Hạ tầng khung là hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật chính cấp đô thị, gồm các trục giao thông, tuyến truyền dẫn cấp nước, thoát nước, viễn thông... Việc phát triển hạ tầng khung sẽ quyết định đến kết nối của một vùng, một địa phương. Do tính chất quan trọng như vậy nên trong những năm vừa qua, thành phố Hà Nội định hướng các huyện đang trong lộ trình xây dựng thành quận đến năm 2025, tập trung nguồn lực để phát triển hạ tầng khung, tạo bộ mặt đô thị đồng bộ, hiện đại giúp nâng cao đời sống của người dân Thủ đô.
Hiện thành phố Hà Nội định hướng 5 huyện: Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng và Gia Lâm phấn đấu đến năm 2025 sẽ trở thành quận. Trong số những huyện trên, Gia Lâm là địa phương nổi lên như một điển hình về huy động các nguồn lực về phát triển hạ tầng khung đô thị.
Khoảng 5 năm trước đây, Trung Mầu là xã khó khăn của huyện Gia Lâm. Hệ thống đường xá xuống cấp là nguyên nhân chính kìm hãm sự phát triển của địa phương này. Từ thực tế đó, trong những năm gần đây, huyện Gia Lâm đã quan tâm, dành nguồn lực để đầu tư đồng bộ cho Trung Mầu để phát triển hạ tầng.
Chủ tịch xã Trung Mầu Tạ Đình Tuyến chia sẻ, thời gian qua, hạ tầng giao thông trục chính, chiếu sáng, trụ sở, trường học, trạm y tế của xã đã được huyện đầu tư. Cùng với đó, xã cũng đã huy động người dân đóng góp xây dựng những đường nhánh, đường ngõ xóm.
Giờ đây, từ đầu làng cuối xóm ở Trung Mầu đều được làm bê tông, trải nhựa nhẵn phẳng. Kéo theo đó, đời sống người dân đã không ngừng đổi thay, ngành nghề thương mại, dịch vụ phát triển. Thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt 51 triệu đồng/năm tăng gấp hơn 2 lần so với đầu nhiệm kỳ, Chủ tịch xã Trung Mầu phấn khởi cho biết.
Theo UBND huyện Gia Lâm, đến nay, 100% các tuyến đường trên địa bàn huyện đều được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện và kết nối với trung tâm hành chính các xã, thị trấn trên địa bàn. UBND huyện Gia Lâm xác định, khi xây dựng phải kết nối các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ đã có, hình thành hệ thống hạ tầng khung theo quy hoạch, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân địa phương, giảm áp lực giao thông cho các tuyến đường hiện có.
Vì vậy, giai đoạn 2015 - 2020 UBND huyện Gia Lâm đề xuất với thành phố để được giao chủ đầu tư thực hiện 15 tuyến đường trên địa bàn huyện với tổng chiều dài khoảng 46,42 km; với mặt đường rộng từ 13,5 m đến 40 m. Tiêu biểu trong số dự án hạ tầng khung kể trên có 3 tuyến đường Đông Dư - Dương Xá; tuyến đường Yên Viên - Đình Xuyên - Phù Đổng và tuyến đường 30 m vào cảng ICD.
Các tuyến đường kể trên được đầu tư đồng bộ từ cây xanh, chiếu sáng và rãnh thoát nước, hệ thống viễn thông. Khi tuyến đường hình thành đã mở ra cơ hội thuận lợi cho các địa phương phát triển kinh tế, giúp việc đi lại giữa Gia Lâm với các huyện, tỉnh thành lân cận được dễ dàng hơn.
Trăn trở về việc lộ trình lên quận vào những năm tới nhưng còn thiếu khoảng 99,4 km đường giao thông, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân chia sẻ, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 huyện trở thành quận và xác định “Đẩy mạnh phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng khung và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, môi trường xanh - sạch - đẹp đáp ứng yêu cầu thành lập quận” là một trong hai khâu đột phá của nhiệm kỳ tới, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu lúc này.
Vì vậy, để đạt được mục tiêu đề ra, UBND huyện Gia Lâm đã đề xuất với thành phố từ năm 2021-2025 tiếp tục đầu tư 32 tuyến đường hạ tầng khung khớp nối với tổng chiều dài 57 km, tổng mức đầu tư khoảng 5.300 tỷ đồng. Trong quá trình xây dựng hạ tầng khung, huyện Gia Lâm sẽ đặc biệt quan tâm kết nối giao thông với quận: Long Biên, huyện Đông Anh, tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hưng Yên.
Theo ông Lê Anh Quân, để hoàn thành mục tiêu trên, huyện Gia Lâm đang báo cáo, đề xuất thành phố xem xét, chấp thuận giao UBND huyện làm chủ đầu tư 32 dự án giao thông hạ tầng khung giai đoạn 2021-2025 thuộc nhiệm vụ chi thành phố, với tổng chiều dài 57 km; trong đó, đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thành phố với 6 tuyến đường có chiều dài 26 km, tổng kinh phí 2.400 tỷ đồng; đầu tư từ nguồn vốn ngân sách huyện 26 tuyến đường có chiều dài 31 km, tổng kinh phí 2.300 tỷ đồng.
Trước khối lượng công việc lớn, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân cho biết, hàng tuần trực tiếp lãnh đạo huyện sẽ làm việc với các phòng, ban, đơn vị liên quan như: Phòng Quản lý đô thị, phòng Tài chính - Kế hoạch, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện và các địa phương có dự án để chỉ đạo, triển khai thực hiện.
Trong trường hợp có vướng mắc từ trong các khâu chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, giải phóng mặt bằng,… nếu thuộc thẩm quyền sẽ được xem xét giải quyết và tháo gỡ, rút ngắn thủ tục ngay theo thứ tự ưu tiên cho từng lĩnh vực từng thời điểm.
Kinh nghiệm để đáp ứng đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng khung được huyện Gia Lâm rút ra là, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu và mỗi cá nhân, trong công việc; đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương hành chính; đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn, ông Lê Anh Quân chia sẻ.
Tại Hà Nội, một số huyện còn đang khó khăn về việc tìm nguồn vốn để đầu tư hạ tầng trên địa bàn, song với Gia Lâm đã xây dựng “kịch bản” để giải bài toán về vốn cho việc xây dựng hạ tầng khung.
Ông Hoàng Tiến Dũng, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Gia Lâm cho biết, bên cạnh huy động nguồn lực từ thành phố, huyện đã chủ động nguồn vốn từ việc đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn. Theo đó, huyện đã và đang tập trung chỉ đạo các dự án đấu giá đất tập trung, đấu giá đất nhỏ, kẹt; tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng dự án.
Cùng đó, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thành hạ tầng kỹ thuật các khu đất để thực hiện đấu giá tạo nguồn thu đầu tư xây dựng cơ bản, đồng thời báo cáo kịp thời thành phố cơ chế hỗ trợ, ứng vốn ngân sách thành phố để triển khai các dự án hạ tầng khung trển địa bàn.
Ngoài ra, huyện chỉ đạo các đơn vị được giao chủ đầu tư rà soát, hoàn thiện các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án theo kế hoạch được duyệt; đẩy mạnh quyết toán dự án hoàn thành, kịp thời thanh tất toán tài khoản và đóng mã số dự án theo quy định.
Với những gì đang triển khai tại Gia Lâm - địa phương cửa ngõ phía Đông của Thủ đô đang thay đổi một cách nhanh chóng về hạ tầng. Đây là một trong những yếu tố then chốt, quan trọng giúp Gia Lâm chuyển mình từ huyện lên quận trong tương lai gần.