Tại Phú Quý, nếu như trong phiên sáng 7/8, giá vàng miếng SJC niêm yết ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh là 41 – 41,5 triệu đồng/lượng (tăng 650.000 đồng/lượng bán ra so với cuối phiên giao dịch ngày 6/8) thì cuối giờ chiều, vàng lại tăng tiếp, giao dịch ở mức 41,15 - 41,60 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Cuối giờ chiều 7/8, tại Hà Nội, giá vàng miếng SJC được Phú Quý niêm yết ở mức 41,15 - 41,60 triệu đồng/lượng (tăng 650.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều ngày 6/8). Trong khi đó phiên sáng 7/8, giá vàng mua vào - bán ra ở mức 41 - 41,5 triệu đồng/lượng.
Tại hệ thống Bảo Tín Minh Châu chốt phiên chiều nay, giá vàng Rồng Thăng Long giao dịch là 41,14 - 41,69 triệu đồng/lượng (tăng 630.000 đồng/lượng mua vào và tăng 680.000 đồng/lượng bán ra so với chốt phiên 6/8). Giao dịch buổi sáng 7/8 là 40,96 - 41,56 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra). Chốt phiên chiều nay, giá vàng SJC giao dịch tại Bảo Tín Minh Châu 41,17 – 41,60 triệu đồng/lượng, tăng 610.000 đồng mua vào và tăng 700.000 đồng/lượng bán ra so với chốt phiên ngày 6/7.
Theo ông Phạm Hải Âu, nếu như cách đây hơn 1 tháng, giá vàng giao dịch ở ngưỡng 39 - 40 triệu đồng/lượng, nhiều người đã đem vàng bán để lấy lời do đã mua từ rất lâu. Và khi giá vàng đạt mức 41 triệu đồng/lượng, người dân lại có xu hướng mua vào.
“Nếu mua vàng để tích trữ thì mức giá nào cũng hợp lý bởi đó là tài sản. Nhưng nếu mua để đầu cơ thì hiện với việc chênh lệch giữa giá mua vào - bán ra, người ‘ôm vàng’ không có lợi nhuận nhiều trong khi rủi ro lại cao”, ông Phạm Hải Âu nói.
Tại các chi nhánh của Bảo Tín Minh Châu, lượng khách đến giao dịch ngày 7/8 khá đông. Theo ghi nhận của các nhân viên cửa hàng, 70% khách mua vào và 30% khách bán ra.
Trong phiên giao dịch ngày 7/8, giá vàng thế giới đã “xuyên thủng” ngưỡng 1.500 USD/ounce vào lúc 14 giờ 49 phút (theo giờ Việt Nam). “Giá vàng trong nước đang tăng theo giá vàng thế giới do giới đầu tư dồn dập đổ tiền vào các kênh đầu tư an toàn sau khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ với việc Bắc Kinh thả cho đồng Nhân dân tệ (NDT) giảm mạnh xuống dưới ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD.
“Giá vàng trong nước và thế giới tăng mạnh có lẽ bắt nguồn từ khủng hoảng thương mại thế giới giữa Mỹ và Trung Quốc. Hiện nay, căng thẳng giữa hai quốc gia này vẫn đang leo thang và chưa có hướng giải quyết nào. Trung Quốc đã phá giá đồng NDT vượt mức mức báo động đỏ là 7 nhân dân tệ/USD. Tình huống này cho thấy rõ ràng khủng hoảng Mỹ – Trung Quốc có tác động rất mạnh đối với giá vàng. Trong 3 tháng qua, mức phá giá đồng NDT khoảng 4%. Trong thời kì khủng hoảng như vậy, nhà đầu tư luôn tìm đến vàng như một kênh trú ẩn an toàn”, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nói.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất vừa qua cũng là yếu tố làm tăng giá vàng, động thái này làm giảm sự hấp dẫn của đồng bạc xanh và nhà đầu tư chuyển sang vàng. Chính vì thế đây cũng có thể xem là yếu tố hỗ trợ giá vàng tăng nhanh và mạnh. Dự báo giá vàng thế giới tiếp tục còn tăng hơn nữa. Kéo theo đó, giá vàng trong nước có thể chạm mức 45 triệu đồng/lượng.
Nhưng chừng nào tăng và đạt được ngưỡng đó - theo ông Nguyễn Trí Hiếu thì rất khó để đoán định. Đây là thời điểm được xem là "thú vị" để đầu tư vào vàng nhưng vẫn đảm bảo theo nguyên tắc “Không nên bỏ tất cả trứng vào một rổ”. Thay vào đó, nhà đầu tư nên đa dạng danh mục, nhiều lắm cũng chỉ nên dành 1/3 số tiền nhàn rỗi cho vàng, còn lại là đầu tư các loại hình khác như chứng khoán, bất động sản, gửi tiết kiệm… Ngoài ra, nhà đầu tư cần theo dõi thường xuyên biến động giá vàng bởi không có gì đảm bảo chắc chắn giá cứ lên mãi.