Giải quyết những thách thức về môi trường toàn cầu là nội dung quan trọng của ASOSAI 14

Tại Đại hội Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI 14), ngoài việc thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng chung của Đại hội, chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” là một trong những nội dung nghị sự quan trọng thể hiện thông điệp, sự cam kết, nỗ lực và đóng góp thiết thực của cộng đồng ASOSAI trong công cuộc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc và giải quyết những thách thức về môi trường toàn cầu.

Chú thích ảnh
Đồng chí Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng kiểm toán Nhà nước, Trưởng Ban Tổ chức Đại hội ASOSAI 14. Ảnh: TTXVN

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc, trong quá trình phát triển bền vững, chúng ta gặp phải những thách thức về môi trường như biến đổi khí hậu, khí thải, nước thải… Việt Nam là quốc gia đang phát triển nên cũng phải đối mặt với tình trạng nhập khẩu phế liệu, công nghệ lạc hậu. Vì vậy Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã đề xuất lấy chủ đề của Đại hội ASOSAI lần thứ 14 là “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” và nhận được sự ủng hộ của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) và ASOSAI.

Chủ đề này sẽ tập trung thảo luận làm rõ vai trò của kiểm toán môi trường trong việc hỗ trợ, thúc đẩy các Chính phủ đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cung cấp cái nhìn tổng thể về các vấn đề môi trường hiện nay, đồng thời xem xét mối liên hệ giữa các vấn đề này và các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs).

Bà Archana Shirsat, đại diện Cơ quan Sáng kiến phát triển INTOSAI (IDI) cho biết, Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc đến năm 2030 có đề cập tới sự hội nhập trên ba khía cạnh và một trong những khía cạnh đó là chủ đề môi trường. Vì vậy, môi trường là một chủ đề rất quan trọng, đặc biệt là một ưu tiên trong bối cảnh hội nhập của mỗi quốc gia.

Theo đó, các Cơ quan kiểm toán tối cao thành viên (SAI); trong đó có Kiểm toán Nhà nước Việt Nam sẽ chia sẻ những thách thức, kinh nghiệm và giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả chức năng kiểm toán môi trường hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường toàn cầu và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, nâng cao vai trò, vị thế của các cơ quan kiểm toán tối cao trong vấn đề kiểm toán môi trường, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ở từng quốc gia cũng như trên phạm vi toàn cầu .

Phó Tổng Kiểm toán Thái Lan Sirin Phankasem chia sẻ, Thái Lan đã và đang thực hiện khá nhiều hoạt động kiểm toán về môi trường, nước …. và có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động đào tạo kiểm toán về môi trường. Thái Lan là một thành viên trong nhóm công tác về phòng chống ô nhiễm môi trường và cũng là một thành viên trong ban điều hành của ASOSAI. Thái Lan có thể hỗ trợ Việt Nam về đào tạo nhân lực kiểm toán cũng như các hoạt động của ASOSAI trong nhiệm kỳ 2018-2021 mà Việt Nam giữ chức Chủ tịch ASOSAI.

Thùy Dương – Anh Quân (TTXVN)
ASOSAI 14: Địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, vị thế của Kiểm toán Nhà nước
ASOSAI 14: Địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, vị thế của Kiểm toán Nhà nước

Kiểm toán Nhà nước Việt Nam được thành lập và hoạt động theo Nghị định số 70/CP ngày 11/7/1994 của Chính phủ về việc thành lập cơ quan Kiểm toán Nhà nước và Quyết định số 61/TTg ngày 24/01/1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN