Giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm tăng 2,64%, thấp nhất trong vòng 3 năm

Việc điều chỉnh tăng giá điện sinh hoạt và nhu cầu tiêu dùng điện tăng mạnh do thời tiết nắng nóng, góp phần làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội sáng ngày 28/6 tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết: Quý II/2019, CPI tăng 0,74% so với quý trước và tăng 2,65% so với cùng kỳ năm 2018.

"CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 2,64% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là mức tăng bình quân 6 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây", ông Lâm cho hay.

Chú thích ảnh
Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại siêu thị.

Đại diện Tổng cục Thống kê lý giải các nguyên nhân làm tăng CPI, trong đó có việc giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 6 tăng 1,98% so với tháng trước và tăng 1,74% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá USD tháng 6 cũng tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 2,52% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán tăng cao vào hai tháng đầu năm làm cho giá một số mặt hàng tiêu dùng thuộc nhóm thực phẩm, dịch vụ ăn uống, đồ uống, dịch vụ giao thông công cộng, dịch vụ du lịch… tăng.

Bình quân 6 tháng đầu năm 2019 so cùng kỳ năm trước, giá thực phẩm tăng 5,4%; trong đó, riêng giá thịt lợn tăng 14,85% làm cho CPI chung tăng khoảng 0,62% so với cùng kỳ năm trước. Giá các mặt hàng đồ uống, thuốc lá, quần áo may sẵn, dịch vụ giao thông... đều tăng.

Không thể không kể đến việc điều chỉnh tăng giá điện sinh hoạt cùng với nhu cầu tiêu dùng điện tăng vào dịp Tết và trong quý II/2019 khi thời tiết nắng nóng đã làm cho giá điện sinh hoạt 6 tháng đầu năm 2019 tăng 5,84% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều yếu tố khác cũng được Tổng cục Thống kê liệt kê vào nhóm tăng giá trong 6 tháng đầu năm như giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở, giá sách giáo khoa...

Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số yếu tố kiềm chế CPI 6 tháng đầu năm 2019 là giá xăng dầu trong nước, giá gas.

Hoàng Dương/Báo Tin tức
Tăng giá điện, xăng dầu khiến CPI tháng 5 tăng
Tăng giá điện, xăng dầu khiến CPI tháng 5 tăng

Theo Tổng cục Thống kê, do xăng dầu và điện tăng giá mạnh cùng ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,49% so với tháng trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN