Nhóm phân tích Hà Thu Hiền và Nguyễn Thanh Tuấn tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT) kỳ vọng, chỉ số giá hàng hóa thực phẩm sẽ duy trì xu hướng giảm, với giá trung bình của các sản phẩm giảm 6,1 - 6,7% so với cùng kỳ trong 2023, ngoại trừ dầu dừa và gạo.
Giá đầu vào thấp hơn giúp nhà sản xuất thịt và sữa cải thiện biên lợi nhuận gộp. VNDIRECT kỳ vọng giá thức ăn chăn nuôi sẽ hạ nhiệt dần từ quý II/2023, giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp của các nhà sản xuất thịt trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trong nước vẫn còn yếu.
Thực tế, giá lợn hơi trong nước đã giảm 6 tháng liên tiếp. Một số nguyên nhân khiến thịt lợn giảm thời gian gần đây như nguồn cung trong nước ổn định, thu nhập của người lao động giảm sút dẫn đến việc thắt chặt chi tiêu và dịch tả lợn châu Phi (ASF) bùng phát gần đây khiến người chăn nuôi phải bán tháo lợn với số lượng lớn, dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung trên thị trường.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng đàn lợn trong quý I/2023 tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi ASF vẫn xuất hiện ở 10 tỉnh.
VNDIRECT cũng cho rằng, giá bột sữa sẽ hạ nhiệt trong 2023, giảm 5% so với cùng kỳ do nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc giảm và nhu cầu tiêu thụ sữa trên toàn cầu có thể yếu trong ngắn hạn.
Giá bột sữa (USD/tấn) đã hạ nhiệt. Tính đến ngày 21/3/2023, giá bột sữa đã giảm 29,8% so với cùng kỳ và thấp hơn 32,1% so với mức đỉnh vào tháng 3/2022. VNDIRECT cho rằng, giá bột sữa sẽ tiếp tục giảm trong năm 2023 do cầu nhập khẩu tại Trung Quốc giảm và nhu cầu tiêu thụ sữa trên toàn cầu đang yếu trong ngắn hạn, trong khi sản lượng bột sữa được dự báo sẽ tăng trong năm 2023 nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi.
Do vậy, VNDIRECT kỳ vọng các nhà sản xuất thịt và sữa sẽ ghi nhận biên lợi nhuận gộp phục hồi trong 2023 khi áp lực từ chi phí nguyên vật liệu giảm bớt.
VNDIRECT cho rằng giá lợn sẽ tăng 5% so với cùng kỳ lên 59.000 đồng/kg vào năm 2023, nhờ giá thịt lợn Trung Quốc phục hồi khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Điều này có thể ảnh hưởng một phần đến giá trong nước và nguồn cung từ các hộ chăn nuôi giảm do giá lợn giảm trong thời gian gần đây.
Giá thành sản xuất trung bình của hộ chăn nuôi vào khoảng 55.000 đồng đến 60.000 đồng/kg thịt lợn. Do đó với mặt bằng giá lợn hơi hiện tại, VNDIRECT không kỳ vọng hộ chăn nuôi sẽ tái đàn mạnh trong ngắn hạn.
Với nhu cầu trong nước vẫn yếu trong nửa đầu năm 2023 (do thu nhập khả dụng giảm) và giá nguyên liệu thấp hơn, VNDIRECT chưa thấy chất "xúc tác" nào có thể khiến giá lợn hơi tăng mạnh, ít nhất là cho đến quý III/2023. Do đó, công ty chứng khoán này nhận định, doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất thịt niêm yết sẽ tăng trung bình 3,6% so với cùng kỳ trong năm 2023.
Trong khi đó, giá nông sản toàn cầu được cho là sẽ thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất thịt trong năm 2023; trong đó, ngô và khô đậu tương được dự báo giảm lần lượt 7,9% và 1,8% so với cùng kỳ trong năm 2023. Do giá thức ăn chăn nuôi trong nước tăng chậm hơn so với giá nông sản thế giới, chi phí thức ăn chăn nuôi có thể hạ nhiệt dần từ quý II/2023. Do đó, lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất thịt dự báo sẽ được cải thiện trong năm 2023.
Với doanh nghiệp sữa, nhu cầu nhập khẩu giảm tại Trung Quốc – khách hàng nhập khẩu bột sữa nguyên kem lớn nhất do nguồn cung nội địa dồi dào và hàng tồn kho lớn.
Theo Rabobank - một trong những ngân hàng hàng đầu thế giới về tài trợ nông nghiệp, nhập khẩu sữa của Trung Quốc trong quý I/2023 dự kiến sẽ giảm so với mức của quý I/2022 do do vẫn còn hàng tồn kho tích lũy trong năm qua.
Nhu cầu sữa trên thế giới có thể sẽ yếu đi trong ngắn hạn, khi giá lương thực đang lạm phát ở nhiều quốc gia. Trong khi đó, sản lượng bột sữa nguyên kem được dự báo sẽ tăng trong năm 2023.
Do đó, Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng giá bột sữa nguyên kem sẽ tiếp tục giảm và giao dịch ở mức thấp hơn 5% so với năm 2022. Bên cạnh đó, việc đồng USD hạ nhiệt gần đây là một thông tin tích cực đối với Việt Nam khi giảm bớt áp lực lên tỷ giá VND. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất sữa được kỳ vọng sẽ ghi nhận doanh thu tăng nhẹ đồng thời biên lợi nhuận gộp cải thiện đáng kể nhờ giá đầu vào giảm. Tuy nhiên, xu hướng tăng giá đường gần đây trên thế giới có thể tác động tiêu cực đến biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất sữa.
