Giá thu mua thấp, nguy cơ mất vùng nguyên liệu mía cho những năm sau

Với việc gia nhập vào Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), cùng với việc các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội thâm nhập thị trường rộng lớn các nước ASEAN là sự cạnh tranh gay gắt về giá cả hàng hóa đầu ra. Và mặt hàng đường là một trong những sản phẩm đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt nhất và phải đối mặt với nhiều thách thức.

Chú thích ảnh
Mặt hàng đường là một trong những sản phẩm đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt nhất và phải đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh: TTXVN

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong 9 tháng năm 2018, cả nước chỉ tiêu thụ được hơn 1 triệu tấn đường, lượng đường tồn kho tại các nhà máy đường trong cả nước khoảng 600.000 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước hơn 60.000 tấn; trong đó, giá bán đường biến động theo chiều hướng giảm mạnh và hiện đang ở mức thấp nhất trong những năm gần đây.

Cụ thể, giá đường tinh luyện hiện nay chỉ dao động từ 10.500 – 11.500 đồng/kg. So với niên vụ trước, giá đường giảm bình quân từ 3.000 - 5.000 đồng/kg và hệ lụy là giá thu mua nguyên liệu mía niên vụ 2018-2019 dự kiến sẽ giảm mạnh.

Theo kế hoạch giá thu mua của các nhà máy đường, giá nguyên liệu mía sẽ tiếp tục giảm khoảng 200.000 đồng/tấn so với niên vụ 2017-2018, tức dự kiến dao động từ 700.000 - 800.000 đồng/tấn.

Ông Phạm Trí Tuệ, ngụ phường 3, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh cho biết, gia đình ông đang trồng 70 ha mía tại Tây Ninh và Campuchia; hiện giá thành sản xuất mía dao động khoảng từ 750.000 - 800.000 đồng/tấn mía nguyên liệu. Trong khi đó, hiện Nhà máy đường Nước Trong (thuộc Tập đoàn Thành Thành Công) chỉ thu mua mía nguyên liệu đầu vào với giá 700.000 đồng/tấn loại 10 chữ đường, nông dân trồng mía đang phải chịu lỗ nặng. 

“Với giá như thế này thì sang năm sau chắc tôi cũng sẽ không trồng mía, bởi nếu trồng mía hiện nay chữ đường bình quân ở Tây Ninh chỉ đạt khoảng hơn 9 chữ đường, tính ra người nông dân chỉ thu được khoảng 650.000/tấn mía nguyên liệu. Trong khi đó, chi phí tiền công đốn chặt, vận chuyển hiện nay rất cao, khoảng 320.000 - 330.000 đồng/tấn (chiếm 50% số tiền mía nông dân bán cho nhà máy) người nông dân vốn đã lỗ càng thêm lỗ”, ông Tuệ chia sẻ.

Ông Tuệ cũng cho biết, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, thu hoạch mía hiện nay ở Tây Ninh vẫn chưa có hiệu quả do không phù hợp với mô hình trồng mía của nông dân Tây Ninh. Các máy móc tiên tiến nhập khẩu về Việt Nam quá lớn, không phù hợp, trong khi giá mua máy quá cao, gần 10 tỷ đồng/máy, người dân không đủ khả năng đầu tư. Còn về giống mía, hiện nay chưa có bộ giống mía chuẩn, chủ yếu là giống nhập khẩu từ Thái Lan, mà một số giống hiện nay đã thoái hóa nên chữ đường không cao, chất lượng, năng suất thấp. Giống mía do Việt Nam lai tạo lại không phù hợp với một số cánh đồng ở Tây Ninh, chỉ phù hợp trồng trên đất vùng cao, còn ở Tây Ninh chủ yếu đất thấp.

Theo ông Nguyễn Quốc Thế, nông dân sản xuất mía tại thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, nếu người dân cứ tiếp tục chạy theo xu hướng khi cây mía giá cao đổ xô trồng, giá thấp lại mạnh tay phá bỏ để chuyển đổi sang trồng cây khác thì sẽ có nguy cơ mất vùng nguyên liệu mía cho những năm sau. Ông đề nghị, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quy hoạch đúng hướng, hỗ trợ nguồn giống tốt, cũng như đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi... nhằm tiếp sức cho ngành mía đường Việt Nam trụ vững và phát triển ổn định trong quá trình hội nhập thế giới.

Nhìn vào cục diện chung của ngành mía đường hiện nay, ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho rằng, trước mắt cần có giải pháp giảm tối đa giá thành trồng mía; trong đó, giải pháp về kỹ thuật trồng, chăm sóc, cải tạo giống mới nhằm tăng năng suất cho cây mía là quan trọng hàng đầu. Hiện cách sử dụng giống mía của cả nước nói chung và Tây Ninh nói riêng vẫn mạnh ai nấy làm, thiếu sự thống nhất trong khâu kiểm nghiệm, thử nghiệm về năng suất, chất lượng cây trồng cũng như kiểm soát về dịch bệnh; kỹ thuật canh tác, chi phí phân bón cũng cần tính toán lại cho hợp lý hơn. 

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dự kiến niên vụ 2018-2019, cả nước sẽ giảm hơn 10.000 ha mía (tức chỉ còn khoảng hơn 244.000 ha mía); trong đó Tây Ninh dự kiến sẽ giảm khoảng hơn 1.000 ha (còn hơn 19.400 ha).

Ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần mía đường Thành Thành Công - Biên Hòa cho rằng, không chỉ riêng ngành mía đường ở Việt Nam gặp khó khăn khi hội nhập vào thị trường chung của thế giới, mà các nước muốn hội nhập đều phải thích ứng và tìm giải pháp để trải qua giai đoạn khó khăn. Các nhà máy cần đồng hành với Nhà nước để tạo một vùng nguyên liệu ổn định và nhà máy chắc chắn chia sẻ lợi ích cho nông dân. Đây là việc cộng sinh một cách tự nhiên.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, niên vụ năm 2017-2018 vừa qua, tổng diện tích mía cả nước là 274.300 ha; tăng 6.000 ha so với cùng kỳ; năng suất bình quân đạt 65,1 tấn/ha; tăng 0,3 tấn/ha, tổng sản lượng đạt hơn 17,8 triệu tấn, tăng 500.000 tấn so với niên vụ 2016-2017.

Theo ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ 2017 - 2018 là một niên vụ hết sức khó khăn cho ngành mía đường Việt Nam. Hiện ngành mía đường đang phải tìm mọi biện pháp để hỗ trợ nhà máy, cũng như người nông dân sản xuất mía làm sao đảm bảo có lợi nhuận và sống được với cây mía.

Bàn về giá thành sản xuất cây mía của Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, giá mía nguyên liệu hiện chiếm 70% giá thành sản xuất kinh doanh. Do vậy, để giảm giá thành sản xuất việc cần làm trước tiên là nâng cao năng suất cho cây mía.

Theo ông Toản, thực tế hiện vùng nguyên liệu sản xuất mang tính chất hộ gia đình, nhỏ lẻ là nguyên nhân rất lớn dẫn đến hạn chế đầu tư xây dựng hạ tầng, áp dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa trong trồng trọt, chăm sóc và thu hoạch mía. Đó cũng là nguyên nhân gián tiếp khiến khó nâng cao năng suất, chất lượng mía cũng như giảm giá thành sản xuất mía.

Để phát triển nguồn nguyên liệu mía bền vững, ngành mía đường cần xây dựng các vùng nguyên liệu theo hướng hợp tác, liên kết các nhà máy để hình thành hệ thống chế biến đường thô và đường tinh luyện, kết hợp với việc phát triển điện thương phẩm từ bã mía, sản xuất cồn... là điều cần thiết nhất.

Hiện cả nước có 37/41 nhà máy đường hoạt động (4 nhà máy ngừng hoạt động là: Hiệp Hòa, Kiên Giang, Cà Mau và NIVL do thiếu nguồn nguyên liệu chế biến). Tổng công suất thiết kế của các nhà máy là hơn 153.300 tấn mía/ngày, nhưng công suất thực chạy chỉ đạt khoảng 136.000 tấn mía/ngày.

Từ thực trạng trên cho thấy, nếu muốn nông dân trồng mía không quay lưng lại với cây mía thì ngành mía đường ở cả nước, cũng như ở Tây Ninh cần có những chính sách ưu đãi hơn nữa, kết hợp các biện pháp áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, giảm giá thành cho cây mía.

Phạm Thanh Tân (TTXVN)
Giá thu mua mía chạm đáy, ngành mía đường lo khủng hoảng thừa
Giá thu mua mía chạm đáy, ngành mía đường lo khủng hoảng thừa

Hiện nhiều nhà máy đường ở các tỉnh phía Nam đã công bố giá thu mua mía cho niên vụ 2018-2019 giảm từ 100-150 đồng/kg so với niên vụ trước. Giá thu mua giảm nhưng ngành mía đường đang lo lắng đầu ra vì lượng đường tồn kho cao kỷ lục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN