Cụ thể, thời điểm 8 giờ 58 phút, tại thị trường Hà Nội, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 72 - 75 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giữ nguyên giá ở chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tương tự, Tập đoàn Vàng Bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 71 - 75 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giữ nguyên giá ở chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Còn Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 72,5 - 75,52 triệu đồng/lượng, tăng 500 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Giá vàng thế giới, tại thị trường châu Á đi lên trong phiên giao dịch đầu năm mới 2024, được hỗ trợ bởi triển vọng cắt giảm lãi suất từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Trong khi đó, các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi một loạt dữ liệu kinh tế quan trọng trong tuần này để nắm bắt rõ hơn triển vọng lãi suất của Mỹ.
Sáng phiên giao dịch 2/1, tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay tăng 0,3%, lên mức 2.068,29 USD/ounce. Giá vàng đã tăng 13% vào năm 2023, đạt mức tăng hàng năm đầu tiên kể từ năm 2020.
Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ cũng tăng 0,3% trong đầu phiên này, lên 2.077,40 USD/ounce.
Trọng tâm của tuần này sẽ là biên bản cuộc họp tháng 12 của Fed, dự kiến sẽ được công bố vào ngày 4/1, giúp giới đầu tư có thêm manh mối về khả năng ngân hàng này sẽ cắt giảm trong năm nay. Bên cạnh đó, dữ liệu về cơ hội việc làm tại Mỹ và thị trường việc làm tháng 12/2023 cũng sẽ được theo dõi chặt chẽ trong tuần này.
Tại cuộc họp chính sách tháng 12 vừa qua, Fed đã bày tỏ thái độ ôn hòa bất ngờ và dự báo sẽ giảm lãi suất 0,75 điểm phần trăm vào năm 2024.
Theo CME FedWatch, các thị trường hiện đang định giá 86% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 3/2024. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, vốn là tài sản không sinh lời và đè nặng lên đồng USD, khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.