Giá vé máy bay tăng sau khi điều chỉnh giá dịch vụ hàng không?

Việc Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành điều chỉnh tăng mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không, đòi hỏi các hãng hàng không phải tính toán lại giá vé máy bay một cách phù hợp.

Hành khách làm thủ tục lên máy bay tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Theo theo đại diện các hãng hàng không, việc tăng phí dịch vụ tại các sân bay chắc chắn sẽ tác động đến giá vé máy bay của các hãng vì chi phí đầu vào tăng. Do vậy, giá vé máy bay dự kiến sẽ tăng lên và số lượng giá vé rẻ được các hãng tung ra cũng ít đi.

Cụ thể, đại diện hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air cho biết, hiện tại hãng chưa lên phương án tăng giá vé. Tuy nhiên, giá vé là cấu thành của tất cả các loại chi phí như thuế, phí. Do đó, khi thuế, phí tăng thì giá phải tăng là chuyện đương nhiên.

"Hãng khuyến khích hành khách nên mua vé trực tiếp qua mạng tránh mua ở những đại lý vé không chính thức để không bị mua vé với giá cao so với quy định của hãng”, đại diện Vietjet Air cho hay.

Còn đại diện Jetstar Pacific cho rằng, theo nguyên tắc vật lý thì “tăng cái này thì dẫn đến tăng cái khác”, khi chi phí cho thuế, phí tăng lên thì giá vé cũng phải được điều chỉnh tăng lên. Mặc dù vậy, nhưng với cách bán vé như hiện nay của hãng thì khi phí hàng không tăng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến mức giá vé bán ra của hãng.

Cụ thể, Jetstar Pacific đang bán 12 -13 mức giá, từ thấp đến cao; trong đó, sẽ có những giá vé bán dưới giá thành và có những giá vé bán trên giá thành. Ví dụ trong dải giá vé bán sẽ có vé giá chỉ từ 300.000 - 400.000 đồng cho đến vé có giá 3.000.000 đồng (mức giá trần). Như vậy, việc tăng phí này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến giá vé nhưng không nhiều, hãng có thể chỉ điều chỉnh giá vé bình quân lên một chút. Trong đó, dải vé rẻ sẽ chắc chắn bị điều chỉnh số lượng bán ít đi.

Trao đổi về hiện tượng một số đại lý vé máy bay bắt đầu có động thái tăng giá vé khi Bộ Giao thông Vận tải công bố mức giá dịch vụ hàng không trong thời gian tới, đại diện một hãng hàng không cho hay, hành khách nếu phát hiện đại lý nào của hãng mà tăng giá vé không đúng thì phản ánh về hãng để hãng có biện pháp xử lý. Về phía hãng cũng sẽ chủ động kiểm tra những thông tin trên để đưa ra những giải pháp xử lý.

“Phí hàng không sẽ được chia ra làm 2 loại; trong đó, có lệ phí sân bay, phí soi chiếu an ninh. Hai phí này đã được tách bạch trên hệ thống. Vì vậy, khi mua vé thì ngoài thuế giá trị gia tăng (VAT) ra thì những loại phí này sẽ được hiển thị trên hệ thống và đây là khoản thu hộ nhà chuyên trách”, đại diện một hãng hàng không lý giải và cho biết thêm.

Do đó, khi giá phí tăng thì giá này cũng được cập nhật tăng luôn, đại lý sẽ không thể nào lấy lý do để tăng các loại phí này. Khánh hàng căn cứ vào đúng giá vé quy định của hãng mà mua. Phía đại lý chỉ được thu một khoản duy nhất là khoản phí dịch vụ (khoản hoa hồng đại lý), phí này không được cao hơn hãng quy định cho đại lý.

Đại diện lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, các hãng hàng không phải tính toán lại, cơ cấu lại dải giá vé máy bay một cách phù hợp. Nhà nước tăng giá dịch vụ sân bay nhưng không nới trần giá vé máy bay. Bởi vậy, sẽ ít ảnh hưởng đến hành khách.

Bình luận về lý do tăng giá dịch vụ hàng không, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), mức giá dịch vụ hàng không hiện tại do Bộ Tài chính ban hành đều có sự hỗ trợ đối với vận tải hàng không trong nước.

“Trong khi đó, chất lượng dịch vụ và mức đầu tư nhà ga quốc nội gần như tương đương với quốc tế. Hơn nữa, theo thông lệ, mức giá này phải bằng ít nhất 50% giá phục vụ hành khách quốc tế”, ông Thanh cho hay.

Cũng theo ông Thanh, tình trạng tương tự cũng diễn ra với giá dịch vụ đảm bảo an ninh hàng không khi mức giá này hiện chỉ bù đắp 33 - 34% giá thành, tương đương 1,5 USD/khách.

“Với giá sân đỗ tàu bay, hiện ACV vẫn đang áp dụng cho thuê sân bay căn cứ theo tháng với mức thu chỉ đạt từ 2,5 - 7,4% so với giá sân đỗ quốc tế tính theo giờ, tùy từng phân loại tàu bay. Mức giá này cũng chỉ đáp ứng được 3,5 - 5,4% mức ACV thu hồi vốn đầu tư nếu đầu tư sân đỗ mới tại thời điểm hiện nay”, ông Thanh cho biết thêm.


Thực tế, theo Chủ tịch Hội đồng quản trị ACV, chính sách hỗ trợ phát triển vận tải hàng không trong nước những năm qua đã thúc đẩy ngành này phát triển. Tuy nhiên, chính sách này cũng tạo ra một số bất cập, trong đó gây ra sự mất cân bằng giữa vận tải hàng không so với các hình thức vận tải khác.

Liên quan đến những lo ngại về đề xuất tăng giá như vậy có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều hãng hàng không, ông Thanh thông tin: Thời gian qua, các hãng hàng không trong nước có rất nhiều thuận lợi nhờ giá nhiên liệu hàng không giảm và giữ ổn định trong thời gian dài, lượng hành khách nội địa tăng trưởng cao liên tục trong giai đoạn gần đây và mức giá dịch vụ phải trả rất thấp.

Theo tính toán, nếu áp dụng các mức thu mới của Bộ Giao thông Vận tải, các hãng hàng không như Vietnam Airlines sẽ phải tăng chi phí 87,75 tỷ đồng, Vietjet Air 55,41 tỷ đồng và Jetstar Pacific Airlines là 18,38 tỷ đồng. Giả sử, toàn bộ chi phí của hãng hàng không tăng thêm (161,53 tỷ đồng) được phân bổ vào giá vé máy bay thì chi phí cho một vé sẽ tăng 4.531 đồng. Trong khi đó, giá phục vụ hành khách và bảo đảm an ninh hành khách quốc nội bình quân của 1 hành khách tăng 25.854 đồng. Như vậy, tổng chi phí hành khách phải trả thêm cho 1 vé máy bay là 30.385 đồng.

Nhấn mạnh khả năng tăng giá vé máy bay sau đợt điều chỉnh này là rất thấp, người đứng đầu ACV lý giải: Ước tính, theo quyết định mới của Bộ Giao thông Vận tải, các hãng hàng không dự kiến sẽ phải tăng chi hơn 161,53 tỷ đồng/năm, tương đương 4.531 đồng/hành khách (chiếm tỷ lệ 0,1% giá vé máy bay). Với tỷ lệ như vậy, không đủ để hãng hàng không có lý do điều chỉnh tăng giá vé máy bay. Về phía hành khách, chi phí sẽ tăng khoảng 30.300 đồng/người.

“Nhìn chung, tác động của sự điều chỉnh giá dịch vụ hàng không đến hành khách không đáng kể và tác động đến hãng hàng không với tỷ trọng nhỏ so với lợi nhuận trong khi dư địa phát triển của các hãng hàng không còn rất lớn. Trong khi đó, với ACV, nguồn doanh thu bổ sung do tác động từ sự điều chỉnh giá là rất cần thiết, góp phần giải bài toán tìm nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng bình quân 5.561 tỷ đồng/năm”, ông Thanh khẳng định.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc các hãng tăng giá vé, phí ở mức bao nhiêu, thời điểm nào cần phải thông báo công khai. Khách mua vé máy bay hiện này phần nhiều không thể nắm được các mức phí, thuế vì giá vé không cố định, chưa kể họ cũng không thể biết phí có thay đổi, vì cơ cấu giá vé gồm nhiều khoản.

Quang Toàn (TTXVN)
Vietjet - Nhà vận chuyển hàng không chính thức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017
Vietjet - Nhà vận chuyển hàng không chính thức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017

Vietjet đồng hành cùng Hoa Hậu Hoàn Vũ Việt Nam năm thứ hai liên tiếp và là Nhà vận chuyển hàng không chính thức của cuộc thi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN