Cho đến nay, nhiều phương pháp, mô hình đã được sử dụng để xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam, dựa trên các thành tựu khoa học và công nghệ mới nhất trên thế giới. Mỗi phương pháp, mô hình đều có các thế mạnh và hạn chế riêng. Các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng đòi hỏi luôn được cập nhật và nâng cao độ tin cậy để xây dựng các chương trình ứng phó phù hợp.
Tiêu biểu như đã chỉ ra trong 50 năm tới, khoảng 47% diện tích của Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng bởi độ mặn 4 phần nghìn và có tới 64% diện tích ảnh hưởng bởi độ mặn 1 phần nghìn. Hầu hết bán đảo Cà Mau bị nhiễm mặn, trừ một phần phía Tây sông Hậu. Phân tích diễn biến mặn trong nhiều năm cho thấy sự giảm lưu lượng dòng chảy từ thượng lưu đổ về có ảnh hưởng quyết định đến độ lớn và chiều dài xâm nhập mặn, ảnh hưởng trên diện rộng ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Kết quả nghiên cứu đã làm rõ hiện trạng biến động bờ biển, nguyên nhân gây ra và xu thế biến động bờ biển trong mối quan hệ với nước biển dâng ở ven biển các tỉnh Nam Bộ (bao gồm 9 tỉnh, thành phố giáp biển Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và Thành phố Hồ Chí Minh).
Biến động bờ biển của các tỉnh Nam Bộ từ năm 1965 đến năm 2010 do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng thể hiện rất phức tạp bởi quá trình bồi tụ và xói lở. Tốc độ xói lở lớn nhất đạt tới 126,6 m/năm trên bờ cấu tạo bằng bùn sét (phía Bắc huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) và thấp nhất trên bờ cấu tạo bằng đá gắn kết (0,05 m/năm Mũi Nai, Kiên Giang). Tốc độ bồi tụ lớn nhất là 67,8 m/năm ở bờ biển huyện Ba Tri, Bến Tre và 66 m/năm ở xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau.
Trong những năm tới, xói lở bờ biển tiếp tục có xu thế gia tăng do nước biển dâng. Trong đó, một số đoạn xung yếu như Bình Châu - Lộc An, phía tây Cửa Lấp (Bà Rịa-Vũng Tàu), Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh), Duyên Hải (Trà Vinh), Gành Hào (Bạc Liêu), Trần Văn Thời (Cà Mau) và An Minh (Kiên Giang). Tại các vị trí này, xu thế giật lùi đường bờ biển so với hiện nay vào các năm 2020, 2030 và 2050 theo các kịch bản nước biển dâng, đã đưa ra. Xói lở đã gây ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế và đời sống của các cộng đồng dân cư ven biển Đồng bằng sông Cửu Long.
Hầu hết các nghiên cứu đều đề xuất các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu khác nhau cho các khu vực cụ thể. Trong đó, một số nghiên cứu đề xuất các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu phù hợp với Đồng bằng sông Cửu Long, như bộ chỉ số thích ứng biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ cho thấy khả năng chống chịu của môi trường tự nhiên ở mức “thấp”; tính dễ bị tổn thương ở mức “trung bình”; khả năng giảm nhẹ rủi ro do biến đổi khí hậu dao động từ “thấp” đến “trung bình”.
Trên cơ sở đó, các giải pháp nâng cao khả năng thích ứng biến đổi khí hậu cho thành phố Cần Thơ được đề xuất gồm tăng diện tích không gian xanh, xây dựng các khu vực trữ nước, cứu ngập kết hợp làm công viên đất ngập nước và bảo tồn đa dạng sinh học, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học.
Mặt khác, các nhà nghiên cứu đã xây dựng được bộ tiêu chí và chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật mô hình làng sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng cho Đồng bằng sông Cửu Long; thiết kế được mô hình làng sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; thử nghiệm hệ thống xử lý nước mặn thành ngọt cho 10 hộ gia đình tại Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, nhằm nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và nhiễm mặn.
Đây là mô hình thực tiễn đã được triển khai, có nhân rộng cho toàn bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt với các khu vực ven biển dễ bị nhiễm mặn. Các khu vực đô thị tại đây phụ thuộc chặt chẽ với hoạt động sông nước hay còn được gọi là “đô thị thủy”. Trong đó, các nhà nghiên cứu đã xây dựng mô hình đô thị có khả năng thích ứng, bao gồm tầm nhìn, mục tiêu, khung nội dung, tiêu chí và chỉ số mô hình, các giai đoạn triển khai, các giải pháp và điều kiện thực hiện có khả năng áp dụng vào khu vực; xây dựng nội dung các mô hình đô thị dựa trên đặc trưng “đô thị thủy” của thành phố Rạch Giá, nhằm phát huy văn hóa sông nước và kinh nghiệm trị thủy, là cơ sở định hướng quy hoạch, phát triển đô thị tại Đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, vai trò của khoa học và công nghệ được khẳng định, đã có những đóng góp nhất định phục vụ phát triển kinh tế đất nước, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tác động của biến đổi khí hậu đối với nước ta đang diễn ra với cường độ mạnh và tốc độ rất nhanh. Các kết quả nghiên cứu đã chỉ ra, Việt Nam bị tổn thương mạnh do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, suy giảm lưu lượng dòng chảy sông từ thượng nguồn.
Đây là cơ sở khoa học, thực tiễn tin cậy để đề xuất các giải pháp, các mô hình tích hợp thích ứng, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu ở nước ta, gồm định hướng nghiên cứu khoa học phục vụ ứng phó biến đổi khí hậu; nghiên cứu các giải pháp công nghệ phục vụ ứng phó biến đổi khí hậu, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường; nghiên cứu giải pháp đào tạo nguồn nhân lực và quản trị thông minh với biến đổi khí hậu.
Các kết quả nghiên cứu đã có nhiều mô hình, giải pháp thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu được áp dụng thực tế, chuyển giao cho các địa phương và có khả năng nghiên cứu nhân rộng trong thời gian tới.
Bài 3: Tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật