Theo khảo sát của phóng viên báo Tin tức, ngày 16/2 tại 3 chợ dân sinh Kim Quan (Việt Hưng, Long Biên); chợ Đồng Dinh (Thạch Bàn, Long Biên) và chợ Gióng (Phù Đổng, Gia Lâm), chợ Yên Duyên (Yên Sở, Hoàng Mai), giá các loại rau xanh được các hộ tiểu thương thông báo tăng nhẹ do khan hiếm nguồn cung.
Theo đó, các loại rau muống, rau cần, mồng tơi… có giá từ 12.000 - 15.000 đồng/mớ; rau bắp cải 30.000 đồng/kg; xu hào, cà tím giá 15.000 đồng/kg; cà chua khoảng 20.000 - 25.000 đồng/kg..., tăng khoảng 2.000 - 3.000 đồng/mớ/kg tùy loại, su hào từ 6.000 - 8.000 đồng/củ, súp lơ từ 15.000 - 17.000 đồng/cây, cà rốt từ 15.000 – 20.000 đồng/kg... Giá cả tại các chợ cũng chênh lệch nhau, nhưng không đáng kể.
Chị Nguyễn Đào, tiểu thương bán rau tại chợ Yên Duyên (Yên Sở, Hoàng Mai) cho biết, theo quy luật sau Tết Nguyên đán, thường là thời điểm giá rau tăng mạnh do nguồn cung khan hiếm. Thêm vào đó, từ Tết đến nay liên tục xảy ra các đợt rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến các vùng trồng, nên lượng rau của các nhà vườn cung cấp về không nhiều. Đặc biệt, quán ăn, nhà hàng… hoạt động trở lại sau một thời gian dài đóng cửa dẫn đến nhu cầu tăng cao. "Nguồn nhập hàng giá tăng lên, chưa kể đến một số rau ăn lá còn khan hàng do mưa rét nên bị hỏng. Giá cao nên người dân cũng thắt chặt chi tiêu hơn, lượng mua cũng ít đi", chị Đào cho biết.
Còn chị Trần Thị Hằng (sinh năm 1983), tiểu thương bán rau tại chợ Đồng Dinh (Thạch Bàn, Long Biên) chia sẻ, giá rau củ quả đã giảm nhiệt đáng kể so với thời điểm trong Tết Nguyên Đán nhưng vẫn ở mức cao. Nguyên nhân do nguồn cung đầu năm chưa ổn định, lượng rau củ về chưa nhiều. "Thời tiết giá lạnh, rau củ quả nhập đầu vào đắt, lại vắng khách mua. Người tiêu dùng giờ ít đi mua rau tại chợ, bắt đầu quen đi siêu thị mua cùng lúc các mặt hàng khác, nên tiểu thương bán rau ế ẩm… Tình trạng này kéo dài, cũng phải tính toán chuyển nghề”, chị Hằng nói.