Thực tế, 2022 là một năm "ngọt ngào" với các doanh nghiệp mía đường. Giới phân tích cũng kỳ vọng, giá đường sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2023.
Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International dự báo nhu cầu đường sẽ tăng 1,7% so với cùng kỳ trong năm 2023.
Trong khi đó, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, sản lượng mía đường chế biến dự kiến của Việt Nam sẽ đạt 8.764.277 tấn, tăng 16,5% so với cùng kỳ và sản lượng đường đạt 870.930 tấn tăng 16,6% so với cùng kỳ trong năm 2023.
Các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ có ảnh hưởng rõ rệt hơn so với năm 2022, dẫn đến lượng đường nhập khẩu giảm trong khi tồn kho đường nhập khẩu giá rẻ trong năm 2022 đang giảm dần.
Do đó, giá đường nhập khẩu vào Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023. Tuy nhiên, đường nhập khẩu vẫn chiếm khoảng 70% tổng nguồn cung, đường nhập lậu có thể vẫn sẽ gây áp lực cạnh tranh lên giá đường trong nước.
VNDIRECT kỳ vọng giá đường toàn cầu trong 6 tháng năm 2023 sẽ được hỗ trợ bởi sản lượng đường thấp hơn dự kiến ở Ấn Độ và sản xuất đường ở châu Âu bị ảnh hưởng tiêu cực bởi thời tiết bất lợi, cùng đó các doanh nghiệp sản xuất mía đường Brazil dự kiến sẽ tiếp tục ưu tiên sản xuất ethanol thay vì đường do đợt tăng giá xăng gần đây. Giá đường Việt Nam sẽ diễn biến theo xu hướng của giá đường thế giới.
Tuy nhiên, VNDIRECT cũng nhận thấy đường Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh từ đường nhập lậu nên giá đường trong nước có thể chỉ tăng nhẹ 4,2% so với cùng kỳ trong 6 tháng năm 2023 lên 18.500 đồng/kg.
Bên cạnh đó, giá thu mua mía sẽ ổn định hơn so với năm 2022 nhằm khuyến khích người dân mở rộng diện thích trồng mía, đảm bảo nguồn cung nội địa.
Trong tháng 2/2023, tại Gia Lai đã xảy ra nhiều vụ cháy do mùa khô gây thiệt hại về sản lượng mía và thu nhập của người nông dân. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng ghi nhận diện tích trồng mía giảm trong những năm gần đây do nông dân chuyển sang trồng các loại cây ăn trái có lợi nhuận cao hơn.
VNDIRECT cho rằng các công ty chủ yếu sử dụng nguyên liệu mía trong nước như Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (mã chứng khoán: SLS) và Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (mã chứng khoán: LSS) sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ xu hướng tăng giá đường. Trong khi với các doanh nghiệp nhập khẩu đường thô để sản xuất đường RE như Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã chứng khoán: QNS) hay Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (mã chứng khoán: SBT), giá bán đường cao trong năm 2023 sẽ bù đắp phần nào cho giá đường thô nhập khẩu tăng.
Với doanh nghiệp gạo, giá xuất khẩu gạo được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023 do nhu cầu dự trữ lương thực ở nhiều quốc gia tăng, trong khi Ấn Độ chưa có kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm hay bỏ áp thuế 20% xuất khẩu gạo trắng trong năm 2023 khi họ vẫn đang nỗ lực kiềm chế đà tăng giá gạo trong nước.
Việt Nam đang tập trung sản xuất gạo chất lượng cao để phù hợp với xu hướng tiêu dùng toàn cầu và nhiều vùng trồng lúa đã chuyển sang các loại cây trồng khác có lợi hơn, điều này có thể dẫn đến giảm sản lượng gạo trong năm 2023.
Tuy nhiên, gạo Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với gạo Thái Lan trong năm 2023. Theo Hiệp hội doanh nghiệp xuất khẩu gạo Thái Lan, xuất khẩu gạo của Thái Lan sang Philippines dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2023 do Việt Nam đang phải đối mặt với những hạn chế về năng lực xuất khẩu gạo.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích đất nông nghiệp sử dụng cho niên vụ 2022-2023 tại Việt Nam đã giảm 3% so với niên vụ trước, dẫn đến nguy cơ sản lượng lúa giảm 1%, xuống 27 triệu tấn trong niên vụ 2023.
Ngược lại, Thái Lan có thể sẽ có một mùa thu hoạch bội thu trong năm nay. Trong niên vụ 2022-2023, Thái Lan dự kiến sản xuất khoảng 20,2 triệu tấn gạo, tăng từ 19 triệu tấn của niên vụ trước.
Như vậy, giá nông sản được cho là sẽ biến động trái chiều trong 2023. Giá đầu vào thấp hơn giúp nhà sản xuất thịt và sữa cải thiện biên lợi nhuận gộp. Trong khi đó, giá bán của đường và gạo vẫn tiếp tục neo cao, hứa hẹn sẽ tiếp tục là một năm tích cực với các doanh nghiệp sản xuất gạo và đường.