Trên thị trường thế giới, ghi nhận vào sáng 10/7, giá dầu WTI được giao dịch ở mức 73,4 USD/thùng, dầu Brent 78,1 USD/thùng, tăng 2-3 USD/thùng so với hồi đầu tuần trước, đây là mức giá cao nhất đối với dầu Brent và dầu WTI kể từ đầu tháng 5 tới nay. Cả hai mặt hàng này đều đã ghi nhận mức tăng khoảng 5% trong tuần.
Theo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, trước xu hướng của giá xăng dầu thế giới, dự báo trong kỳ điều hành ngày 11/7, giá xăng, dầu có thể tăng khoảng 200 - 300 đồng/lít.
Trước đó, tại kỳ điều hành 3/7, giá xăng dầu trong nước đã giảm nhẹ và cơ quan điều hành cũng không sử dụng chi/trích lập quỹ bình ổn xăng dầu. Cụ thể, giá xăng E5RON92 giảm 408 đồng/lít, không cao hơn 20.470 đồng/lít. Giá xăng RON95 giảm 587 đồng/lít, không cao hơn 21.428 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diesel giảm 5 đồng/lít, xuống 18.169 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 30 đồng/lít, không cao hơn 17.926 đồng/lít và giá dầu mazut tăng 36 đồng/kg, không cao hơn 14.623 đồng/kg.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã trải qua 19 lần điều chỉnh, trong đó có 9 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên. Hiện dư địa quỹ bình ổn xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối tiếp tục dương lớn. Cập nhật đến ngày 21/6, Petrolimex dương 3.164 tỉ đồng, PVOil âm 38,2 tỉ đồng, Saigon Petro dương 331 tỉ đồng, Petimex dương 453 tỉ đồng...
Mới đây, Bộ Công Thương đã văn bản gửi Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính về một số dự báo xăng dầu trong quý III/2023. Trong đó, Bộ Công Thương đưa ra một số dự báo về mặt hàng này.
Theo Bộ Công Thương, tính tới kỳ điều chỉnh 21/6, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu giảm từ 29,65% đến 39,46% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặt bằng giá xăng dầu trong nước đang thấp hơn 29,7-39,5% so với cùng kỳ nửa đầu năm 2022. Cụ thể, giá xăng RON 95 hiện ở mức 21.420 đồng một lít, giảm 35%; dầu diesel ít hơn 39%, dầu hỏa ít hơn 37% và mazut khoảng 29%.
Bộ Công Thương dự báo giá nhiên liệu trong nước có thể tăng trở lại trong quý III khi giá thế giới đi lên. Theo dự báo của hãng tư vấn toàn cầu Wood Mackenzie, bình quân dầu thô thế giới ở mức 87-92 USD, tức giá thành phẩm khoảng 90-98 USD một thùng xăng, dầu diesel. Mức này giảm gần 13-23% so với cùng kỳ 2022, nhưng tăng khoảng 1-2% so với nửa đầu 2023.
Với kịch bản giá thành phẩm xăng dầu thế giới bình quân 90 USD một thùng, Bộ Công Thương tính toán một lít xăng E5 RON 92 ở mức 21.325 đồng, RON 95 là 21.597 đồng và dầu diesel 18.115 đồng.
Còn nếu giá thành phẩm thế giới 98 USD một thùng, giá dầu diesel ở mức 19.415 đồng một lít; E5 RON 92 là 22.657 đồng một lít. Còn giá xăng RON 95 là 23.049 đồng, đắt hơn hiện tại gần 2.000 đồng một lít, và tương đương ngưỡng giá tháng 11/2022.
Bộ Công Thương cho biết, sẽ cùng Bộ Tài chính điều hành, sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá linh hoạt, hạn chế biến động mạnh của giá trong nước so với giá thế giới (khi giá thế giới tăng cao). Việc này góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi kinh tế và khôi phục Quỹ bình ổn giá để có dư địa điều hành khi thị trường tiềm ẩn nhiều bất ổn, xu hướng giá tăng cao.