Cơ cấu giống lúa chính vụ Đông Xuân là lúa thơm (chiếm trên 90%) như: Đài Thơm 8, Jasmine 85, các giống ST, OM18, OM5451, OM380…
Theo ghi nhận của phóng viên, giá nhiều loại lúa ở mức thấp hơn từ 2.000 - 2.500 đồng/kg so với vụ Đông Xuân 2023 - 2024. Hiện giá lúa dao động từ 5.000 - 7.500 đồng/kg, tùy nhóm giống lúa. Các loại lúa thuộc nhóm lúa thơm như: Đài Thơm 8, RVT, Jasmine 85 và OM18 được nông dân tại các quận, huyện bán cho thương lái và các doanh nghiệp ở mức từ 6.100 - 6.400 đồng/kg, lúa ST 24 ở mức 7.500 đồng/kg. Riêng các giống lúa IR 50404, OM 380... ở mức 5.000 - 5.300 đồng/kg.
Mặc dù giá lúa thấp hơn so với cùng kỳ nhưng nông dân vẫn có lợi nhuận nhưng không nhiều. Ông Nguyễn Văn Ê, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai đã thu hoạch và bán 20 công (1.300 m2/công) lúa OM380 với năng suất khoảng 1 tấn/công, giá bán 5.000 đồng/kg. Với giá bán này, trừ chi phí sản xuất mỗi công lúa (khoảng 3,5 triệu đồng) vẫn lãi khoảng 1,5 triệu đồng nhưng ông Ê chưa hài lòng. Bởi so với trước Tết Nguyên đán 2025, giá một số loại lúa bán sau Tết tăng nhẹ trở lại nhưng nhìn chung hầu hết vẫn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ vụ Đông Xuân 2023 - 2024.
Lúa OM18 có giá 6.400 đồng/kg.
Với giá bán lúa ở mức thấp như hiện nay, nhiều nông dân thuê, mướn đất trồng lúa còn có nguy cơ bị lỗ vốn. Theo nhiều nông dân tại các huyện trồng lúa chủ lực trên địa bàn thành phố Cần Thơ như: Thới Lai, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh, vụ này nếu làm lúa đất nhà, năng suất lúa đạt từ 1 tấn/công tầm lớn trở lên, vẫn có thể kiếm lời từ 2 - 3 triệu đồng/công. Nhưng nếu thuê, mướn đất để sản xuất lúa, khó có thể thu hồi được vốn, nhất là trong trường hợp phải thuê đất với giá cao và lúa đạt năng suất thấp, cộng với giá bán thấp.
Theo chia sẻ của nhiều nông dân, họ phải thuê đất trồng lúa với mức giá từ 3,8 - 5,5 triệu đồng/công/năm. Nhiều người thấy giá lúa năm 2024 cao nên tập trung đầu tư vật tư nông nghiệp, công chăm sóc với kỳ vọng vụ Đông Xuân 2024 - 2025 sẽ đem lại năng suất cao, thêm giá lúa cao thì lợi nhuận sẽ nhiều hơn. Do đó, nhiều nông dân thuê đất trồng lúa trông chờ vào vụ lúa Đông Xuân để có thể thu hồi vốn bởi trong 3 vụ lúa/năm thì vụ Đông Xuân thời tiết thường thuận lợi, lúa đạt năng suất cao so với vụ Hè Thu và Thu Đông. Tuy nhiên, với giá thuê đất và chi phí canh tác cao, vụ Đông Xuân này nhiều nông dân thuê đất khó thu hồi vốn.
Ông Nguyễn Văn Dũng, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ thuê 26 công đất tại khu vực Nông trường sông Hậu để sản xuất lúa, với giá thuê 3,8 triệu đồng/công/năm. Do giá các loại vật tư đầu vào ở mức cao, chi phí đầu tư sản xuất lúa trong vụ Đông Xuân từ 3 - 3,2 triệu đồng/công, cộng với tiên thuê mướn đất, tính ra lên đến 6,8 - 7 triệu đồng/công. Nhưng lúa sau khi thu hoạch bán chỉ được 6.200 đồng/kg.
Nông dân Cần Thơ thu hoạch lúa Đông Xuân.
"Dù năng suất lúa đạt khoảng 1 tấn/công, nhưng tôi chỉ thu được 6,2 triệu đồng/công. Như vậy, với mỗi công đất, tôi lỗ vốn từ 600.000 - 800.000 đồng/công nên gặp khó khi tái đầu tư cho vụ lúa tiếp theo", ông Dũng cho hay.
Đến thời điểm này đã có trên 35.000 ha lúa vụ Đông Xuân ở Cần Thơ được thu hoạch với năng suất ước đạt 75 tạ/ha. Cơ cấu giống lúa chính vụ Đông Xuân là lúa thơm (chiếm trên 90%) như: Đài Thơm 8, Jasmine 85, các giống ST, OM18, OM5451, OM380… Những ngày qua, điều kiệu thời tiết nắng tốt tạo nhiều thuận lợi cho nông dân thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Lúa của nông dân đều được thương lái và doanh nghiệp kịp thời thu mua tươi tại ruộng.
Theo ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ, mặc dù lợi nhuận không bằng vụ Đông Xuân năm 2023 - 2024 nhưng tại thời điểm này, với chi phí đầu tư khoảng 3.500 đồng/kg thì giá bán lúa dao động 6.200 - 6.500 đồng/kg, người nông dân vẫn có lãi.
Hiện nay, ở một số cánh đồng, nông dân đã thu hoạch xong trà lúa Đông Xuân và đang chuẩn bị gieo sạ vụ tiếp theo. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ Trần Thái Nghiêm khuyến nghị nông dân hạn chế áp dụng giải pháp đốt đồng, thay vào đó là sử dụng hiệu quả phụ phẩm rơm rạ tái sử dụng sản xuất theo hướng tuần hoàn (trồng nấm rơm, làm phân bón...) vừa góp phần tăng thu nhập vừa hạn chế ô nhiễm môi trường trong sản xuất.
Ông Nghiêm cũng cho biết, theo thông tin từ Trung tâm Khí tượng thủy văn, mùa khô năm nay mặc dù tình trạng khô hạn diễn ra nhưng mức độ tương đương trung bình nhiều năm nhưng thấp hơn thời điểm khắc nghiệt (năm 2016). Tuy nhiên, để chủ động ứng phó với điều kiện sản xuất lúa, ngành nông nghiệp khuyến khích nông dân nông dân có diện tích sản xuất lúa trong điều kiện hạ tầng tưới tiêu không đảm bảo (vùng ven đô) nên chuyển đổi sang các cây trồng cạn nâng cao hiệu quả sản xuất.