Giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài cuối năm vẫn chậm

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn nước ngoài của các bộ, ngành 11 tháng năm 2024 thấp hơn nhiều so với mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch vốn theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.

Chú thích ảnh
Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) phát biểu tại Hội nghị ngày 3/12. Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN

Tại Hội nghị với các bộ, ngành về giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài các tháng cuối năm 2024 diễn ra ngày 3/12, ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết: Lũy kế giải ngân kế hoạch đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài 11 tháng 2024 của các bộ, ngành đạt 39,06% kế hoạch vốn điều chỉnh, tương đương 3.285,7 tỷ đồng. 

Tỷ lệ giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài 11 tháng năm 2024 gấp hơn 2 lần tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2024 (16,62% kế hoạch vốn), nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong nước 11 tháng năm 2023 (đạt khoảng 53,16% kế hoạch).

Trong đó, có 2/10 bộ, ngành giải ngân trên 50% kế hoạch vốn: Bộ Tài nguyên và Môi trường (87,76%); Bộ Giao thông vận tải (58,35%). Có 4/10 bộ, ngành đã giải ngân, nhưng đạt tỷ lệ thấp: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (39,41%), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (29,79%), Đại học Quốc gia Hà Nội (6,75%), Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (6,82%).

Như vậy, vẫn còn 4/10 bộ, ngành đến nay vẫn chưa giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài năm 2024 là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động và Thương binh Xã hội - LĐ&TBXH, Bộ Y tế). Từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính đã tiếp nhận và xử lý 269 bộ hồ sơ rút vốn.

Chú thích ảnh
Dự án Trung tâm hội nghị tỉnh Yên Bái là một trong những công trình có tỷ lệ giải ngân cao, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 6/2025. Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN

Phía Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại đã nêu ra các nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài, gồm: Dự án đã được bố trí vốn, đã hoàn thành thủ tục đầu tư, nhưng chậm triển khai đấu thầu, chậm ký kết hợp đồng; lập kế hoạch vốn chưa tốt, chưa bám sát tiến độ thực hiện dự án... 

Để tháo gỡ những khó khăn, đảm bảo tiến độ giải ngân, đại diện Bộ LĐ&TBXH đề xuất các bộ, ngành liên quan như: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Xây dựng hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai dự án liên quan vốn đầu tư công vay nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính), việc cân đối bố trí dự toán ngân sách hằng năm khá khó khăn để đảm bảo tỷ lệ theo quy định 28 - 30% chi cho đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên, trong khi đó, nguồn lực cho đầu tư phát triển ngày càng tăng, nếu không giải ngân kịp sẽ gây ra nhiều bất cập. Vì vậy, Vụ đề nghị các cơ quan còn chậm giải ngân vốn ODA phải báo cáo lãnh đạo các giải pháp giải ngân, đảm bảo đạt kết quả cao nhất; đồng thời, có giải pháp giải ngân kế hoạch vốn của năm 2025 ngay từ đầu năm.

Để đẩy nhanh tiến độ, theo ông Hoàng Hải, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các bộ, ngành và chủ đầu tư để hoàn thành các thủ tục, giải phóng vốn và triển khai hiệu quả dự án; đồng thời, cần xác định rõ trách nhiệm của từng cán bộ để đảm bảo mục tiêu giải ngân cao, với các kiến nghị giải pháp vượt quá thẩm quyền của các Bộ, ngành cần nhanh chóng tổng hợp, báo cáo lên cấp có thẩm quyền.

Minh Phương/Báo Tin tức
Tập trung cao độ giải ngân đầu tư công cuối năm 2024
Tập trung cao độ giải ngân đầu tư công cuối năm 2024

Chỉ còn một tháng là kết thúc năm 2024, các tỉnh, thành Đông Nam Bộ đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công nhiều dự án, công trình trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN