Tác động tới các doanh nghiệp nhập khẩu
Trong 2 ngày qua (ngày 15 - 16/9), tỷ giá trung tâm và tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục tăng mạnh trở lại. Cụ thể ngày 15/9, tỷ giá USD đã có kỳ tăng liên tiếp trong 2 tuần qua và cao nhất trong 3 năm với mức 23.740 đồng/USD. Tỷ giá tại các ngân hàng thương mại đã tăng liên tục trong tháng 8/2022 nên ngày 7/9, NHNN đã nâng tỷ giá bán USD tại Sở giao dịch lên mức 23.700 đồng/USD (từ mức 23.400 đồng/USD). Mức độ tăng và điểm đến mới nói trên là khá cao so với mức cũ nhưng không quá lớn so với thực tế biến động trên thị trường thời gian gần đây. Trong vòng 5 tháng qua, đây là lần tăng giá bán USD thứ 3 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Trao đổi với phóng viên báo tin tức chiều 17/9, PGS TS Đinh Trọng Thịnh (Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính), chuyên gia kinh tế tài chính cho biết: Để kiểm soát lạm phát, FED thường sử dụng lãi suất làm công cụ chính. Với việc tăng lãi suất liên tục, FED đang mong muốn các hoạt động kinh tế chậm lại để lạm phát được giảm từ từ.
“Để kìm giữ lạm phát rất cao, FED cùng các ngân hàng Trung ương của nhiều nước phát triển đã tăng lãi suất điều hành của nền kinh tế. Từ đó làm cho lãi suất đồng USD tăng rất cao so với nhiều năm trước. Theo dữ liệu từ trang MarketWatch, USD Index có lúc đạt 110,75 điểm, cao nhất kể từ năm 2002. Việc USD tăng giá mạnh đồng nghĩa với sự mất giá của các đồng tiền khác, đẩy giá nhập khẩu hàng hoá đặc biệt là giá lương thực - thực phẩm và xăng dầu ở nhiều quốc gia tăng cao”, ông Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Theo một số chuyên gia kinh tế, với giới đầu tư ngắn hạn, giá USD là cơ sở tính toán với khoản đầu tư khác. Việc đồng USD đang tăng giá thời gian qua giúp nhiều doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng như: Da giày, dệt may, linh kiện điện tử, thủy sản... có thêm lợi thế trên thị trường vì phần lớn các đơn hàng, giao dịch đã được ký kết từ trước. Tuy nhiên lại gây bất lợi đối với doanh nghiệp nhập khẩu do phải nhập hàng với giá cao.
Trước thực trạng này, ThS Phan Minh Hòa - Giảng viên Kinh tế Đại học RMIT khuyến nghị: Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần liên tục theo dõi những biến động tỷ giá và cập nhật tình hình lạm phát, lãi suất, tác động của dịch bệnh COVID-19 hay căng thẳng Nga - Ukraina. Từ đó, doanh nghiệp có thể chủ động lựa chọn thị trường xuất, nhập khẩu và đa dạng hóa sự lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi.
Còn ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Ban đại diện Quỹ đầu tư A+ nhận định: Giá USD tăng sẽ làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu, có thể gây ra tình trạng chuyển dịch dòng vốn từ VND sang USD, làm giảm cán cân thanh toán, trực tiếp ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế do các khoản đầu tư và tiêu dùng trong nước giảm. Chưa kể, nếu lạm phát tăng cao sẽ nguy cơ, khiến mọi chi phí trở nên đắt đỏ hơn, ảnh hưởng đến chất lượng đời sống, làm tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Những yếu tố trên sẽ tạo áp lực lên NHNN về nhu cầu tăng lãi suất cơ bản, từ đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tài sản mang tính rủi ro như cổ phiếu, do các doanh nghiệp sẽ phải trả mức chi phí lãi vay lớn hơn, trong khi tăng trưởng có nguy cơ chậm lại.
Đại diện Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết: Những yếu tố gây sức ép lên tỷ giá USD/VND trong những tháng đầu năm gồm diễn biến tăng cao của đồng USD và kỳ vọng thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh và mạnh của Fed đã phần nào hạ nhiệt. Tuy nhiên, cũng vì áp lực lớn trong những tháng đầu năm, bộ đệm dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang suy giảm và triển vọng cán cân thanh toán đã không còn tích cực như trước trong bối cảnh xuất khẩu suy giảm khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu đi.
“Chúng tôi cho rằng sức bền của các yếu tố đệm này sẽ bị thử thách trong những tháng cuối năm, kỳ tăng lãi suất của FED trong cuộc họp tháng 9/2022 sẽ là phép thử quan trọng. Trong kịch bản cơ sở, chúng tôi kỳ vọng đà mất giá của đồng VND sẽ chững lại trong thời gian còn lại của năm 2022 nhưng áp lực có thể trở lại trong đầu năm 2023”, chuyên gia VDSC đánh giá.
VND dự báo sẽ không mất giá quá 3%
Với việc Việt Nam vẫn duy trì được kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, lãi suất thực còn dương và thặng dư thương mại, VND được một số chuyên gia tài chính dự báo: Sẽ không mất giá quá 3% trong năm 2022.
So với cuối tháng trước, tính tới cuối tháng 8/2022, đồng VND tiếp tục giảm 0,37% so với đồng USD. So với cuối năm 2021, đồng VND cũng đã giảm 2,64% so với cùng kỳ. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, chỉ số đồng USD (DXY) tăng thêm 3,13% so với tháng trước và 13,73% từ đầu năm đến nay.
Theo Công ty chứng khoán (CTCK) Bảo Việt (BVSC), áp lực mất giá hiện tại của đồng VND chủ yếu do đồng USD lên giá, trong khi Việt Nam vẫn duy trì được kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, lãi suất thực còn dương và thặng dư thương mại. Do đó, BVSC duy trì dự báo, với sức mạnh nội tại cùng các biện pháp điều hành linh hoạt của NHNN, đồng VND sẽ không mất giá quá 3% năm 2022.
Các chuyên gia của SSI Research nhấn mạnh: “Về cuối năm, chúng tôi kỳ vọng nguồn cung ngoại tệ sẽ tích cực hơn theo yếu tố mùa vụ, đến từ hoạt động xuất - nhập khẩu và kiều hối. Năm 2022, sức ép lên tỷ giá vẫn còn và có thời điểm VND có thể mất 2,5 - 3% so với USD nhưng có thể tình hình sẽ dịu bớt vào cuối năm khi đà tăng lãi suất của Fed có thể đi vào giai đoạn cuối và rủi ro về tăng trưởng hoặc lạm phát của kinh tế thế giới có thể được nhìn nhận rõ ràng hơn”.
Theo Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, nhiều khả năng lạm phát năm nay sẽ ở mức 3,8 - 4,2% như dự báo. Với mức lạm phát này, tỷ giá hối đoái sẽ biến động ở mức 2% - 2,5%, tức là chỉ xoay quanh mức như hiện nay.
“Trong trường hợp có biến động lớn về tỷ giá, NHNN sẽ có một lượng dự trữ ngoại tệ làm cho tỷ giá trở lại ổn định như chúng ta đã làm trong hai quý gần đây”, TS Lê Xuân Nghĩa bày tỏ. Để chủ động ứng phó với tỷ giá, ông Nghĩa cũng khuyến nghị doanh nghiệp nên chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa VND và các đồng tiền thanh toán ngoại thương để lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi nhất.
“NHNN cố gắng giữ ổn định giữa tỷ giá USD và VND và vị thế của VND vẫn đang mạnh hơn so với đồng đồng Yên, đồng bảng Anh, đồng Euro. Thị trường tài chính Việt Nam vẫn ổn định thúc đẩy các nhà đầu tư vào nền kinh tế của Việt Nam. Dòng tiền mới từ nhà đầu tư nước ngoài ngoài đổ vào thị trường chứng khoán, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn tăng thể hiện Việt Nam vẫn là điểm đến tốt của giới đầu tư”, PGS TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Về các biện pháp ổn định tỷ giá, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết: Từ đầu năm 2022 thị trường quốc tế diễn biến phức tạp, FED tăng lãi suất làm đồng USD quốc tế tăng giá, khiến cho đồng tiền của nhiều nền kinh tế lớn và đang phát triển mất giá mạnh. Trong bối cảnh đó, NHNN điều hành tỷ giá theo hướng vừa tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt, hấp thụ các cú sốc bên ngoài, vừa can thiệp thị trường ngoại tệ để hạn chế biến động quá mức của tỷ giá nhằm góp phần bình ổn thị trường ngoại tệ.
Thời gian tới, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt tỷ giá, thông qua việc phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ của chính sách tiền tệ. Với dự trữ ngoại hối được tích lũy nhiều năm qua, NHNN đủ tiềm lực sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết để bình ổn thị trường và tỷ giá.
Clip PGS TS Đinh Trọng Thịnh (Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) chia sẻ tác động của giá USD tăng tác động tới các doanh nghiệp xuất nhập khẩu: