Giải bài toán “hụt” thu ngân sách Thủ đô 2013

Năm 2013, do phải “gánh” hệ lụy tồn dư của khó khăn kinh tế những năm trước, không có bàn đạp để tăng tốc, nên có thể nói đây là năm khó khăn gần mức “chạm đáy” của kinh tế Thủ đô. Trong đó, thu ngân sách được dự báo là khó khăn nhất và chắc chắn sẽ không đạt được chỉ tiêu đặt ra.


Nhiều lý do


Theo UBND TP Hà Nội dự báo, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2013 ước đạt trên 120.600 tỷ đồng, đạt 74,7% dự toán HĐND thành phố giao. Nếu tính cả khoản thu trên 16.000 tỷ đồng dự kiến Chính phủ, Bộ Tài chính xử lý thu cho thành phố Hà Nội, thì thu năm nay ước đạt gần 137.000 tỷ đồng, đạt 84,7% so với dự toán.

 

Người dân đến nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước quận. Ảnh: Hoàng Hùng – TTXVN

 

Việc thu ngân sách cả năm có nhiều khả năng không đạt, là do nhiều tác động khách quan. Đặc biệt, việc thành phố triển khai các giải pháp mạnh để cứu doanh nghiệp, vực dậy thị trường, ổn định an sinh xã hội đã ảnh hưởng không nhỏ đến các khoản thu vào ngân sách.

Mặt khác, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Hà Nội có 6.538 doanh nghiệp ngừng hoạt động, số nợ các khoản thu tăng so với năm ngoái. Cơ cấu thu ngân sách từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước, Trung ương chiếm trên 42% thu nội địa, nhưng lại phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế của các tập đoàn lớn.


Bên cạnh đó, thành phố thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn một số khoản thu, làm giảm thu ngân sách năm nay khoảng gần 8.000 tỷ đồng, trong đó giảm thu trên 3.700 tỷ đồng và chuyển sang thu năm sau là 4.190 tỷ đồng. Ngoài ra, dự toán thu do Chính phủ giao cho Hà Nội cao so với khả năng thực tế; dự toán thu nội địa tăng trên 30% so với thực hiện năm ngoái.


Một nguyên nhân khác nữa, năm 2012 do thực hiện một số khoản thu vượt so với số phát sinh thực tế, nên năm nay Hà Nội phải bù trừ. Cụ thể, thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 nộp thừa là 2.246 tỷ đồng.

Tiết kiệm chi


Trước tình hình khó khăn trên, Hà Nội đã tích cực chỉ đạo và có nhiều giải pháp mạnh và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm đến hết năm 2013. Thành phố và các quận, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo điều hành thu chi ngân sách và Ban chỉ đạo chống thất thu ngân sách và thu hồi nợ đọng thuế; thường xuyên bám sát tình hình thực tiễn, rà soát các nhiệm vụ, kịp thời triển khai các giải pháp cân đối thu chi ngân sách.


Thành phố coi trọng việc điều hành chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả và chặt chẽ; chỉ đạo các cấp thực hiện nghiêm nguyên tắc đảm bảo cân đối ngân sách và trong giới hạn dự toán thông qua. Đặc biệt, các đơn vị thực hiện triệt để tiết kiệm, quản lý chặt chẽ việc sử dụng ngân sách dự phòng, chỉ sử dụng để phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh và các vấn đề cấp bách phát sinh.


Đối với chi thường xuyên, không bổ sung các đề án, chương trình, ban hành các chính sách mới hoặc nâng định mức làm tăng chi ngân sách nhà nước khi chưa xác định được nguồn đảm bảo. Đối với chi đầu tư, cần tháo gỡ khó khăn, đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương triển khai dự án; thực hiện điều chỉnh, điều hòa vốn đầu tư xây dựng cơ bản để cân đối đảm bảo kinh phí giải phóng mặt bằng; đồng thời rà soát điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn, đảm bảo khả năng cân đối vốn đầu tư từ ngân sách của kế hoạch trung hạn 3 năm (2013 – 2015) của thành phố. Đặc biệt, Hà Nội đang tập trung cao độ xử lý triệt để nợ đọng xây dựng cơ bản, hạn chế tối đa việc ứng trước vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho các dự án”, đại diện lãnh đạo Hà Nội cho biết.


Song song đó, để cân đối ngân sách các cấp, đối với thu hụt ngân sách, thành phố sẽ thực hiện cân đối bằng cách: Sử dụng nguồn cải cách tiền lương chưa sử dụng; tiết kiệm 10% chi thường xuyên tăng thêm; sử dụng 50% dự phòng ngân sách thành phố năm 2013; kết dư ngân sách năm 2012 và 30% Quỹ dự trữ tài chính.


“Đối với trường hợp, sau khi thực hiện các giải pháp trên mà vẫn chưa đảm bảo cân đối, thành phố sẽ báo cáo với Bộ Tài chính cho tạm ứng vốn nhàn rỗi Kho bạc Nhà nước, hoặc tạm ứng từ Quỹ dự trữ tài chính khoảng 2.000 tỷ đồng và phát hành trái phiếu Thủ đô (ngoài phần huy động vốn để đầu tư 8 dự án trọng điểm đã có kế hoạch trước) để đảm bảo nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo dự toán HĐND thành phố thông qua với khoảng 5.000 tỷ đồng”, đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội khẳng định.

 

8 tháng đầu năm 2013, tổng thu ngân sách trên địa bàn Hà Nội đạt gần 80.000 tỷ đồng, đạt 49,5% dự toán; trong đó thu từ xuất nhập khẩu trên 7.000 tỷ; dầu thô 7.380 tỷ đồng; thu nội địa 65.578 tỷ đồng.

 

Nguyễn Văn Cảnh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN