Thị trường ổn định sau tăng lương

Giá thực phẩm ổn định

Từ tháng 7, lương tối thiểu tăng cùng với tăng giá gas. Giá xăng cũng tăng gần 400 đồng/lít. Trước diễn biến này, người tiêu dùng lo ngại sẽ có đợt tăng giá đối với các mặt hàng lương thực thực phẩm. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên tại thị trường TP Hồ Chí Minh, Hà Nội cho thấy, hiện giá cả các mặt hàng này vẫn ổn định, cước vận tải cũng chưa tăng.

Các loại thực phẩm chưa tăng giá sau đợt tăng lương tối thiểu ngày 1/7. Ảnh: Lê Phú

 

Qua khảo sát tại các chợ bán lẻ và chợ đầu mối trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và Hà Nội cho thấy, giá một số loại rau củ, thịt gia súc gia cầm vẫn ổn định so với tháng trước.

 

Giá không tăng do sức mua yếu


Tại TP Hồ Chí Minh, cà chua vẫn giữ giá 14.000 đồng/kg, cải xanh, rau muống 12.000 đồng/kg, bí đỏ 15.000 đồng/kg... Tương tự, các loại thực phẩm tươi sống cũng vẫn giữ giá ổn định: thịt lợn ba chỉ, thịt đùi có giá dao động từ 80.000 - 85.000 đồng/kg, sườn non 100.000 - 130.000 đồng/kg, thịt thăn bò giá 200.000 - 280.000 đồng/kg, cá nục 60.000 đồng/kg, cá thu 130.000 đồng/kg...


Theo các tiểu thương, sở dĩ mức giá được giữ ổn định là do hiện nay sức mua yếu, thậm chí tiểu thương còn giảm giá để bán được hàng.


Bên cạnh đó, tại các chợ đầu mối về rau củ, thực phẩm tươi sống tại TP Hồ Chí Minh như chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, chợ đầu mối Bình Điền (Hóc Môn)... hiện cũng chưa có sự biến động nào về giá cả.


Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết, lượng hàng về chợ đầu mối vẫn dồi dào, ổn định nhưng sức mua giảm khoảng 20 - 30% nên không có sự tăng giá đột biến.


Tại Hà Nội, các mặt hàng tại các chợ đầu mối vẫn đứng giá, còn các chợ bán lẻ, giá các mặt hàng đang nhích dần. Chị Lan, một nhân viên nhà bếp, đều đặn ngày nào cũng mua hàng tại chợ đầu mối trên đường Chiến Thắng (quận Hà Đông) cho biết: Từ nhiều ngày nay, giá rau quả và các loại thịt, cá vẫn không tăng, trừ mặt hàng trứng. Cụ thể, giá trứng vịt tăng từ 3.000 lên 3.500 đồng/quả.


Tại một số chợ như Kim Giang, Đại Từ (quận Hoàng Mai), giá cả các mặt hàng thực phẩm cũng rục rịch tăng khoảng một tuần nay. Trước, các loại rau từ 3.000 đồng/mớ nay tăng lên 4.000 đồng/mớ; bí đỏ từ 7.000 đồng/kg nay 12.000 đồng/kg; mướp đắng tăng từ 8.000 đồng lên 10.000 đồng/kg. Các chủ cửa hàng giải thích, giá rau tăng là do nắng nóng. Thịt gia cầm, cá, thịt lợn cũng tăng giá, tuy nhiên, mức tăng không nhiều. Cụ thể, vịt nguyên lông tăng từ 40.000 đồng lên 55.000 đồng/kg; thịt gà từ 65.000 đồng lên 75.000 đồng/kg; thịt lợn ba chỉ từ 80.000 đồng lên 90.000 đồng/kg. Cá rô phi từ 35.000 đồng lên 45.000 đồng/kg.

 

Ngăn “té nước theo mưa”


Đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho hay, nhìn chung, sức mua của thị trường còn yếu nên các mặt hàng chưa thể tăng giá. Sắp tới để hạn chế tình trạng “té nước theo mưa”, sở đã chỉ đạo các ban ngành tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát khi có đột biến về giá cả. Khu vực nào sốt hàng, tăng giá, sở sẽ đưa hàng bình ổn tới để ổn định thị trường. Hiện, lượng hàng hóa tham gia chương trình bình ổn giá khá dồi dào, giá cả những mặt hàng này cũng ổn định, các điểm bán hàng bình ổn đang ngày được nhân rộng trên địa bàn TP.


Hiện, chương trình bình ổn giá đã tổ chức được 7.317 điểm bán, trong đó chỉ tính riêng mặt hàng lương thực thực phẩm đã có 3.062 điểm bán (52 điểm bán sâu trong ngõ hẻm phục vụ tận nơi cho người dân). Đến nay, tất cả 24 quận, huyện đều đã có siêu thị, cửa hàng văn minh tiện ích bán hàng bình ổn giá, hàng bình ổn giá cũng đã đến các khu công nghiệp - khu chế xuất và 19 bếp ăn tập thể phục vụ khoảng 70.000 công nhân.


Tại Hà Nội, UBND thành phố cũng yêu cầu các doanh nghiệp, quận, huyện chủ động đưa hàng bình ổn vào các bếp ăn tập thể, tổ chức đưa hàng về nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn.


Mặt hàng thiết yếu tham gia cân đối cung cầu, ổn định giá cả năm 2013 của Hà Nội gồm: gạo tẻ, thịt lợn, thịt gà, trứng gà, trứng vịt, thủy hải sản tươi, đông lạnh, dầu ăn, rau, củ, thực phẩm chế biến, đường ăn, giấy vở học sinh. Khi thị trường có biến động kéo dài tối thiểu 15 ngày liên tục và mức tăng 15% trở lên so với giá thị trường trước khi có biến động, doanh nghiệp sẽ bán theo giá đăng ký.

 

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm ước đạt 288.912 tỷ đồng, tăng 11% (cùng kỳ tăng 21%); nếu loại trừ yếu tố biến động giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 8,1% (cùng kỳ tăng 8,9%). Lượng hàng hóa khá dồi dào, nguồn cung đảm bảo, sức tiêu thụ hàng hóa của người dân đang dần được cải thiện, nguyên nhân chủ yếu do mặt bằng giá cả năm 2013 tăng thấp.

 

H.Tuyết - Đ.Phương - T.Hiếu - M.Minh

Cước vận tải chưa tăng

Sau mỗi lần giá xăng dầu tăng, giá các mặt hàng khác thường tăng theo; trong đó, bị tác động mạnh, ảnh hưởng trực tiếp là ngành vận tải. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay, cước vận tải tại các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội vẫn chưa tăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN