bằng biện pháp kiểm soát dịch hại chặt chẽ, bón phân cân đối theo nhu cầu của cây lúa ở từng giai đoạn, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên chi phí thuốc bảo vệ thực vật trung bình trên 1 ha trong chương trình thấp hơn bên ngoài chương trình khoảng 23% và chi phí phân bón thấp hơn 5,4%. Từ đó lợi nhuận trung bình cao hơn trên 14% mặc dù năng suất, giá bán tương đương nhau.

Theo Cục Trồng trọt, toàn vùng tỷ lệ làm đất bằng cơ giới hóa trên 95%, tỷ lệ thu hoạch bằng máy đạt trung bình trên 90%. Tuy nhiên, tỷ lệ gieo sạ lúa bằng máy đạt trung bình 30%, tỷ lệ cấy lúa bằng máy trung bình đạt 1% toàn vùng. Nguyên nhân là số lượng máy cấy lúa còn ít do chi phí đầu tư cho máy cấy cao, nhưng thời gian hoạt động trong năm ít làm tăng thời gian khấu hao máy cấy và kéo dài thời gian thu hồi vốn đầu tư nên chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Diện tích ruộng lúa chưa bằng phẳng, ruộng không đồng đều nên việc ứng dụng máy cấy lúa còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Lê Thanh Tùng cho biết, các địa phương đã áp dụng sạ hàng, sạ cụm, máy cấy… nhưng cần đưa những giải pháp kỹ thuật mang lại thực tiễn như dễ áp dụng, khả năng nhân rộng cao.

“Chẳng hạn, yếu tố giảm giống gieo sạ, trong 20 năm qua việc kéo xuống vẫn chưa đạt như mong muốn không phải do yếu tố kỹ thuật – yếu tố này đã đầy đủ, mà còn do yếu tố tâm lý, tập quán, điều kiện tự nhiên từng vùng, khả năng đáp ứng của người sản xuất”, ông Lê Thanh Tùng cho hay.

Theo các chuyên gia, việc sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ở các địa phương phía Nam vẫn theo thói quen của nông dân, thường sử dụng với liều cao hơn, số lần nhiều hơn. Hiện giá phân bón tăng cao, đòi hỏi nông dân phải sử dụng phân bón hợp lý để đem lại hiệu quả, tránh ô nhiễm môi trường cũng như để lại dư lượng trên nông sản.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, Trung tâm tiếp tục tìm hiểu sâu sắc hơn tình hình sản xuất ở các vùng, từ đó đưa các mô hình làm thay đổi thói quen của những đối tượng này. Trung tâm sẽ tiếp cận mang tính tổng thể hơn với các gói kỹ thuật, giải pháp đồng bộ, đồng thời thông tin đến nông dân vùng sâu, vùng xa nắm bắt được giải pháp này.

Bích Hồng (TTXVN)
Giá phân bón tăng cao khiến nông dân Long An gặp khó
Giá phân bón tăng cao khiến nông dân Long An gặp khó

Thời điểm hiện tại, nông dân tỉnh Long An đang bước vào gieo sạ vụ Đông Xuân 2021-2022. Tuy nhiên, giá phân bón bán ra tại các đại lý tăng rất cao, nhiều loại tăng gấp đôi làm gia tăng chi phí đầu vào khiến nông dân gặp khó khăn, nhiều người tỏ ra e ngại do sợ thua lỗ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN