Giá kén tằm tại Lâm Đồng tăng cao kỷ lục

Sau thời gian chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá kén tằm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng liên tục tăng và hiện đã đạt lỷ lục lên 222.000 đồng/kg. Mức giá này đã đem về lợi nhuận lớn cho người trồng dâu, nuôi tằm trên địa bàn.

Cụ thể, giá kén ghi nhận tại các vùng chuyên canh dâu tằm trên địa bàn như huyện Bảo Lâm, Đạ Tẻh hiện dao động từ 180.000 - 220.000 đồng/kg.

Cá biệt, tại huyện tại Lâm Hà, kén tằm đã đạt mức kỷ lục 222.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với tuần trước. Mức giá này giúp người trồng dâu nuôi tằm thu lãi từ 110.000 - 120.000 đồng/kg kén.

Trước đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá kén tằm tại các vùng trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng rơi xuống mức hơn 100.000 đồng/kg khiến người dân gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, từ thời điểm cuối năm 2021 và đầu năm 2022, giá kén bật tăng trở lại, dao động từ 155.000 – 200.000 đồng/kg. Mức giá này cũng duy trì suốt năm 2022 và đến nay tiếp tục lập đỉnh mới, lên 220.000 đồng/kg.

Tỉnh Lâm Đồng hiện có trên 60 hợp tác xã, tổ hợp tác và 5 làng nghề trồng dâu nuôi tằm, với gần 10.000 ha dâu tằm, khoảng 15.000 hộ dân làm nghề trồng dâu, nuôi tằm. Tập trung chủ yếu tại địa bàn huyện Lâm Hà, Bảo Lâm, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Đạ Huoai. Sản lượng lá dâu ước đạt gần 200.000 tấn/năm, sản lượng kén đạt khoảng trên 13.000 tấn/năm và sản lượng tơ đạt trên 1.500 tấn/năm.

Ngoài kén tằm, theo  ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng, hiện giá nông sản và vật tư nông nghiệp cũng có sự biến động nhẹ.

Cụ thể như: hành tây Đà Lạt 9.000 đồng/kg, khoai tây Đà Lạt 16.000 đồng/kg, đều tăng 2.000 đồng/kg; pó xôi 18.000 đồng/kg, đậu leo 12.000 đồng/kg, đều tăng 4.000 đồng/kg; ớt chuông Đà Lạt 32.000 đồng/kg, tăng 7.000 đồng/kg; ớt sừng 20.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với tuần trước do thị trường tiêu thụ mạnh.

Nguyễn Dũng (TTXVN)
Nhiều nông dân ở Chư Sê thoát nghèo nhờ trồng dâu nuôi tằm
Nhiều nông dân ở Chư Sê thoát nghèo nhờ trồng dâu nuôi tằm

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất sản xuất cà phê, tiêu kém hiệu quả sang trồng dâu - nuôi tằm gắn với liên kết sản xuất, nhiều nông dân ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đã vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mô hình trồng dâu - nuôi tằm còn góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững tại địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN