Trang sức bằng vàng được bày bán tại một cửa hàng ở thành phố Thao Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cụ thể, tại thị trường New York vào lúc lúc 4 giờ 17 phút (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay đã tăng 0,6% lên 1.159,06 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn giao tháng 2/2017 tăng 0,9% và chốt phiên ở mức 1.162 USD/ounce.
Kim loại quý này đã giảm hơn 12% trong quý IV/2016 khi chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng Mười một đã đẩy đồng USD đi lên và làm tằng lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ. Điều này khiến cho vàng - vốn được định giá bằng “ đồng bạc xanh” - trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Bên cạnh đó, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong năm nay sẽ tiếp tục tạo đà đi lên cho đồng USD và tăng áp lực giảm đối với giá vàng, thường được coi là tài sản an toàn trong thời kỳ kinh tế bất ổn. Trong phiên này, chỉ số USD - thước đo sức mạnh đồng USD so với giỏ sáu đồng tiền chủ chốt trên thế giới - tăng 0,91 điểm lên 103.23.
Hiện thị trường đang chờ đợi báo cáo việc làm của Mỹ trong tháng 12/2016, dự kiến sẽ được công bố vào ngày 6/1 tới. Nếu báo cáo này tệ hơn dự kiến thì sẽ là một tin tốt đối với vàng và sẽ giúp kim loại này tiếp tục đà tăng trong thời gian tới.
Giá dầu giảm do đồng USD mạnh lên
Trong phiên giao dịch ngày 3/1, giá dầu thế giới giảm do đồng USD tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2002.
Tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 2/2017 giảm 1,39 USD xuống 52,33 USD/thùng vào lúc kết thúc phiên giao dịch. Giá dầu Brent giao tháng 3/2017 cũng giảm 1,35 USD xuống 55,47 USD/thùng tại thị trường London.
Andrew Lipow, chủ tịch công ty tư vấn năng lượng Lipow Oil Associates ở Houston, cho biết đồng USD mạnh chắc chắn gây áp lực lên giá dầu.
Đồng USD chạm mức cao nhất trong 14 năm qua so với các đồng tiền khác sau khi số liệu mới công bố cho thấy hoạt động chế tạo của Mỹ đã tăng cao hơn dự kiến trong tháng 12/2017.