Giá hồ tiêu vượt mốc 150.000 đồng/kg, cao nhất kể từ năm 2016

Những ngày này, tại Gia Lai, một trong những vùng trồng hồ tiêu trọng điểm của cả nước, người dân đang phấn khởi bước vào vụ thu hoạch khi giá hồ tiêu chính thức vượt mốc 150.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất kể từ năm 2016, mang đến niềm vui và hy vọng lớn cho hàng nghìn nông hộ trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Diện tích trồng hồ tiêu đã được canh tác theo hướng hữu cơ tại Gia Lai.

Tại huyện Chư Sê, ông Nguyễn Tấn Lục (thôn 4, xã Ia Hlốp) cho biết, gia đình có 1.200 trụ tiêu, sản lượng năm nay đạt hơn 3 kg khô/trụ, bán với giá 160.000 đồng/kg, cộng thêm 12.000 đồng/kg nhờ canh tác hữu cơ, thu về trên 500 triệu đồng. Nhờ áp dụng mô hình canh tác hữu cơ, vườn tiêu của gia đình luôn xanh tốt, hạn chế sâu bệnh, giảm chi phí đầu tư và nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ kiên trì trồng theo hướng hữu cơ nên cây phát triển rất ổn định, dù thời tiết có biến động nhưng vẫn đạt năng suất cao.

Tương tự, tại huyện Chư Prông, hộ bà Võ Thị Tuyết (làng Hát 2, xã Ia Piar) cũng vừa bước vào vụ thu hoạch với gần 500 trụ tiêu. Do mới chuyển đổi qua trồng theo hướng hữu cơ nên năng suất đạt khoảng hơn 2 kg khô/trụ. Với giá khoảng 160.000 đồng/kg, gia đình dự kiến thu về gần 200 triệu đồng. Những năm gần đây, gia đình canh tác hồ tiêu theo hướng bền vững, trồng theo hướng hữu cơ nên không chỉ kiểm soát được dịch bệnh mà còn giảm chi phí đầu tư. Chính vì vậy, dù năng suất năm nay có giảm đôi chút nhưng lợi nhuận thu về cho gia đình vẫn tốt hơn - bà Tuyết chia sẻ.

Chú thích ảnh
Sản phẩm hồ tiêu Gia Lai.

Ông Nguyễn Tấn Công, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (huyện Đăk Đoa) cho biết, năm nay giá hồ tiêu tăng cao, cùng với năng suất tương đối ổn định ở mức 2,5-3 tấn/ha, giúp người dân gia tăng lợi nhuận. Theo ông Công, nông dân hiện nay canh tác thông minh hơn, thực hiện trồng xen canh, đa canh để tránh rủi ro, đồng thời khai thác tối đa trên diện tích cây trồng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Gia Lai, toàn tỉnh hiện có khoảng 7.500 ha hồ tiêu với năng suất trung bình khoảng 35 tạ/ha. Những năm qua, để nâng cao năng suất, chất lượng cũng như phát triển bền vững ngành hồ tiêu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai đã tập trung hướng dẫn các địa phương trồng tiêu tại những vùng có lợi thế như Chư Pưh, Chư Sê, Chư Prông, Ia Grai, Chư Păh, Đắk Đoa, Mang Yang, Đức Cơ và Tp. Pleiku. Đồng thời, diện tích hồ tiêu tại những nơi không phù hợp cũng được giảm bớt nhằm đảm bảo nền tảng vững chắc cho việc chuyển đổi cây trồng.

Chú thích ảnh
Sản phẩm hồ tiêu Gia Lai ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.

Giá hồ tiêu tăng mạnh do diện tích trồng tiêu giảm đáng kể trong gần một thập kỷ qua khi nông dân chuyển sang cây trồng khác như cà phê, sầu riêng. Cùng đó, nhu cầu tiêu thụ tăng cao tại các thị trường châu Âu và Mỹ. Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, lượng tiêu xuất khẩu sang Mỹ trong tháng 1/2025 tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, thời tiết khắc nghiệt và dịch bệnh trên cây tiêu cũng ảnh hưởng đến sản lượng, làm nguồn cung tiếp tục bị thu hẹp.

Theo các chuyên gia, mặc dù giá tiêu tăng giúp nông dân Gia Lai có cơ hội cải thiện thu nhập nhưng không nên mở rộng diện tích ồ ạt mà cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm. Thị trường hồ tiêu có tính chu kỳ, giá cao hiện tại là cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro nếu sản xuất không bền vững. Nông dân cần áp dụng canh tác hữu cơ, kiểm soát dịch bệnh và liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra ổn định.

Chú thích ảnh
Sản phẩm hồ tiêu Gia Lai đạt chứng nhận OCOP được giới thiệu và bày bán tại nhiều hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh.

Theo ông Hoàng Thi Thơ - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Gia Lai, giá hồ tiêu tăng cao giúp nông dân có thêm lợi nhuận và lấy lại niềm tin với loại nông sản từng được ví như "vàng đen" của Tây Nguyên. Để phát triển ổn định cây hồ tiêu, Gia Lai sẽ duy trì diện tích từ 8.500-10.000 ha, xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn với chế biến và xuất khẩu. Đồng thời, tỉnh sẽ đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, tăng diện tích tiêu trồng xen nhằm giảm thiểu dịch bệnh. Mục tiêu đến năm 2030, khoảng 60% diện tích hồ tiêu đạt chứng nhận GAP và trên 70% diện tích có mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Sự hồi phục mạnh mẽ của giá hồ tiêu không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho nông dân mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, khẳng định vị thế của hồ tiêu Gia Lai trên thị trường quốc tế. Để tận dụng tốt cơ hội này, ngành hồ tiêu Gia Lai cần đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến sản xuất bền vững và đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe. Nếu thực hiện tốt giải pháp này, hồ tiêu Gia Lai không chỉ phục hồi mà còn vươn xa hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bài và ảnh: Hồng Điệp (TTXVN)
Ngành hồ tiêu sẵn sàng ứng phó với nhiều biến động
Ngành hồ tiêu sẵn sàng ứng phó với nhiều biến động

Theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Gia vị Việt Nam, sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2025 được dự báo tiếp tục giảm so với năm 2024, đánh dấu năm giảm thứ tư liên tiếp kể từ năm 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN